419
category
402269

Tại sao phải cố tình ‘ngụy biện lập lờ’ vụ Đồng Tâm?

Hải Anh 17/06/2020 18:11

Sau khi công bố kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội, đã có nhiều ‘lý lẽ’ được đưa ra để ngụy biện cho hành vi tội ác man rợ mà nhóm Đồng thuận đã tiến hành đối với lực lượng chức năng thực thi pháp luật. Ngay sau đó, trên trang RFA, có giật tít bài viết “Kết luận điều tra vụ Đồng Tâm: Luật sư, người thân chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn”. Trong đó, luật sư Đặng Đình Mạnh là người được mời tham gia bào chữa cho vụ án này đã đưa ra lập luận như sau rằng:

“Khi các luật sư được xem bản kết luận điều tra thì mới biết được rằng việc tấn công vào nhà của ông Kình hóa ra là thuộc về lực lượng công an Hà Nội. Đó là đã là thông tin chính thức rồi.

Thì điều đó nó mang ý nghĩa rằng chính lực lượng công an TP Hà Nội khi tấn công vào đó cũng đồng thời bị tố giác là tội phạm giết hại ông Lê Đình Kình. Lẽ ra, khi cơ quan công an Hà Nội bị tố giác như vậy thì họ không nên đảm đương các nhiệm vụ khởi tố vụ án, vừa là điều tra vụ án.

Bởi vì, đơn vị của họ đã bị tố giác tội phạm như thế mà họ đứng ra điều tra như vậy thì sẽ mất đi sự khách quan. Và điều này nó cũng trái với điều 21, Bộ luật TTHS rằng những người tiến hành tố tụng, trong trường hợp này là cơ quan điều tra, sẽ không được đảm đương những chức vụ về tố tụng trong vụ án nữa, nếu có những dấu hiệu cho rằng cơ quan điều tra không còn khách quan, vô tư.”.

Liệu luật sư Đặng Đình Mạnh đã đọc kỹ bản kết luận điều tra chưa và có am hiểu về quy định về tội phạm ?

Xin được trả lời Luật sư rằng tố giác tội phạm – người bị tố giác là lực lượng công an TP về hành vi tấn công vào gia đình cụ Lê Đình Kình. Theo như lời của RFA đăng tải thì luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ‘lực lượng tấn công vào gia đình cụ Lê Đình Kình là công an Thành phố Hà Nội và đồng thời bị tố giác là tội phạm giết hại ông Lê Đình Kình’.

Trong bản kết luận điều tra đã nêu rất rõ công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và các lực lượng khác để thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Chỉ như vậy, đã khẳng định không chỉ có Công an Thành phố Hà Nội mà còn có các lực lượng chức năng khác thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc tố giác tội phạm là do TS Nguyễn Quang A đứng đơn, xin chữ ký những kẻ chống phá đã nộp được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và trả lời thỏa đáng rằng ‘việc tố giác tội phạm không có căn cứ’ nên không khởi tố vụ án hình sự.

Đơn tố giác tội phạm không chỉ ra được hành vi có dấu hiệu hình sự (dấu hiệu tội phạm). Tức đối tượng Lê Đình Kình bị chết trong vụ việc do công an Thành phố Hà Nội phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, vụ việc này đang được điều tra nên trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ra tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án theo đơn tố giác.

Theo kết luận pháp y số 02/20/GĐDPY của viện giám định pháp y Quốc gia công bố thì nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình là “mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ, hậu quả của 2 vết thương do đạn thẳng”.

Về nguyên nhân chết của ông Kình, bản kết luận của cơ quan điều tra nêu: Ông Kình đang cầm một quả lựu đạn trong lúc chống trả. Ở khoảng cách 2-2,5 mét, lực lượng làm nhiệm vụ nổ hai phát súng. Khi tiếp cận hiện trường, cảnh sát “phát hiện ông đã chết”.

Những hung khí công an thu được tại hiện trường vụ Đồng Tâm

Theo kết luận điều tra nguyên nhân dẫn đến 2 vết thương do đạn thẳng “Khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), tổ công tác phát hiện ông Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải, đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía tổ công tác, nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 – 2,5 m và nổ súng 2 lần, khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng”, kết luận điều tra nêu.

Vậy, việc sử dụng súng bắn là cần thiết vì lúc này ông Kình cầm lựu đạn và những đối tượng khác bên trong vẫn tấn công bằng bom xăng, dao phóng lợn,… Nếu chứng minh được rằng, việc bắn 2 phát đạn của lực lượng chức năng mà không cần thiết thì mới có tội phạm nảy sinh. Thứ ba, việc tấn công vào gia đình đối tượng Lê Đình Kình và đồng bọn có dấu hiệu tội phạm. Thật lạ, luật sư nói cứ như Công an TP Hà Nội và lực lượng chức năng khác ‘tự dưng’ đến gia đình Lê Đình Kình để tấn công.

Xin hỏi luật sư Đặng Đình Mạnh rằng, gia đình Lê Đình Kình và đồng bọn tại sao lại ‘chứa chấp đến gần 50 người bên trong’ và trong nhà có rất nhiều vũ khí, vật liệu nổ? Đó là lý do vì sao Công an Thành phố phải phối hợp với lực lượng chức năng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Như vậy, gia đình Lê Đình Kình và đồng bọn lúc này như một ‘pháo đài’ để tấn công lực lượng chức năng và họ đã tấn công lực lượng chức năng, ngoan cố, cố thủ bên trong với hành vi côn đồ, tàn bạo và dã man.

Ở đây, cơ quan điều tra chỉ thực hiện chức năng điều tra vụ án hình sự không phải là cơ quan tham gia thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và càng không phải là lực lượng được huy động trực tiếp tham gia vụ việc xảy ra ở gia đình Lê Đình Kình và đồng bọn. Nên không thể ‘đánh đồng’ cơ quan điều tra là cơ quan tham gia thực hiện tấn công gia đình Lê Đình Kình.

Tại nhà bố con Lê Đình Kình lực lượng Công an đã thu giữ nhiều lựu đạn, bom xăng tự chế, dao phóng và nhiều loại hung khí khác. Tại đây, cơ quan Công an cũng thu được nhiều tài liệu của nhóm Lê Đình Kình trong việc vận động quyên góp tiền, hứa hẹn chia chác đất đai khi tái chiếm thành công.

Thật trớ trêu, đến giờ phút này còn nhiều người có lời lẽ bênh vực những kẻ giết người? Trước khi nói các bạn hãy thử đặt mình vào vị trí là người thân của những chiến sỹ đã hy sinh xem sao..

Vụ việc ở Đồng Tâm dẫn đến một kết cục bi thương một phần do sự yếu kém, vô cảm và chậm trễ của lãnh đạo chính quyền cơ sở trong việc lắng nghe và giải quyết sớm các vấn đề vướng mắc, tranh chấp tại địa phương. Đây là bài học lớn không chỉ riêng thành phố Hà Nội mà cho các địa phương trong cả nước về hóa giải các vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân..

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều