Tại sao ngành ngân hàng vụt sáng giữa thời bão giá?
Với quyết tâm, nỗ lực cùng cùng nguồn vốn đầu tư lớn, ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng, đem lại nhiều đóng góp về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội Việt Nam và được quốc tế đánh giá cao. Thành quả này không chỉ chứng minh tiềm năng và trí tuệ Việt Nam, mà còn cho thấy sự đúng đắn trong những chính sách về chuyển đổi số từ các cấp các ngành.
Trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã trở thành yếu tố tiên quyết đối với sự “sống còn” của ngành Ngân hàng. Chuyển đổi số mang lại trải nghiệm tốt và tiện lợi hơn cho khách hàng, giúp họ có thể thực hiện nhiều giao dịch nhanh chóng ngay trên thiết bị di động mà không mất nhiều thời gian và thao tác. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này, khi các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả ấn tượng bước đầu.
Năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi. Đây là đánh giá của Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu nổi tiếng McKinsey.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị. Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, chứng tỏ hiệu quả vượt bậc trong chuyển đổi số của ngân hàng.
Điểm tựa cho sự “thăng hoa” này của ngành ngân hàng không thể không nhắc đến những chính sách trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đón đầu kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Những yếu tố cơ bản cho chuyển đổi số như hạ tầng internet, công nghệ, hạ tầng số… đã được Chính phủ quan tâm, đầu tư và phát triển đồng bộ, tạo ra những cơ hội chưa từng có. Khi đời sống nâng cao, thói quen của người Việt chuyển dịch mạnh mẽ từ “offline” sang “online”, thúc đẩy các ngân hàng thay đổi để thích nghi, nhằm thỏa mãn nhu cầu và tăng trải nghiệm của khách hàng.
Bên cạnh đó, nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi kéo theo sự cạnh tranh giữa các ngân hàng gia tăng, đồng thời họ còn phải cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính. Ngân hàng cạnh tranh để số hóa nhiều hơn, tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho chính họ và khách hàng, đóng góp một phần vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Minh chứng cho lợi ích của chuyển đổi số là trong đại dịch Covid-19, tuy giãn cách xã hội và tưởng chừng các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ thì ngược lại, gần như mọi hoạt động giao dịch mua bán vẫn diễn ra bình thường trên hạ tầng số. Chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng thách thức và đón đầu cơ hội từ thị trường, trụ vững và phục hồi nhanh hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Thực tế, ngành ngân hàng cũng chính là lĩnh vực đạt lợi nhuận cao nhất trong đại dịch Covid-19.
Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia.
Và trong khi chuyển đổi số ở VN còn là quá trình mới mẻ thì nhờ các điều kiện thuận lợi, ngành ngân hàng đã dần tìm được hướng đi với tốc độ thần tốc, điều này minh chính cho tiềm năng từ trí tuệ Việt Nam và cả từ chính sách, thể chế đã “dọn đường”.
Tiềm năng còn rất lớn, đó là bởi ngành ngân hàng nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục cải thiện để phát triển mạnh hơn nữa. Các thách thức chủ yếu được nhìn nhận hiện nay là: hành lang pháp lý cần đồng bộ hơn, cần nhiều vốn đầu tư, nhân sự vận hành hơn, an ninh mạng cũng như nhận thức về chuyển đổi số từ khách hàng.
Tuy vậy, với sự quyết tâm chính trị và các chính sách đúng đắn, cùng thành quả ấn tượng ban đầu từ ngành ngân hàng đã mang lại kỳ vọng cao về sự phát triển của Việt Nam thời đại số hóa trong mọi mặt của đời sống xã hội.
An Diễm