3
category
398753

Tại sao Mỹ không kiểm soát được biểu tình, bạo loạn?

Hải Yến 05/06/2020 14:09

Hình ảnh những cửa hàng buôn bán bị đám người nhân danh biểu tình phản đối kỳ thị sắc tộc ở Mỹ bạo loạn, đập phá cướp bóc từ các cửa hàng ăn uống, đến cửa hàng thời trang Louis Vuitton, đã làm cho nước Mỹ rơi vào “khủng hoảng”, mất an ninh cùng cực. Ngay cả những chiếc xe của cảnh sát cũng bị nhóm người “biểu tình” này đập phá tan nát. Thấy gì từ những “biến tướng” của những dòng người nhân cơ hội này?

Sự kỳ thị sắc tộc, phân biệt màu da, đỉnh điểm khi cảnh sát Mỹ làm chết người da màu Floyd đã khiến cho rất nhiều người da màu ở Mỹ nổi giận, phản ứng bằng cách biểu tình, là điều dễ hiểu. Nhưng hành động biến biểu tình thành bạo động của một số phần tử, lợi dụng việc biểu tình, kẻ bạo loạn không những đập phá các cửa hàng của người da trắng, mà còn các cửa hàng của những người da đen, da màu, khiến người vô can bị ảnh hưởng nghiêm trọng – đó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi, Mỹ là quốc gia có Luật Biểu tình hẳn hoi nhưng vẫn không kiểm soát được sự bạo loạn, sự hung hãn của những con người quá khích nhân danh biểu tình, đấu tranh cho quyền bình đẳng.

Tất cả những con người tham gia đập phá, cướp bóc ở các cửa hàng, tấn công cảnh sát không phải là những người văn minh. Đây là những kẻ thừa cơ hội để phá hoại, biến nước Mỹ thành một đống hỗn loạn giữa đại dịch đang treo lơ lửng. Và sự hung hăng của những kẻ này đã và đang khiến các cơ quan chức năng của Mỹ bất lực toàn tập.

Ban đầu, người biểu tình ôn hòa
Nhưng sau đó, là hàng loạt sự cướp bóc diễn ra trên diện rộng

Thống đốc của nhiều bang bị động trong việc thiết lập an ninh, trật tự, vẫn ngồi yên “án binh bất động”, mặc cho Tổng thống Trump ra sức kêu gọi dùng vũ lực, quân đội để áp đảo. Tình thế báo động đến mức, Tổng thống Trump phải bất lực đưa ra lời đe dọa: “Nếu thành phố hoặc bang nào từ chối có những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ điều quân đội Mỹ đến và nhanh chóng giải quyết vấn đề”. Lệnh giới nghiêm cũng được đưa ra trên 40 tiểu bang, người dân không dám đi ra đường, vì không biết được điều gì sẽ xảy ra với mình trong lúc bạo loạn.

Trong tất cả các cuộc biểu tình, nếu như cơ quan chức năng và các nhà lãnh đạo không kiểm soát được tình hình, thì những việc biến tướng, bạo loạn, trộm cướp, hôi của, phá hoại tài sản, đánh người vô tội sẽ diễn ra như một điều tất yếu. Cuộc biểu tình dù cho điểm xuất phát ban đầu có ý nghĩa nhân văn thế nào đi chăng nữa, nhưng khi bạo loạn xảy ra thì tất cả đều là phi nghĩa. Trong dòng người biểu tình, chỉ cần một “mồi lửa” kích động, thì bạo loạn diễn ra liền ngay sau đó, kéo theo hàng loạt hậu quả.

Xuất phát điểm ban đầu của những người biểu tình là có ý tốt, để đòi công bằng cho Floyd, nhưng nhìn xem, với những khung hình bạo loạn thế kia, thì mục đích tốt ban đầu có đạt được? Biểu tình có nhiều mặt tích cực, có thể thay đổi một chính sách, đáp ứng được sự kỳ vọng của người biểu tình. Tuy nhiên, đó là biểu tình ôn hòa, nhân văn và bất bạo động. Riêng các cuộc biểu tình, có những bàn tay kích động, những hành vi vô văn hóa, tự do cướp bóc diễn ra, thì đó là sự phá hoại. Và đó là điều nguy hiểm vô cùng cho cả xã hội, cho an ninh trật tự và cuộc sống bình an của đa số người dân. Nhưng không phải quốc gia nào cũng kiểm soát được các cuộc biểu tình và giải quyết hàng loạt hệ lụy đằng sau đó.

Biểu tình không phải là chuyện lạ ở Mỹ, và chuyện biến từ biểu tình ôn hoà dẫn đến bạo loạn cũng không phải mới xảy ra, dù cho nước Mỹ với hệ thống pháp luật đặt cao vấn đề tự do, dân chủ; với hệ thống cảnh sát, tình báo dày đặt đến thế nào, cũng không thể tránh khỏi những lần bạo loạn như thế này. Dù cho người dân có văn minh, giáo dục cỡ nào, trong cuộc biểu tình, chỉ cần một mồi lửa nhỏ của những thành phần lợi dụng là sẽ dễ dàng bị cuốn theo.

Thế mới thấy, những mặt trái của vấn đề và không phải cuộc biểu tình nào cũng thể hiện tính nhân văn trọn vẹn.

Hải Yến

Đọc nhiều