2
category
52563

‘Tại sao một đoàn lại có tới 13 đại biểu Quốc hội vắng họp?’

16/07/2019 11:29

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp ngày 16-7 để đánh giá về kỳ họp thứ 7 vừa qua, với rất nhiều lời khen. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng chỉ ra sự thiếu nghiêm túc của không ít đại biểu Quốc hội.

Tại sao một đoàn lại có tới 13 đại biểu Quốc hội vắng họp? - Ảnh 1.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Ảnh: Lê Kiên

“Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo”, tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc mô tả.

“Kiên quyết, khéo léo, hài hòa…”

Theo ông Phúc, “hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn giảm nhưng số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên”.

Quốc hội ghi nhận những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

Tổng thư ký Quốc hội nhận xét: “Phiên giám sát diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm và mang tính xây dựng cao. Thành viên Chính phủ đã nghiêm túc giải trình làm rõ thêm và tiếp thu một số vấn đề được đại biểu nêu”.

Ông Phúc cũng cho rằng “nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu ‘mật’ một số tài liệu không thực sự cần thiết”.

“Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại phiên chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm”, ông Hạnh Phúc nhận định.

Nhìn nhận về những hạn chế, tổng thư ký Quốc hội cho hay: “Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.

Tại phiên chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm”.

Tại sao một đoàn lại có tới 13 đại biểu Quốc hội vắng họp? - Ảnh 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng rất khó giải thích với cử tri về việc đoàn đại biểu Quốc hội có tới 13 đại biểu xin vắng họp – Ảnh: Quochoi.vn

“Tranh luận thì tốt, chen luận thì không tốt”

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét việc Quốc hội thông qua “Luật rượu bia” được dư luận đánh giá rất cao.

“Quốc hội chất vấn về những vấn đề nhạy cảm trong thời điểm cần có tiếng nói của những cơ quan như Bộ Công an, Bộ Văn hóa. Trước kỳ họp đi tiếp xúc cử tri có những vấn đề nặng nề, nhưng sau kỳ họp đi tiếp xúc thì thấy nhẹ nhàng hơn”, ông Giàu nói với ông, kỳ họp này “lắng đọng lại là sự thành công”.

Về điểm tồn tại, ông Giàu đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ các phiên họp, không nên vắng mặt nhiều, cũng như cần nghiêm túc đối với các phiếu thăm dò ý kiến. “484 đại biểu mà khi thăm dò ý kiến về những vấn đề lớn chỉ thu về có hơn 300 phiếu. Trong thảo luận thì tranh luận là tốt nhưng chen luận thì không tốt”, ông Giàu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng lên tiếng: “Có những buổi chúng tôi nhận được báo cáo của tổng thư ký cho thấy có đoàn đại biểu Quốc hội vắng tới 13 đại biểu. Tại sao có thể như vậy? Cử tri nhìn vào sẽ rất khó coi, cho rằng đại biểu họp không nghiêm túc”.

Qua theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, bà Nga chỉ ra khi tổ chức họp tại tổ, có một số tổ chất lượng thảo luận tốt, một số tổ thảo luận chưa tốt mà thường nghỉ sớm. Những tổ có đông phóng viên theo dõi, đưa tin thì thảo luận sôi nổi hơn.

“Đề nghị không nên bố trí quá nhiều nội dung vào một buổi thảo luận tổ, đề nghị các tổ thảo luận thực chất, không nghỉ sớm”, bà Nga tỏ thái độ.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì băn khoăn rằng trong các báo cáo đánh giá về kỳ họp vẫn thấy có xu hướng “hồng quá, lạc quan quá, trơn tru quá”, trong khi “tình hình đất nước, tình hình xã hội vẫn có những vấn đề nóng, cần phải giải quyết”.

“Công tác cổ phần hóa DNNN đang như vậy; vấn đề hợp tác công tư như vậy; vấn đề đất đai nóng bỏng như thế nhưng vẫn cứ để lại, vẫn cứ xin lùi…”, ông Lưu nêu ví dụ và đề nghị với các tồn tại, hạn chế cần nêu rõ địa chỉ, phải có người chịu trách nhiệm.

Ông Lưu cũng cho rằng công tác thông tin, tuyên truyền của cả Quốc hội và Chính phủ cần đánh giá lại: “Như chuyện vừa xảy ra đấy, đường sắt tốc độ cao một bộ đưa ra con số hơn 58 tỉ USD, một bộ đưa ra con số 26 tỉ USD, có sự chênh lệch rất lớn, dư luận hoang mang”.

Quốc hội dự kiến phê chuẩn EVFTA và EVIPA vào cuối năm

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 21-10 và dự kiến có 25 ngày làm việc. Tại kỳ họp này, Quốc hội có kế hoạch thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, đồng thời với việc xem xét thường kỳ các vấn đề kinh tế – xã hội, phòng chống tham nhũng, công tác tư pháp…

Quốc hội cũng dự kiến xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA vừa được Chính phủ ký kết với EU. Vấn đề cho phép TP Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND phường cũng có thể được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều