419
category
407199

Tại sao lúc đương chức không lấy lý do xin thôi?

Han Cao 06/07/2020 18:04

Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã cùng gửi đơn xin thôi chức vụ lên Bộ Chính trị. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn tán nếu hai đồng chí này không gửi đơn vào đúng thời điểm vừa mới lĩnh án kỷ luật Đảng.

Phải chăng cứ bị kỷ luật Đảng mới biết sợ, còn lúc đang đương nhiệm, lúc sai phạm chưa bị phát hiện thì vẫn có thể đường hoàng tại vị

Vi phạm khuyết điểm đến mức cần phải xử lý kỷ luật

Trước đó, tại kì họp thứ 45, ngày 01 – 04/6 tại Hà Nội, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật Đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi. ÔngTrần Ngọc Căng (SN 1960, quê Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) trước khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2015 nguyên là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác, dự án đầu tư và công tác cán bộ, hay quản lý, sử dụng đất đai.

Tại trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào ngày 16/6 vừa qua đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Theo đó, qua đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Viết Chữ sẽ phải chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường Vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 vì nhiều sai phạm khác nhau. Điển hình là việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn.

Bộ Chính trị cho biết những việc làm trên của ông Lê Viết Chữ là vô cùng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thời là uy tín của cá nhân ông. Hơn nữa, việc làm của ông Lê Viết Chữ đã vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với hình thức kỷ luật như trên, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã gửi đơn lên Bộ Chính trị Ban Bí thư xin thôi chức vụ. Được biết hai ông xin nghỉ với lý do cá nhân và mong muốn nghỉ hưu theo chỉ độ. Không chỉ vậy, hai ông cũng cho biết, việc xin thôi chức vụ cũng nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức trong thời gian sắp tới.

Hiện tại đơn xin thôi chức vụ của hai vị lãnh đạo này vẫn đang được Bộ Chính trị xem xét thông qua.

Xin thôi chức vụ vì nhiều lý do?

Có thể nói, sự việc trên cũng phần nào cho thấy sự ăn năn, hối lỗi, tự kiểm điểm sau những sai phạm mình gây ra của ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng. Giả sử hai ông không đệ đơn xin thôi chức vụ, thì dù có ở lại tiếp tục giữ cương vị là Chủ tịch tỉnh và Bí thư tỉnh ủy thì giờ cũng không thể lãnh đạo và chỉ huy bộ máy chính quyền tỉnh được nữa. Lãnh đạo mà không làm gương thì nói cũng không ai nghe. Như vậy việc viết đơn xin thôi chức vụ với mong muốn nghỉ hưu theo chế độ âu cũng là chuyện cực chẳng đã.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu hai vị lãnh đạo không gửi đơn xin thôi chức vụ vào đúng thời điểm vừa mới nhận quyết định kỷ luật. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Xin thôi chức vụ vì nhiều lý do nghĩa là gì? Là lý do cá nhân hay là lý do sức khỏe? Thực hư câu trả lời như nào thì vẫn chưa ai rõ. Nhưng theo đơn xin thôi chức vụ của hai ông là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, vì muốn tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh sắp được tổ chức.

Theo quan điểm công tác cán bộ Đảng, đặc biệt trong thời điểm đại hội đảng bộ đã cận kề, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ vừa có tài vừa có đức rất quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Ủy viên Ban Chấp hành TW khóa XIII phải là những đồng chí Đảng viên tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, đạo đức tốt. Không chỉ vậy, trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, về công tác nhân sự đặc biệt nhấn mạnh đến “coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể”.

Tóm lại, đội ngũ cán bộ phải là những người vừa có tài vừa có đức. Nhưng phải lấy đức làm gốc vì người có tài mà không có đức thì cũng chỉ là kẻ vô dụng với nhân dân không thể đứng trong hàng ngũ lãnh đạo được. Hơn thế nữa, tuyệt đối không để lọt vào Ban Chấp hành TW khóa XIII những người không đủ tư cách lãnh đạo, bản lĩnh chính trị không vững vàng, tư tưởng lung lay, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực không chính đáng, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, chuyên quyền độc đoán, chia rẽ đoàn kết nội bộ, không trung với Đảng, không hiếu với dân.

Đối chiếu với những tiêu chuẩn trên, hai ôngTrần Ngọc Căng và Lê Viết Chữ hoàn toàn không đủ tài, đủ đức và năng lực để tham gia nhân sự đại hội Đảng. Việc xin thôi chức vụ là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải bàn cãi. Tuy vậy việc xin thôi chức vụ sau khi bị kỷ luật vẫn là điều khiến dư luận phải tranh cãi. Tại sao lúc còn đương nhiệm thì không xin thôi chức vụ? Hay chỉ khi bị “khui” ra mới làm đơn xin thôi chức vụ!?

Đây không phải lần đầu tiên có đồng chí làm đơn xin thôi chức vụ sau khi bị kỷ luật. Trước đó các đồng chí: Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm cũng từng xin thôi làm đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật Đảng. Thật trùng hợp là dù không hẹn mà các đồng chí này cũng đồng loạt xin thôi chức. Phải chăng cứ bị kỷ luật Đảng mới biết sợ, còn lúc đang đương nhiệm, lúc sai phạm chưa bị phát hiện thì vẫn có thể đường hoàng tại vị.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều