Tại sao ĐBQH hội bỏ họp hơn 100 người, khiến nghị trường vắng tanh?

16/07/2019 11:45

Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn khi tại Kỳ họp, số đại biểu vắng mặt quá nhiều, có đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu.

Sáng 16/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8. Điểm mới lần này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chính là việc không phải “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự nói cho nhau nghe” mà có đại diện Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQVN báo cáo về nhiều nội dung liên quan; đại diện nhiều bộ ban ngành dự họp.

Các báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện Chính phủ, đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQVN cũng như các ý kiến thảo luận đều đánh giá Kỳ họp thứ 7 diễn ra thành công, được dư luận đánh giá tốt. Tuy vậy, các báo cáo và ý kiến thảo luận cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm tồn tại cũng như nêu các đề xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng Kỳ họp tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét điểm tồn tại, ông đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ các phiên họp, không nên vắng mặt nhiều, cũng như cần nghiêm túc đối với các phiếu thăm dò ý kiến. “484 đại biểu mà khi thăm dò ý kiến về những vấn đề lớn chỉ thu về có hơn 300 phiếu. Trong thảo luận thì tranh luận là tốt nhưng chen luận thì không tốt”, ông Giàu nói.

Về đề xuất, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng nên tiết kiệm thời gian, nhất là thời gian gửi tài liệu phải đảm bảo. “Ban chấp hành Trung ương vừa qua gửi tài liệu rất sớm, đại biểu đọc rấ kỹ nên vào phát biểu rất hay. Thảo luận tổ sâu dù không cần nghe đọc báo cáo trên hội trường”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, điều đầu tiên cử tri quan tâm là số đại biểu vắng mặt quá nhiều. Do đó nên xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng cứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ.

Tại sao một đoàn lại có tới 13 đại biểu Quốc hội vắng họp? - Ảnh 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng rất khó giải thích với cử tri về việc đoàn đại biểu Quốc hội có tới 13 đại biểu xin vắng họp – Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng lên tiếng: “Tôi cũng thấy rằng đại biểu vắng mặt quá nhiều. Có đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu. Như vậy là không nghiêm túc. Có thể đồng chí Bí thư hay một vài đồng chí thường vụ về họp chứ làm sao cả 13 đồng chí về họp được. Có thời điểm biểu quyết vắng hàng chục đại biểu. Điều này phải chấn chỉnh”

Qua theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, bà Nga chỉ ra khi tổ chức họp tại tổ, có một số tổ chất lượng thảo luận tốt, một số tổ thảo luận chưa tốt mà thường nghỉ sớm. Những tổ có đông phóng viên theo dõi, đưa tin thì thảo luận sôi nổi hơn.

“Đề nghị không nên bố trí quá nhiều nội dung vào một buổi thảo luận tổ, đề nghị các tổ thảo luận thực chất, không nghỉ sớm”, bà Nga tỏ thái độ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý kiến tại buổi lại việc. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý kiến tại buổi lại việc. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ, chưa có kỳ nào đại biểu vắng nhiều như tại Kỳ họp 7. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%.

“Đây là thực tế, kỳ vừa qua đại biểu vắng nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp. Nước ngoài không họp như chúng ta nhưng khi biểu quyết thì đại biểu đều tìm cách có mặt. Họ rất nghiêm túc vì đó là quyền biểu quyết. Còn ta vắng cả khi biểu quyết, do đó cần rút kinh nghiệm” – Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị đại biểu trách nhiệm hơn nữa trong việc cho ý kiến./.

LQD

Tags :
Đọc nhiều