Tại sao cứ đến cuối năm là lại thay đá vỉa hè?

Công Luân 14/12/2022 15:46

Thông tin đá có “tuổi thọ” 70 năm tuổi nứt toác ở vỉa hè Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Nhưng thực ra ít người chú ý rằng đây chỉ là một lát cắt trong câu chuyện đến hẹn lại lên. Cứ cuối năm là Hà Nội lại thay đá vỉa hè!

Nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội thay đá vỉa hè

Cứ khi thời tiết hanh khô, có khi là những đợt mưa xuân lui tới; Cứ khi mật độ giao thông đông đúc hơn thời gian trước; Cứ khi người người hối hả cấp tập chạy đủ KPI cuối năm thì cũng là lúc thủ đô lại lật tung vỉa hè lên để làm mới.

Nhiều người nói vui rằng, những tháng cuối năm chẳng khác nào “mùa lát đá vỉa hè” tại thủ đô. Cách ví von này không hẳn không có lý. Bất cứ người dân nào sống ở Hà Nội đều chứng kiến cảnh này vào những dịp cuối năm, đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Nhưng rồi dường như mọi chuyện không có gì thay đổi.

Trong khi việc này không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường. Đành rằng, làm cho vỉa hè đẹp hơn, đường xá khang trang hơn là đúng nhưng về tính kinh tế là không khả thi. Ai cũng biết, cuối năm khi nhà nhà sửa sang, người người mua sắm, đương nhiên giá cả vật tư và nhân công đều tăng. Đợi đến cuối năm mới thi nhau lát hè, sửa đường, có lẽ không phải là một phương án tiết kiệm.

Hơn nữa, việc cấp tập thi công dịp cuối năm không chỉ gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Vì một số đơn vị thi công ngày lễ, tết có tâm lý lợi dụng tình thế cấp tập, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu… để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.

Nếu xét về các khía cạnh trên thì có lẽ chưa đủ nếu không đề cập đến giả thiết có lẽ là do các địa phương “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân. Nếu không “tiêu kịp” số tiền được phân bổ, đơn vị chức năng sẽ phải trả lại thành phố, nên phải cố làm cho xong?

Thực tế, vỉa hè ở Hà Nội có “tuổi thọ” rất thấp, dù có đợt lát đá tự nhiên được quảng cáo là bền 70 năm. Tuy nhiên, với những người thường xuyên đi bộ trên vỉa hè, chắc chắn phần lớn đều không quan tâm tới việc vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên hay gạch block, mà chỉ cần không chướng ngại vật, sạch sẽ, an toàn. Vậy nhưng sao các quận, huyện vẫn nhất quyết lát bằng đá tự nhiên?

Laị nói nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên được quảng cáo có độ bền 70 năm, nhưng đã nát bươm chỉ sau vài năm sử dụng. Và rồi điệp khúc, vỡ- lát thay thế, vỡ- lát tiếp… lại diễn ra như một vòng luẩn quẩn.

Khi mà mục tiêu bền, đẹp đã không đạt được, lại không thấm được nước như gạch block truyền thống, khiến nhiều tuyến phố hễ mưa là ngập lụt, thì tại sao việc lát đá vẫn cứ được triển khai? Hết năm này qua năm khác?

Liệu những người có trách nhiệm có biết điều đó hay không? Tiền ngân sách mỗi năm để lát vỉa hè vẫn sẽ tiếp tục chi ra nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra!

Công Luân

Đọc nhiều