Tại sao bệnh nhân ung thư Việt tử vong hàng đầu châu Á?
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận 115.000 người chết do ung thư, tỷ lệ tử vong cao là do mô hình bệnh tật và phát hiện muộn.
Theo nghiên cứu EIU đăng trên Sáng kiến Ung thư Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á, trên 70%. Tiếp đó là Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, tỷ lệ từ 60% đến 70%. Theo phó giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội, thực tế số tử vong của các nước xấp xỉ nhau và chỉ là con số ước tính.
Hiện tại, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong. Theo báo cáo EIU, tỷ lệ bệnh nhân ung thư tử vong ngay trong năm đầu tiên tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là 29%.
Phó giáo sư Quảng cho biết mô hình bệnh tật của mỗi nước khác nhau. Trong nghiên cứu của EIU, ở Australia tỷ lệ mắc ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất, còn Hàn Quốc là dạ dày, giáp trạng, đại tràng. Những loại ung thư này có tiên lượng tốt hơn, tỷ lệ sống cao, đặc biệt ung thư giáp trạng gần như chữa khỏi hoàn toàn.
Ở Việt Nam, ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đặc biệt, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
“Đây chính là lý do khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao”, ông Quảng nói.
Các bác sĩ Bệnh viện K cắt khối u trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh:Lê Nga.
Tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam hiện đứng đầu trong các loại ung thư, trong đó trên 80% trên nền bệnh nhân viêm gan mạn tính. Lý do, thế hệ trước không được tiêm phòng viêm gan. Những năm gần đây, Việt Nam đã có chương trình tiêm chủng viêm gan cho trẻ, điều này sẽ giảm nguy cơ ung thư gan do viêm gan virus trong tương lai.
“Nhiều nước trong khu vực đã triển khai chương trình tiêm chủng HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Nếu Việt Nam sớm triển khai các chương trình này sẽ rất tốt cho việc phòng chống loại ung thư phổ biến ở nữ giới”, ông Quảng nói.
Ông Quảng nhấn mạnh, phòng bệnh ban đầu bằng việc hạn chế hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây ung thư và sàng lọc phát hiện sớm là mấu chốt cho việc điều trị. Bởi, ung thư biết sớm trị lành. Khi sàng lọc ưu tiên các loại ung thư như cổ tử cung, vú, đại trực tràng… vì bệnh có khả năng khám bằng lâm sàng và các biện pháp đơn giản; bệnh có khả năng chữa khỏi.
Trước đây, 2/3 bệnh nhân ung thư đến viện trong giai đoạn đến muộn, không còn khả năng phẫu thuật. Song, gần đây số bệnh nhân được phát hiện sớm đã tăng hơn trước, chủ yếu ở bệnh nhân ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng.
Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K. Ảnh: Hà Trần
Ông Quảng cho biết Việt Nam hiện đã triển khai những chương trình, hành động cụ thể để phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư. Mục đích là tăng cường phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Bệnh viện K hiện cũng tổ chức các chương trình sàng lọc ung thư vú sớm. Bệnh viện tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng bằng cách mời các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật phát hiện những tổn thương và điều trị sớm bằng cắt hớt niêm mạc.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tiến hành triển khai khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, một số ung thư khác mặc dù chưa được rộng rãi như ung thư vú.
“Hy vọng, sắp tới các chương trình sàng lọc ung thư được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thì rất có lợi cho người dân trong việc tầm soát sớm bệnh”, ông Quảng nói.