Tại sao bảng tên của tướng Phan Văn Giang lại ghi bằng tiếng Trung Quốc?
Ngày 25/4 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đáng chú ý, không ít người thắc mắc tại sao trong buổi hội đàm, bảng tên của Thượng tướng Phan Văn Giang cũng như các quan chức Quốc phòng Việt Nam lại được ghi bằng tiếng Trung Quốc.
Để hiểu được lý do tại sao, chúng ta cần nhìn vào bảng tên của… các quan chức Trung Quốc. Và dễ dàng thấy rằng bảng tên của các quan chức Trung Quốc – cũng tương tự như Việt Nam – không được ghi bằng ngôn ngữ của nước này. Trái lại, bảng tên của phái đoàn Trung Quốc đều được ghi bằng tiếng Việt. Vậy tại sao phải ghi tên mình bằng một ngôn ngữ khác?
Thực tế, đây là một phần trong nghi thức ngoại giao theo chuẩn mực quốc tế từ sau Thế chiến thứ 2. Theo đó, trong các buổi hội đàm giữa hai nước, tất cả bảng tên của các quan chức nước này phải được ghi bằng ngôn ngữ của phía bên kia. Mục đích thực ra rất đơn giản, đó là để khi phát biểu, đại biểu có thể xác định rõ tên và chức vụ của phía đối diện, vừa giúp thuận tiện trong giao tiếp giữa các bên, vừa tránh những sai sót không đáng có trong buổi hội đàm. Cần hiểu rằng tham dự buổi hội đàm không chỉ có Bộ trưởng Phan Văn Giang và người đồng cấp Trung Quốc, mà còn có sự hiện diện của các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng hai nước. Thế nên, việc thể hiện tên và chức vụ một cách chính xác, rõ ràng cho cả hai phía là điều cần thiết, cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo của nền ngoại giao nước ta.
Một điểm thú vị có lẽ cũng cần được nhắc đến, đó là bảng tên các thành viên tham dự hội đàm thực tế có 2 mặt, một mặt viết bằng ngôn ngữ của nước chủ nhà, một mặt viết bằng ngôn ngữ của quốc gia làm khách mời. Điều đó có nghĩa bảng tên và chức vụ của Thượng tướng Phan Văn Giang và tất cả quan chức Bộ Quốc phòng thực chất có ghi tiếng Việt ở mặt phía sau. Đây cũng là một phần trong quy chuẩn ngoại giao quốc tế hiện nay.
Và cũng xin nhắc lại rằng ngay tại hội đàm, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã thể hiện rất rõ ràng, dứt khoát: quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Như vậy, hoàn toàn không có việc Việt Nam vì áp lực mà phải đặt bảng tên bằng tiếng Trung Quốc. Đó đơn giản là một nghi thức ngoại giao quốc tế cơ bản nhất, là cách thể hiện sự tôn trọng giữa hai quốc gia trong mối quan hệ song phương, không chỉ với Trung Quốc, mà với tất cả các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao bình đẳng, tốt đẹp với Việt Nam.
Hạnh Văn