130115
topics
522583

Tái diễn virus núp bóng dịch bệnh

07/06/2021 10:33

Lợi dụng vào tình hình dịch bệnh, một số cá nhân, đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã thông tin sai lệch, xuyên tạc gây tâm lý hoang mang, bức xúc với người dân.

Ảnh minh họa

Hơn tháng qua, Việt Nam đối diện đợt bùng phát thứ tư dịch bệnh COVID-19. Hệ thống chính trị và nhân dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chủ động tấn công phòng, đi trước chặn đầu dập dịch”, quyết tâm để đẩy lùi, chiến thắng đại dịch.

Tuy nhiên, lợi dụng vào tình hình dịch bệnh, một số cá nhân, đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã thông tin sai lệch, xuyên tạc gây tâm lý hoang mang, bức xúc với người dân.

Đánh lận sự thật

Đi ngược tinh thần cả nước chung tay chống dịch, một số đối tượng đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, các cấp chính quyền trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 16/5, ông Vi Văn T. sử dụng điện thoại di động đăng tải lên Facebook cá nhân “Thành Trung” với nội dung: “chết bớt đi cho đỡ chật chội” đã gây bức xúc. Tài khoản “Tuan Nguyen” thông tin sai lệch, mang tính kỳ thị: “Bắc Giang chưa thể khoanh vùng, truy vết được hết để lây lan, cấm hết người Bắc Giang mới hết được dịch”!

Trên mạng xã hội Fecebook, Youtube, nhiều đối tượng cũng đã thông tin sai lệch theo hướng nghiêm trọng hóa tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang là không thể kiểm soát được theo kiểu “Bắc Giang toang rồi”; “Bắc Giang vỡ trận vì ổ dịch khu công nghiệp”…

Một số thông tin sai sự thật, có ý xuyên tạc, phê phán chính quyền, hệ thống chính trị lơ là, thờ ơ với công tác phòng, chống dịch bệnh, đối đãi không tử tế, bỏ rơi người bệnh khu cách li: “Công nhân bị bỏ đói, không có lương thực trong nhiều ngày, các trường hợp F0, F1 bị bỏ rơi”.

Cùng với đó là chửi bới thô tục, xúc phạm cơ quan nhà nước. Những thông tin này sau khi được lan truyền trên mạng xã hội đã gây tâm lý lo lắng, bức xúc với người dân.

Những thông tin sai trái, xuyên tạc đã đề cập ở trên về tình hình dịch bệnh thời gian qua đã được cơ quan Công an phát hiện, làm rõ, ra quyết định xử phạt hoặc tham mưu chính quyền địa phương xử phạt hành chính.

Sau khi được cơ quan Công an xử lý, giải thích, các cá nhân, đối tượng trên đều nhận thức rõ hành vi sai trái và tự nguyện gỡ bỏ. Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc sau khi được đăng tải đã lan truyền trên không gian mạng làm người dân thêm hoang mang, lo lắng, nhiều người lầm tưởng là thật có tâm lý bức xúc, suy giảm niềm tin vào cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đài RFA, RFI, BBC, một số cơ quan truyền thông hải ngoại đăng tải hàng loạt bài viết đánh lận bản chất như: “Việt Nam huy động cử tri đi bỏ phiếu bất chấp dịch bệnh”, “Việt Nam đến đợt dịch thứ tư mới khẩn trương lập quỹ vaccine: mất bò mới lo làm chuồng”…

Họ đưa ra luận điệu xuyên tạc, phê phán Nhà nước, hệ thống chính trị chỉ lo bầu cử, sắp xếp “đấu đá ghế ngồi” mà lơ là, thờ ơ công tác phòng, chống dịch bệnh, bỏ rơi người dân, rồi thông tin xuyên tạc, nhiều cử tri “tẩy chay cuộc bầu cử”.

Họ công kích Việt Nam “chủ quan để dịch lây nhiễm, trong khi người dân luôn phải “sống cảnh nơm nớp” thì Chính phủ cứ lo mặc cả nước này, nước nọ, đàm phán mà chưa có vaccine”.

Lợi dụng Chính phủ đưa sáng kiến, kêu gọi cộng đồng xây dựng quỹ vaccine, họ xuyên tạc: “huy động mọi nguồn lực và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiền mua vaccine là hành động ăn xin, ăn mày, đây là cơ hội “béo bở” cho những thành phần tham nhũng trong chính quyền các cấp”…

Tác giả của những quan điểm chống phá này vốn là những phần tử có bề dày chống đối, có đối tượng từng chịu hình phạt tù về hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện tị nạn, lưu vong ở nước ngoài như Nguyễn Văn Đài.

Đây là những luận điệu xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam, đả kích thể chế chính trị Việt Nam.

Nỗ lực, thần tốc chống dịch và tình người, nghĩa cử cao đẹp

Khi có dịch, nhất là những đợt bùng phát, từ Trung ương đến địa phương, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung lãnh đạo, tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, thần tốc “chống dịch như chống giặc”, “chủ động tấn công, đi trước chặn đầu, không chạy theo sau dịch bệnh”, bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tế thời gian qua, Việt Nam huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân để nhanh chóng kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch, không để bị động, bất ngờ.

Sau khi phát hiện bệnh, từng ngõ xóm, khu phố, doanh nghiệp lập tức được cơ quan chức năng thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều tra dịch tễ, khoanh vùng nhanh gọn, điều trị, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng.

Với kết quả đạt được, Việt Nam đã khống chế thành công, hiệu quả nhiều đợt dịch bệnh được nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Từ thực tế đó, có thể thấy không có chuyện chúng ta lơ là, thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch.

Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh… là những địa phương có nhiều ca nhiễm, được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo, các bộ, ngành, địa phương dành sự quan tâm, chi viện đặc biệt.

Bộ Công an đã nhanh chóng chi viện đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 19-8, Bệnh viện Y học cổ truyền, chi viện hàng trăm Cảnh sát Cơ động, học viên trường CAND đến vùng tâm dịch giúp chính quyền, người dân phòng, chống dịch.

Biết bao người dân Bắc Giang cảm động, rơi nước mắt khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của các tỉnh, các ngành như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… dành cho.

Hình ảnh đoàn thầy thuốc, cán bộ chiến sỹ CAND đến “chia lửa”, hỗ trợ chống dịch khiến nhiều người dân xúc động, vẫy tay chào đón như lời cảm ơn chân thành, trân trọng đón nhận suốt dọc hai bên đường từ khi đoàn xe vào địa phận tỉnh.

Hình ảnh CSGT Bắc Giang làm nhiệm vụ, khi thấy đoàn tiến vào đã đứng nghiêm trang chào như lời tri ân, cảm ơn sâu sắc nghĩa cử cao đẹp dành cho Bắc Giang; những chiến sĩ Cảnh sát Cơ động hiến máu cứu người ngay trong vùng dịch nguy hiểm… gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng.

Phát huy tinh thần đùm bọc, sẻ chia trong lúc khó khăn, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, hệ thống chính trị và người dân đã có nhiều hành động thiết thực.

Việc Thủ tướng Chính phủ nêu sáng kiến, kêu gọi hình thành quỹ vaccine lúc này là rất cần thiết. Việc tương tự không phải bây giờ mới có mà ngay từ khi Chính phủ lâm thời mới thành lập, Hồ Chủ tịch cũng nhiều lần kêu gọi như “Hũ gạo chống đói”, “Tuần lễ vàng”…

Đó không chỉ là chia sẻ với nhà nước mà còn là nghĩa đồng bào, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp, nhân văn của chế độ.

Trong khu cách ly, bệnh nhân được điều trị, chăm sóc chu đáo; các đoàn thể Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động…phối hợp cùng các hội, nhóm, nhân dân phát động nhiều phong trào, hỗ trợ công nhân.

Người dân, đoàn viên, thanh niên tình nguyện hỗ trợ nấu cơm, dựng trại, khử khuẩn, lau dọn đón các đoàn tình nguyện; Công an, Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu… Công nhân được người dân địa phương san sẻ nắm gạo, mớ rau để cùng nhau vượt khó.

Những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử đồng bào ấy không chỉ góp phần đẩy lùi dịch bệnh mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Như vậy thì làm gì có chuyện người dân bị “bỏ rơi”, bệnh nhân bị “bỏ đói”, “người dân thờ ơ” như luận điệu kẻ xấu đưa ra.

Lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá hay giật gân, câu view… là hành vi phạm pháp, vô cảm, vô đạo đức trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

Người dân khi phát hiện những thông tin như vậy cần cảnh giác, không chia sẻ, đồng thời lên án, đấu tranh phản bác, thông tin cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Lê Vĩnh Bình

Đọc nhiều