Do ảnh hưởng của dich Covid-19 trong 2 năm qua, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang dần đuối sức. Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, đòi hỏi doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, thay đổi đồng bộ các chiến lược sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào lúc nền kinh tế Việt Nam đang có những tái khởi động đầy triển vọng, nhiều điểm sáng. Dịch bệnh kéo dài khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một lần nữa bị đình đốn, thua lỗ. Số liệu thống kê cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tới 200.000 – 300.000 tỷ đồng, dẫn đến việc thiếu hụt, mất cân đối về dòng tiền. Trong khi đó, dịch Covid-19 được dữ báo là sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế. Điều này là vấn đề doanh nghiệp rất bất an.
Sau những cú sốc ban đầu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều thay đổi để thích ứng với những khó khăn hiện tại. Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch chi tiêu theo hướng tối giản và cắt giảm, điều chỉnh lại những chương trình đầu tư đầu tư chưa cấp thiết hoặc không còn phù hợp với điều kiện mới để thích ứng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Dù hành động bằng nhiều cách khác nhau, nhưng điểm chung vẫn thể hiện bản lĩnh của các doanh nhân là tìm ra cơ hội mới trong đại dịch, triển khai một cách nhanh chóng để nắm bắt xu hướng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Xét ở một góc độ tích cực, chính dịch Covid-19 đang thúc đẩy việc tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của các hiệp hội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực thay đổi và tìm kiếm các nguồn tín dụng có lãi suất thấp hơn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất cần khẩn trương triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn sinh lực để giúp doanh nghiệp sớm hồi sinh, cụ thể:
Về phía Chính Phủ: Với Việt Nam, toàn bộ sức hấp dẫn được chuẩn bị trước khi Covid-19 xảy ra. 3 năm kinh tế Việt Nam thành công trong bối cảnh quốc tế suy giảm, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm cả thế giới bất ổn, những cải cách bên trong làm tương đối tốt, ký nhiều hiệp định thương mại tạo ấn tượng tốt với thế giới. Đó là tình trạng bình thường cũ!
Trong bối cảnh bình thường mới, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch, bởi Covid-19 như yếu tố kích hoạt cách mạng 4.0. Cuộc xung đột Mỹ -Trung hiểu theo nghĩa rộng là toàn cầu hoá đang được định nghĩa lại.
Cùng với đó là ban hành một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, mà trước mắt là tập trung các giải pháp hỗ trợ về vốn và dòng tiền có thể giúp doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi. Nên cho các doanh nghiệp vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản trả tới hạn, khi doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ hoàn trả. Việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn so với việc doanh nghiệp ngừng hoạt động. Huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp bước đầu đi vào thực tiễn, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh cũng khiến các doanh nghiệp vững tin hơn.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch để doanh nghiệp có thể yên tâm các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy mới có thể thực hiện tốt “mục tiêu kép” mà Chính phủ đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Về phía doanh nghiệp: Các doanh nghiệp phải tự đánh giá lại tất cả mọi nguồn lực, mọi điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó tái cấu trúc lại cho phù hợp và thích ứng. Tái cấu trúc doanh nghiệp được ví như là một cuộc “đại phẫu quan trọng” tác động đến mọi ngóc ngách, giúp doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh thế mạnh cốt lõi, lĩnh vực trọng tâm; đưa nguồn lực tài chính chi tiêu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã xác định, cắt bỏ,thu gọn,chuyển hướng các hạng mục đầu tư không cần thiết hoặc ít liên quan; khoanh vùng nhân sự chủ chốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính yếu, tăng cường chất lượng nhân sự, nâng cao hiệu quả làm việc, loại bỏ nhân sự không đáp ứng nhu cầu.
Những giải pháp sáng tạo và linh hoạt là yếu tố then chốt quyết định đến việc thành hay bại của doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu tiên là thay đổi tư duy chủ doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm tái cơ cấu chiến lược của doanh nghiệp, hoạch định lại chiến lược, định vị khách hàng, điều chỉnh lại thị trường. Thứ hai là tái cơ cấu sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Thứ ba là tái cơ cấu nhân sự. Thứ tư là tái cơ cấu thương hiệu của doanh nghiệp.
Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không thực hiện được đồng thời tất cả các nội dung trên cùng một lúc, cho nên doanh nghiệp nên nhìn lại mùa dịch vừa qua, doanh nghiệp đã đạt được gì, những gì chưa đạt được, từ đó lựa chọn thực hiện từng nội dung trọng yếu. Phải tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp sao cho linh hoạt và gọn hơn. Song song đó, phải tái sáng tạo trên nền tảng cũ. Đây là những giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn, phù hợp hơn, nhân văn hơn.
Dịch Covid-19 tác động chưa từng có trong tiền lệ, gây ra những biến động không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Nhưng non cao vẫn có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đánh giá lại năng lực quản trị khủng hoảng, phải đổi mới, tái cấu trúc lại quy trình… để thích nghi. Từ khoá quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay là “thay đổi” và “thích ứng.
Thực hiện: Diệu Hương
Đồ họa: M.N