Tác động của tiền kỹ thuật số tới nền kinh tế Việt Nam

Diệu Hương 23/05/2022 15:10

Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 7. Trong đó, nội dung nổi bật sẽ được bàn thảo là “thanh toán tiền số” nhằm đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng tiền kỹ thuật số một cách bài bản, góp phần đưa kinh tế số, Chính phủ số tại Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam

Thay đổi quan niệm của Việt Nam về tiền kỹ thuật số

Thế giới đang sôi động với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thông tin dữ liệu và quá trình vận hành hệ thống đang dần được chuyển đổi thành các dữ liệu số. Trong dòng chảy đó, giá trị cốt lõi của nền kinh tế các quốc gia là tiền tệ cũng không đứng ngoài vòng phát triển. Tiền pháp định cũng dần chuyển đổi thành tiền pháp định số. Cuộc chạy đua phát hành tiền kỹ thuật số của các ngân hành trung ương đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, trong khu vực, một số nước như Trung Quốc, Campuchia đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số.

Theo khảo sát công bố hồi tháng 8/2021 của Chainalysis (một nền tảng blockchain, chuyên cung cấp dữ liệu, phần mềm, dịch vụ và nghiên cứu cho các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính) cho thấy, Việt Nam đứng thứ nhất trên tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI), với điểm tuyệt đối là 1, tiếp sau đó là Ấn Độ và Pakistan với số điểm lần lượt đạt 0,37 điểm và 0,36 điểm. Các dự án tiền mã hóa do người Việt sáng lập như Axie Infinity (AXS), Coin98 (C98) hay TomoChain (TOMO) cũng đã tạo được dấu ấn trên thị trường.

Sắp tới, Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương (CBDC). Quyết định này cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã có một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, hứa hẹn sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam đối với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến khác. Bên canh đó, đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa “đồng Việt Nam” trở thành đồng “tiền kỹ thuật số” có chủ quyền, có kiểm soát. Đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt và nền kinh tế số mạnh mẽ trong tương lai.

Tác động của “tiền kỹ thuật số” tới nền kinh tế Việt Nam

“Tiền kỹ thuật số” sẽ mang nhiều lợi ích, tính năng ưu việt hơn so với tiền giấy truyền thống, giảm chi phí phát hành, tin ấn, vận chuyển, kiểm kê, bảo quản…

Dựa trên công nghệ blockchain, “tiền kỹ thuật số” có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract); mở ra các dịch vụ tiện ích thông minh mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc thí điểm sử dụng “tiền kỹ thuật số” dựa trên công nghệ blockchain sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị chuyên nghiên cứu về blockchain cũng như công nghệ tài chính Fintech.

Đồng CBDC còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số. Ngoài ra đồng CBDC tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

Song bên cạnh những tác động tích cực, không thể không nhắc tới những thách thức, cũng là các rào cản của tiền kỹ thuật số cho nền kinh tế Việt Nam: Thách thức đầu tiên xuất phát từ tâm lý e dè trong việc sử dụng một công nghệ mới và tiên tiến bậc nhất. Việc khai phá tư duy để chuyển mình ứng dụng công nghệ mới là điều không dễ và cần có thời gian để thích ứng. Cùng với đó là trở ngại từ phía pháp lý quốc gia khi chưa có khung pháp lý hoàn thiện và hệ thống pháp lý quốc tế cũng rất phức tạp vì các quốc gia không đồng nhất trong quản lý các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số nên việc triển khai chúng trong một mạng lưới quốc tế là không đơn giản.

Ngoài ra, tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng cho mục đích hợp pháp hoặc không (chẳng hạn một hệ thống sổ cái giao dịch của thế giới ngầm). Tuy nhiên, “tiền kỹ thuật số” hoàn toàn có thể sử dụng cho giao dịch hợp pháp và cần được bảo vệ, chẳng hạn như trong lĩnh vực giải trí, giao dịch công chứng, công nhận bằng cấp… miễn là các giao dịch này không vi phạm các nguyên tắc về chống rửa tiền hay phạm pháp.

Tiền kỹ thuật số có thể sẽ đi vào cuộc sống rất gần và cũng sẽ là một sân chơi đầy hấp dẫn và tiềm năng để trở thành tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Trong số rất nhiều các thách thức mà tiền kỹ thuật số đang đối mặt, doanh nghiệp Việt cần trang bị cho mình bản lĩnh, sự hiểu biết đủ để sẵn sàng đối mặt với bước chuyển mình của nền kinh tế, tài chính và công nghệ toàn cầu trong một tương lai không xa.

Diệu Hương

Đọc nhiều