Sức mạnh yên dân

01/09/2019 16:13

Sức mạnh một nước dựa vào cơ sở nào? Tiềm lực kinh tế, quân sự hay lãnh thổ, dân cư? Triết lý của ông cha từ ngàn xưa vẫn giữ nguyên tính thời sự: Nước muốn mạnh thì dân phải giàu và hơn hết, lòng dân phải vững, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. 

Ngày nay, trong điều kiện thái bình, nhiệm vụ không gì khác là “tu trí lực” để dân giàu, nước mạnh, trên dưới thuận lòng, đó là nguyên tắc vững từ bên trong.

Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294), con trai thứ ba của vua Trần Thánh Tông không những là một danh tướng kiệt xuất mà còn là một nhà thơ đã in dấu ấn trong văn chương dân tộc.

Mùng 6 tháng 6 năm Ất Dậu 1285, sau khi đánh đuổi đạo quân của Thoát Hoan khỏi kinh thành Thăng Long, danh tướng Trần Quang Khải phò vua Trần về lại kinh đô. “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu” – ý nguyện của ông cũng là bài học xây dựng giang sơn, gấm vóc muôn đời.

Một quy luật tất yếu, thái bình phải “tu trí lực”, ấy là gắng sức dựng xây cả về nền tảng kinh tế, vật chất, cũng như củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân gắn với sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Trước lúc lâm chung, trả lời câu hỏi của vua Trần Anh Tông rằng: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”, Hưng Đạo Vương đã trả lời: “Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Lòng dân, ý Đảng đồng thuận, sức mạnh vững bền.

Lời dạy của Hưng Đạo Vương là bài học xuyên suốt lịch sử dân tộc – nền độc lập quốc gia, sự vững mạnh của mọi triều đại đều phụ thuộc vào lòng dân. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” – Nguyễn Trãi cũng đúc kết chân lý đó trong tác phẩm Cáo bình Ngô. Dân đồng lòng, ủng hộ thì dù quân giặc đông và hung bạo đến đâu cũng sẽ phải chịu thất bại.

Giành lại nền độc lập dân tộc sau 10 năm gian lao kháng chiến, vua Lê Thái Tổ đã nêu cao tinh thần hòa hiếu, giữ đất nước thái bình, tránh xung đột, chiến tranh.

Khi đi kinh lý vùng biên, vua Lê Thái Tổ đã thể hiện rõ tư tưởng đó của mình bằng bài thơ cho khắc trên vách núi đá Thác Bờ (Hòa Bình): “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài”. Cho đến lúc cuối đời, vua Lê Thái Tổ di chúc lại cho con cháu: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

Giữa thế kỷ XV, trước nhiệm vụ giữ nước còn rất nặng nề, vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở: “Phàm có nhà nước tất có võ bị” và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ phải biết quý trọng gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài…

Điều đó cho thấy, tăng cường sức mạnh đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, vua tôi, dân chúng trên dưới đồng lòng… là tư tưởng chiến lược, đã trở thành một quy luật trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Lịch sử dân tộc cho thấy, khi nào vua sáng, tôi hiền, triều đình trên dưới một lòng, quan tâm đến nhân dân, lấy dân làm gốc, thực thi những chính sách khoan thư sức dân, khi ấy vương triều được lòng dân, được dân tin yêu. Khi lòng dân đã yên, đã tin thì vận nước, vương triều vững mạnh, kẻ địch không dám xâm phạm hoặc nếu xâm phạm sẽ bị đánh bại.

Ngược lại, khi nào triều chính, vua tôi tranh đấu, triệt hạ lẫn nhau, bỏ bê việc nước, khi ấy xã hội, dân chúng rối ren, vận nước lung lạc. Một khi dân không còn tin vào chính sự triều đình thì vương triều cũng như cây xanh mất rễ, sông lớn cạn nguồn, sự đổ vỡ đã là nhãn tiền.

Triều đình Hồ Quý Ly khi giành được quyền lực từ tay nhà Trần đã gây phản ứng trong dân chúng, không được dân ủng hộ, lại lo vun vén quyền lực, đối phó với con cháu nhà Trần. Thế nên giặc giã sang, dù thành cao, hào sâu cũng không cứu được vận mệnh, tất sụp đổ.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – thời đại đất nước độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định cơ sở chính trị – thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập.

Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và khẳng định rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nhân dân: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của nền khoa học quân sự thế giới, nhiều ý kiến cho rằng, chính khí tài quân sự mới là yếu tố quyết định thắng thua trong chiến tranh, yếu tố quyết định sức mạnh quốc gia. Việc nhấn mạnh về khí tài quân sự, coi nhẹ sức mạnh nhân dân trong chiến tranh vệ quốc là một cách nhìn phiến diện, cho dù hiện nay yếu tố quân sự có phát triển, chi phối đến mức độ nào.

Với một quốc gia phải trải qua nhiều cuộc chiến gian nan, trường kỳ mới giành, giữ được độc lập và trong tình hình thế giới, khu vực luôn vận động, biến chuyển khó lường thì việc tăng cường sức mạnh tự vệ, hiện đại hóa các lực lượng tác chiến là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đánh giá sai lệch về sức mạnh to lớn của nhân dân trong chiến tranh cách mạng.

Điều cốt yếu là chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng nước nhà giàu mạnh, tạo sự đồng thuận trên dưới, đó là sức mạnh có ý nghĩa nền tảng.

Để yên dân thì lòng dân, ý Đảng phải thuận đồng. Cách đây 72 năm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Người chỉ rõ biểu hiện những căn bệnh cụ thể: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ… Do đó, chỉnh đốn Đảng, loại bỏ những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất là yêu cầu khách quan, cũng như cây muốn tốt tươi phải loại bỏ những sâu mọt.

Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh chống xâm lược, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình, độc lập nhưng thực tiễn lịch sử trường tồn, phát triển của dân tộc cũng chỉ rõ rằng, nền hòa bình, độc lập ấy chỉ có được, chỉ bảo đảm được khi chúng ta biết dựng xây sức mạnh có ý nghĩa cốt lõi từ quần chúng nhân dân, gắn với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Trả lời phỏng vấn Báo Công an nhân dân nhân 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và khẳng định, đó là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, giá trị to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng chính là mục tiêu đấu tranh và là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do.

“Bao thế hệ cha ông không tiếc máu xương, đã ngã xuống để có được nền độc lập, thái bình. Ðó là giá trị thiêng liêng, cao cả, do đó trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau phải ra sức bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Ðảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa” – Bộ trưởng khẳng định.

Ngày nay, trong điều kiện đất nước thái bình, Đại tướng Tô Lâm chỉ rõ, chúng ta phải tận dụng mọi nguồn lực, tận dụng cơ hội để từng bước xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, đồng thời phải tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, hành động đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Sự ra đời của lực lượng Công an nhân dân ngay trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và những chiến công, thành quả của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 74 năm qua đã chứng tỏ vai trò, vị trí trọng yếu của một lực lượng chuyên chính trong bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

An Nhi/ Công An Nhân Dân

Đọc nhiều