148628
topics
555236

Sức mạnh quốc gia tùy thuộc khả năng thích nghi và chống chọi dịch bệnh

04/10/2021 06:27

Sau gần 2 năm phải gồng mình vật lộn với Covid-19, nhiều nước đang rục rịch chuyển sang tâm thế “sống chung hay thích nghi an toàn” với nó! Vậy cái trạng thái mới ấy sẽ thế nào?

Nội hàm của trạng thái mới là chuyển trọng tâm từ săn, chặn và tuyệt diệt SARS-Cov-2, thực hiện cách ly, giãn cách, đóng cửa một cách cực đoan sang tiêm phòng rộng rãi, hạn chế tới mức thấp nhất số ca nhiễm và tử vong, đồng thời từng bước phục hồi hoạt động kinh tế và các sinh hoạt khác.

Mô hình và phương cách thực hiện bước chuyển này sẽ khác nhau tùy theo hoàn cảnh cụ thể và khả năng của từng nước. Xem như vậy thì chưa thể nói tới thời “hậu Covid” vì nó đã chấm dứt đâu; cũng không gọi đó là “trạng thái bình thường mới” vì sống chung dịch bệnh đâu có thể gọi là “trạng thái bình thường”? Phải chăng nên coi trạng thái mới là “không bình thường mới” thì chuẩn hơn!

Thôi, xin không tranh luận về câu chữ, ta thử hình dung xem trong trạng thái mới những gì về đại thể vẫn như cũ, điều gì là mới.

Điểm mới nổi bật là trạng thái ấy sẽ rất mong manh. Thế giới vốn ẩn chứa nhiều điều bất định, bất an nay càng bất định, bất an hơn. Mối đe dọa Covid-19 bùng phát trở lại vẫn sẽ rình rập. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu không thể xem thường nếu tính rằng, chi phí khổng lồ cho công cuộc chống dịch và những gói cứu trợ kinh tế và dân sinh lên tới hàng nghìn tỷ USD đã vắt kiệt ngân sách của không ít quốc gia. Tỷ lệ nợ công, nợ xấu tăng cao tạo thành “quả bom nổ chậm” treo lơ lửng trên đầu thế giới.

Đó là chưa kể những bất an xã hội, thiên tai cực đoan cùng các mối đe dọa phi truyền thống khác tiếp tục diễn ra với tần suất ngày càng mau, mức độ ngày càng khốc liệt và phạm vi ngày càng lan rộng.

Tiệm hớt tóc ở TP.HCM sau thời gian dài giãn cách.

Năng lực lãnh đạo, đồng thuận xã hội, hợp tác quốc tế

Quá trình phục hồi sẽ không diễn ra đồng thời ở mọi quốc gia, khu vực và lĩnh vực. Nó tùy thuộc vào nhiều nhân tố như năng lực lãnh đạo, đặc trưng văn hóa lẫn sự đồng thuận xã hội ở mỗi nước cũng như sự hợp tác quốc tế và môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới.

Nếu Covid-19 không bùng phát mạnh trở lại và không nổ ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể sẽ bật lò xo sau thời gian dài dồn nén. Cho dù vậy, cũng không thể sớm lấy lại được những gì đã có trước đây vì vạch xuất phát cho đà tăng trưởng mới nằm ở mức rất thấp, thậm chí là mức âm tại nhiều nước.

Đại dịch đã kích hoạt quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng: kỹ thuật và kinh tế số cũng như các ngành liên quan tới sự nghiệp bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sẽ lên ngôi. Ngược lại, những ngành lạc hậu về công nghệ và gây ô nhiễm môi trường sẽ tàn lụi dần. Cơ cấu lao động cũng sẽ chuyển dịch theo hướng trên.

Các chuỗi sản xuất kinh doanh cũng như sự giao lưu, đi lại sẽ hồi phục với nhiều điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và những tính toán chính trị chiến lược của các nền kinh tế lớn.

Sự phục hồi kinh tế đã khó, việc giải quyết các vấn đề xã hội còn phức tạp và lâu dài hơn nhiều, nhất là đại dịch đã đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo ở từng nước và trên phạm vi toàn cầu; bức xúc xã hội và tâm lý người dân có thể đưa tới những xáo động phức tạp.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Cách sinh sống, làm ăn, kinh doanh, giao lưu, học tập, hội họp… sẽ trở lại gần giống như trước. Tuy nhiên, một số phương thức hoạt động, nhất là làm việc, giao lưu, học tập online vẫn sẽ tiếp tục; cách sống xanh, sống giãn cách, tối giản… sẽ là sự lựa chọn của không ít người. Xu hướng đô thị hóa quá mức những đại đô thị với hàng chục triệu dân có thể sẽ không còn là ưu tiên trong quy hoạch…

Sức mạnh của các quốc gia sẽ chuyển dịch mạnh hơn tùy theo khả năng chống chọi dịch bệnh và khắc phục hậu quả nặng nề do nó gây ra, cũng như năng lực hóa giải những hệ lụy của cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Cần một chương trình căn cơ

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Do thiếu thông tin và tầm nhìn hạn hẹp, xin mạo muội chia sẻ đôi ba suy nghĩ riêng tư.

Phát biểu gần đây của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho thấy dường như nước ta cũng đang chuyển dần sang chính sách sống chung an toàn hay thích ứng với Covid-19 đi đôi với chủ trương từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế. Để hiện thực hóa chủ trương này, chắc các cơ quan có trách nhiệm sẽ xây dựng một chương trình hay kế hoạch căn cơ.

Đại dịch gây ra tác hại lớn về mọi mặt nên chương trình ấy chắc cũng sẽ phải mang tính tổng thể. Nó bao gồm cả nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của người dân lẫn phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Trong đó nổi lên là nhiệm vụ bảo đảm công ăn việc làm, hạn chế tình trạng tái nghèo và nghèo đa chiều, bù đắp những thiếu hụt về giáo dục đào tạo và cả tâm lý do dịch bệnh gây ra.

Do tình hình chứa đựng nhiều nhân tố khó lường nên chương trình ấy chắc sẽ cần dự liệu nhiều kịch bản khác nhau với những tiêu chí và lộ trình rõ ràng. Đối với người dân, chương trình cần dễ hiểu, có thể thực hiện ngay. Nội hàm của nó không chỉ nhằm tới tương lai gần mà nên bao hàm cả những vấn đề lâu dài theo đường hướng Đại hội 13 đề ra với sự điều chỉnh cần thiết phù hợp với trạng thái mới.

Trong một thế giới có tính tùy thuộc lẫn nhau rất cao và đang gánh chịu thảm họa chung, quá trình xây dựng và triển khai chương trình rất cần “để mắt” tới các nước khác để tham khảo kinh nghiệm, vừa phối hợp hành động.

Mặt khác, có lẽ cũng cần tính đến yêu cầu điều chỉnh những quy định pháp luật liên quan thì mới triển khai được. Vừa qua, Quốc hội đã nhiệt tình đồng hành cùng Chính phủ khi thông qua một số nghị quyết để xử lý độ vênh giữa quy định pháp luật hiện hành với thực tế chống dịch. Trong trạng thái mới chắc sẽ nảy sinh những độ vênh mới đòi hỏi có sự điều chỉnh cần thiết.

Tất nhiên không thể một lúc làm được việc này, chắc chỉ có thể chọn ra những khâu cấp bách cần tháo gỡ. Điều quan trọng là định hình một phương cách xử lý thích hợp với trạng thái không bình thường.

Những gì tầm quốc gia không để địa phương định đoạt

Trong những năm qua, nước ta đã dày công tiến hành công cuộc cải cách thể chế theo hướng tạo thuận lợi nhất có thể đối với người dân và doanh nghiệp. Do hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc” nên đã phải áp dụng một số biện pháp mang tính mệnh lệnh. Điều này là cần thiết nhưng tiếc rằng, có nơi, có lúc đã xuất hiện những biểu hiện của “cơ chế xin cho”, cửa quyền, gây phiền toái cho người dân, làm tắc nghẽn nhiều các chuỗi cung ứng.

Tình hình không mới đòi hỏi phải xử lý thỏa đáng câu chuyện này.

Chính phủ và Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền, phân nhiệm. Điều này là hoàn toàn đúng vì cơ chế có hoàn chỉnh đến đâu đi nữa cũng không bao quát được hết những đặc điểm của từng địa phương.

Tuy nhiên, khoa học quản lý lãnh đạo cũng như thực tiễn đều đòi hỏi sự phân cấp đi kèm với nguồn lực tương ứng, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý đủ khả năng gánh vác trách nhiệm, đặc biệt là trong tình huống khủng hoảng. Dường như vừa qua, điểm yếu về mặt này xuất hiện ở một số nơi.

Và nữa, quốc gia là một thể thống nhất, có những lĩnh vực không thể phân cấp, phân quyền, ví dụ hệ thống hạ tầng tầm quốc gia như các quốc lộ, hệ thống chuyển tải năng lượng, các bến cảng, sân bay mang tầm quốc gia… thì không thể trao quyền cho các địa phương tự định đoạt.

Thực tế chống dịch cho thấy hiện tượng ngăn sông cấm chợ, đủ loại giấy phép con, giấy phép cháu đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ách tắc đối với sản xuất, lưu thông và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Nghe đâu các cơ quan có trách nhiệm đang triển khai công tác quy hoạch mới, trong đó Hà Nội cũng rục rịch điều chỉnh quy hoạch cũ. Những gì vừa qua cho thấy các “đại đô thị” và khu công nghiệp lớn thường chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Đó là chưa kể nhiều hệ lụy về xã hội, môi trường do thực trạng này gây ra.

Hy vọng rằng, các nhà làm quy hoạch sẽ cân nhắc kỹ việc phát triển các đại đô thị nhằm hạn chế tác động tiêu cực về xã hội, kể cả y tế lẫn môi trường.

Hy vọng rằng, trạng thái không bình thường mới sẽ sớm trở thành trạng thái bình thường thực sự.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Đọc nhiều