Sức mạnh Phù Đổng trong Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8/1945
Thanh niên Tiền phong – tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Kỳ, đã làm nên sức mạnh thần kỳ như Phù Đổng, góp vào bão táp cách mạng mùa Thu năm 1945 sức mạnh quật khởi của cả dân tộc Việt Nam.
Vào lúc các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh phát triển rất nhanh ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (từ 1942-1943 trở đi), thì ở Nam Kỳ sau khởi nghĩa tháng 11/1940, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Tuy phong trào quần chúng đấu tranh bí mật và bán công khai bị chính sách khủng bố trắng của địch làm cho suy thoái nhưng các hoạt động công khai hợp pháp của các tầng lớp nhân dân ở đô thị vẫn duy trì.
Trong điều kiện ấy, nhất là sau cuộc đảo chính của phát xít Nhật để độc chiếm Đông Dương, một tổ chức Thanh niên tiền phong được thành lập ở Sài Gòn và nhiều nơi của Nam Bộ, có nhiều hoạt động đóng góp vào quá trình chuẩn bị trực tiếp cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Quá trình ấy bắt đầu từ khi chính quyền phát xít ở Nam Bộ âm mưu sử dụng phong trào thanh niên đang rầm rộ những hoạt động văn hóa thể thao để phục vụ cho chính sách bành trướng Đại Đông Á của chúng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã báo cáo với tổ chức Đảng để “tương kế tựu kế” thành lập một tổ chức quần chúng hoạt động công khai nhằm phát triển lực lượng cho cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng luật sư Thái Văn Lung, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng tập hợp và thành lập một tổ chức thanh niên, lấy tên gọi theo gợi ý của Xứ ủy là “Thanh niên Tiền phong”.
Thành lập từ ngày 21/4/1945, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng đến ngày 1/6/1945, Thanh niên Tiền phong mới chính thức ra mắt nhân dân Sài Gòn và Nam Kỳ, trụ sở đặt tại số 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ, Quận 1 ngày nay).
Để giữ thế hợp pháp, lấy “danh chính ngôn thuận” là Sở Thể dục-Thể thao Nam Kỳ của chính quyền phát xít Nhật cho phép tổ chức, Thanh niên Tiền phong hoạt động theo mô hình của tổ chức Hướng đạo Việt Nam và Tổng hội Sinh viên Đông Dương, nhưng định hướng chính trị rõ ràng (có cờ riêng và khẩu hiệu băng ron treo ngang đường với nội dung công khai “Cải tổ lại xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân”).
Hồi ký của Huỳnh Văn Tiểng viết: “Chúng tôi bàn với nhau phải có cờ riêng, nếu không Nhật sẽ bắt treo cờ Nhật hay cờ của chính quyền bù nhìn… Để thuận tiện khi thay đổi, chúng tôi lấy hình thức cờ Việt Minh nhưng thay đổi màu, nền vàng, sao đỏ làm cờ cho Thanh niên Tiền phong. Sau này đến lúc khởi nghĩa cướp chính quyền ta đổi ngược lại sẽ thành cờ Việt Minh”.
Hoạt động của Thanh niên Tiền phong trước ngày khởi nghĩa tập trung vào việc chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa hướng vào 3 công tác chính: Tổ chức huấn luyện chính trị cho các thủ lĩnh và đoàn viên nhằm xây dựng nòng cốt; huấn luyện quân sự nhằm tập dượt vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; tổ chức các hoạt động xã hội, sôi nổi nhất là tổ chức các hoạt động cứu trợ nạn nhân chiến tranh do các cuộc oanh tạc của quân Đồng minh gây ra và cứu giúp đồng bào miền Bắc đang trong nạn đói, dạy bình dân học vụ, đi làm vệ sinh và chủng đậu trong các xóm lao động… Vì thế Thanh niên Tiền phong trở thành một phong trào xã hội gồm nhiều đối tượng tham gia không phân biệt chính trị, dân tộc, tôn giáo.
Để phát triển lực lượng, Xứ ủy và Thanh niên Tiền phong đưa Tổng Công hội vào làm nòng cốt, thành lập “Thanh niên Tiền phong Ban xí nghiệp”, tạo điều kiện cho Công đoàn ra hoạt động công khai. Cùng lúc đó hàng vạn tín đồ của các giáo phái và rất đông trí thức, nhân sĩ, công chức cũng có mặt trong các hoạt động của Thanh niên Tiền phong.
Tổ chức Thanh niên Tiền phong phát triển đến từng xóm, ấp, khu phố, xóm lao động, các ngành, các sở, các xí nghiệp, thậm chí tại dinh Khâm sai cũng có bộ phận của Thanh niên Tiền phong. Tính đến giữa năm 1945, Thanh niên Tiền phong trên toàn Nam Kỳ có khoảng 1,2 triệu đoàn viên; riêng thành phố Sài Gòn có 200.000 đoàn viên với 200 trụ sở ở khắp nơi; Gia Định và Chợ Lớn có khoảng 40.000 người…
Tại các lễ tuyên thệ ngày 5/7/1945 và 19/8/1945 ở vườn Ông Thượng (Công viên Văn hóa TPHCM ngày nay), có hàng vạn đoàn viên tham dự.
Hồi ký của ông Mai Văn Bộ thuật lại: “Họ xếp thành hàng, cụm lại thành từng ô, khác nào những đơn vị quân đội trong tư thế sẵn sàng nhận vũ khí để chiến đấu. Họ nhịp chân tại chỗ: Một! hai! một!… Họ hô khẩu hiệu: “Thanh niên! Tiến!”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn kêu gọi: “Hỡi anh chị em thanh niên, Thanh niên Tiền phong đáp lại yêu cầu của toàn thể quốc dân, ngày nay ra đời để bành trướng ở miền Nam một tinh thần đấu tranh cường tráng để giữ quyền lợi cho dân tộc ta… Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ là một dân tộc hèn mạt… Dân tộc Việt Nam ngày nay vẫn còn giữ hết tinh thần tranh đấu của anh hùng xưa, để đem lại cho nước ta một địa vị độc lập trên trường quốc tế… Anh em hãy gia nhập hàng ngũ Thanh niên Tiền phong để đáp lại di chúc của mấy nhà chí sĩ cách mạng xưa để giải phóng dân tộc ta, để chống lại hết thảy các đế quốc thực dân, mà kiến thiết nền độc lập của nước Việt Nam”.
Trong lần thứ hai, khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hô hào thanh niên noi gương Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập “thì một xúc động khác thường hiện lên trên nét mặt của tất cả mọi người. Bỗng nhiên không biết từ đâu, có người hô to “Hoan hô Việt Minh”, tức thì cả rừng người hưởng ứng “Hoan hô Việt Minh! Hoan hô Việt Minh!”. Hơn lúc nào hết những đoàn viên Thanh niên Tiền phong đã ý thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí và nhiệm vụ của họ trong cuộc chiến đấu của ngày mai”.
Kết thúc những lễ tuyên thệ là các cuộc tuần hành, hàng vạn người hát vang bài hát “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, tạo nên không khí sôi động khắp các phố phường Sài Gòn, đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh hưởng ứng.
Ngày 22/8/1945, Thanh niên Tiền phong ra quyết nghị: “Từ nay trở đi, Thanh niên Tiền phong đứng trong Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, tức Việt Minh, và sẽ tranh đấu trong Mặt trận Việt Minh, với 3 khẩu hiệu: Việt Nam hoàn toàn độc lập, Chính phủ Cộng hòa dân chủ, Chính quyền về tay Việt Minh”.
Tối 23/8/1945, tại trụ sở Thanh niên Tiền phong, Mặt trận Việt Minh trân trọng giới thiệu chương trình hành động, kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm giành độc lập tự do, khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh” được tất cả các đảng phái, tổ chức nhiệt liệt tán thành.
Sáng ngày 24/8/1945, lá cờ đỏ búa liềm được treo lên trên nóc nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, số 272 đường Chasseloup Laubat (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay). Tại dinh Khâm sai (dinh Thống đốc Nam Kỳ, số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1 ngày nay) thực hiện kế hoạch khởi nghĩa, Liên đoàn Thanh niên Tiền phong tổ chức lực lượng chiếm giữ dinh , kéo cờ đỏ sao vàng lên ban công dinh trước 12h đêm, bắt giữ Khâm sai Nguyễn Văn Sâm.
Đến 7h sáng ngày 25/8/1945, tại dinh Khâm sai, đại diện lực lượng cách mạng đọc lời kêu gọi của Ủy ban Khởi nghĩa và Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh, kết thúc bằng lời đồng thanh hô “Việt Nam độc lập muôn năm”. Sau đó là cuộc xuống đường biểu tình tuần hành của nhân dân do Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ tổ chức mừng chính quyền về tay nhân dân. Cùng với việc đánh chiếm những nơi trọng yếu trong Thành phố, Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh cho các đội tự vệ vũ trang đánh chiếm các cầu chủ yếu, nhà ga và các bến xe, quảng trường, các cửa ra vào Thành phố…
Đến khoảng 10h ngày 25/8, tràn ngập các ngả đường trong trung tâm Thành phố, đến cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, dinh Toàn quyền, Sở thú… cả Thành phố như một biển người, một rừng cờ, khẩu hiệu, băng rôn, tiếng hoan hô vang lên như sấm dậy…
Tại Dinh Đốc lý, danh sách Lâm ủy Hành chính Nam Bộ được công bố; thay mặt Lâm ủy Hành chính Nam Bộ, Chủ tịch Trần Văn Giàu tuyên bố: “Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng tôi, Ủy ban Lâm thời Hành chánh, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ tuyên bố trước mặt hoàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân Việt Nam rằng: Chế độ cộng hòa dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam!”.
Thanh niên Tiền phong – tổ chức quần chúng chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Kỳ, bằng những hình thức và loại hình tập hợp lực lượng thích hợp, tận dụng điều kiện công khai hợp pháp của chế độ thuộc địa, chỉ trong thời gian ngắn, đã làm nên sức mạnh thần kỳ lớn nhanh như Phù Đổng, góp vào bão táp cách mạng mùa Thu năm ấy sức mạnh quật khởi của cả dân tộc Việt Nam.
Hà Minh Hồng/VGP