Sức mạnh kinh tế ASEAN trong tình trạng bình thường mới

12/11/2020 11:19

ASEAN ngày càng thể hiện vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, cũng như tinh thần chủ động thích ứng với những thách thức khu vực và thế giới, trong đó có thách thức chưa từng có về kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Với tư cách là Chủ tịch của ASEAN 2020, năm nay Việt Nam đã có khoảng gần 20 sáng kiến triển khai trên tất cả những lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ… Cùng các FTA sẵn có giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, một Hiệp định mới mà ASEAN dự kiến chuẩn bị ký kết – Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), chắc chắn hợp tác kinh tế khu vực từ 2020 sẽ có những bước ngoặt mới.

Từ chủ động thích ứng

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào tháng 12/2015 đã chứng minh cho một tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo ASEAN. AEC và Tầm nhìn ASEAN 2025 chính là những định hướng cơ bản cũng như then chốt để đảm bảo vị thế, vai trò của ASEAN như là một trung tâm của Đông Nam Á, của khu vực Đông Á và cả châu Á-Thái Bình Dương, đưa Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN vững bước trên con đường phồn vinh và phát triển.

Tuy nhiên, năm 2020, bối cảnh dịch bệnh đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nước chủ nhà Việt Nam trong năm ASEAN. Cuối tháng 8/2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các hội nghị liên quan đã được tổ chức thành công theo một hình thức mới – trực tuyến. Các cuộc thảo luận dù theo một cách thức mới vẫn hoàn thành tốt mục tiêu tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của AEC, đặc biệt là việc đánh giá điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực, giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu, nhanh chóng phục hồi kinh tế giai đoạn sau đại dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.

Chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam rất chủ động và tích cực phối hợp các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN xây dựng hàng loạt nội dung mới, bổ sung cho các Hội nghị cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa nước ASEAN với ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) và các đối tác khác, đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu trong việc đối phó với dịch Covid-19, cũng như tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế ASEAN.

Trong bối cảnh mới, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng nhất trí duy trì những cam kết hiện hành về mở cửa thị trường trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

Trong nội khối, hợp tác chặt chẽ đã góp phần giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn. Đồng thời, những vấn đề được các bên thống nhất cũng hướng tới mục tiêu gắn kết hơn, là điểm tựa cho các thành viên trong cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới. Tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của AEC, đồng thời giúp ASEAN chủ động ứng phó với các thách thức phi truyền thống trong tương lai.

Như vậy, những tuyên bố, sáng kiến, kế hoạch hành động chính là cơ sở quan trọng giúp ASEAN và các nước đối tác triển khai các giải pháp cần thiết, cùng nhau vượt qua đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn…

Hợp tác trong trạng thái bình thường mới

Có thể nói, trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, hội nhập kinh tế ASEAN đóng vai trò quan trọng, là những bước đi đầu tiên. Dư địa cho Việt Nam trong tiếp cận với kinh tế của khu vực và các khu vực khác trên thế giới thông qua vai trò của ASEAN được khẳng định mạnh mẽ. Chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực, khía cạnh, trong đó lấy kinh tế là trụ cột đã đưa lại vị thế rất quan trọng cho Việt Nam như hiện nay, cả về chính trị, đối ngoại cũng như kinh tế.

Hiện ASEAN đóng vai trò đối tác thương mại quan trọng hàng đầu với Việt Nam. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này là trên 60 tỷ USD, tăng tới hơn 10 lần.

Đến nay Việt Nam đã có 16 FTA, trong số đó có rất nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Có tới 15 trên tổng số 20 nước trong G20 đã ký kết các FTA với Việt Nam. Điều đó chứng tỏ năng lực và vị thế, hình ảnh của Việt Nam đã tăng lên rất mạnh mẽ.

Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN rà soát lại tình hình thực hiện các ưu tiên sáng kiến.

Hội nhập kinh tế ASEAN không chỉ đem lại những cơ hội tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại thế giới, mà còn đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền, trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thương mại đơn phương… đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó có cả những khuôn khổ của khối AFTA, làm sao tăng cường khả năng thích ứng của ASEAN, tăng cường kết nối trong khởi nghiệp sáng tạo, trong thương mại điện tử, phá bỏ những rào cản tự do hóa thương mại… là những trọng tâm ưu tiên mà nước chủ nhà Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đặt ra.

Tất cả những điều đó đòi hỏi Việt Nam, cùng các nước thành viên ASEAN phải khẳng định lại một lần nữa sự hợp tác ở mức độ mới, trong cục diện mới, với các kiểu kết nối và liên kết phù hợp trong trạng thái bình thường mới. Phải làm sao đảm bảo khả năng thích ứng và chống chọi với những diễn biến mới và tiếp tục tạo ra những sức sống mới cho ASEAN, cũng như cho các khuôn khổ hợp tác của ASEAN và các đối tác.

Đến kỳ vọng RCEP

Hiệp định RCEP được đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh bấp bênh về kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc ký kết RCEP vì thế được kỳ vọng hơn, là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với Hệ thống thương mại đa phương mở, đồng bộ và dựa trên nguyên tắc.

Ngay từ trước khi bắt đầu đàm phán, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Nhưng trong các đối tác tham gia đàm phán, có những đối tác đã ký kết hiệp định FTA với nhau, cam kết mở cửa thị trường cho nhau ở mức độ nhất định, nhưng cũng có nhiều nước chưa ký kết FTA với nhau. Vì vậy, để tất cả cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó. Bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt, chính sách khác nhau về các lĩnh vực đàm phán như cạnh tranh, đầu tư, sở hữu trí tuệ…

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu trong tương lai gần, giúp kinh tế các thành viên ASEAN phát triển. Riêng với Việt Nam, triển khai RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, RCEP sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu, được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế. RCEP được tin tưởng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đóng góp cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Minh Anh/ TGVN

Đọc nhiều