8
category
328257

Sự việc nhà sư Thích Thanh Toàn: Cần nhanh chóng “trám” lỗ hổng

10/10/2019 16:49

Từ truớc đến này, mặc dù nhà sư xin hoàn tục không hiếm, nhưng việc sư xin giữ lại khối tài sản đứng tên theo thế danh sau khi hoàn tục gần như chưa từng có. Vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn phạm giới dẫn tới phải xả giới, hoàn tục nhưng xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, vật dụng… nghe nói trị giá 200 – 300 tỉ đồng mang tên ông là chủ sở hữu làm dư luận bàng hoàng, ngã ngửa. Không hiểu thầy là người quy y, nương nhờ cửa Phật, ngoảnh mặt với những tham, sân, si, lấy đâu ra số tiền lớn thế?


Nguồn tiền ở đâu?

Trước hết phải khẳng định rằng, khi đến cửa chùa, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mà không hề bận tâm, tính toán để công đức, giải hạn… Tuy nhiên, có không ít ngôi chùa đã lợi dụng sự tín ngưỡng của mọi người, biến nơi tâm linh thành chỗ để kinh doanh, buôn thần bán thánh, trục lợi lòng tin, mà mới đây nhất là sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).

Lâu nay, doanh thu trong nhà chùa được dư luận quan tâm và tranh luận. Đây là con số khó đo đếm cũng như việc sử dụng và quản lý tài sản trong chùa, nhất là những tài sản phát sinh. Việc của sư Toàn gợi nhớ vụ việc sư Thích Minh Phượng ở làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) bị dân làng “trả về” cho giáo hội cách đây 5 năm. Khi đó, người dân ở đây phát hiện sư Phượng có nhiều việc làm không đúng đạo đức của một nhà tu hành. Họ đã liệt kê một “sớ kể tội” nhà tu hành này. Không được trụ trì ở chùa làng này nữa, một thời gian sau, sư Phượng trở lại và đòi lại chiếc xe ô tô ở trong chùa. Xe vốn do người làng góp lại để sư làng mình có phương tiện đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, khi sư có vấn đề, dân làng muốn thu về. Mặc dù vậy, giấy tờ đứng tên vị tu hành này và sư đã lấy được chiếc xe mang đi.

suthichthanhtoan
Ông Lê Hữu Long, người từng có pháp danh Thích Thanh Toàn trước khi xả giới hoàn tục.

Trở lại câu hỏi: Thầy đã xuất gia, sống nương nhờ cửa Phật, tại sao lại giàu thế? Chắc chắn, là những người tu hành, các thầy không có thời gian để làm thêm nghề “tay trái” như chúng sinh bình thường. Chốn cửa Phật cũng không cho phép các thầy lợi dụng để làm những việc kinh doanh hay sản xuất gì trong đó. Vì vậy, nguồn tiền mà các thầy có được hầu hết đến từ phía Phật tử mang cúng dường, các nguồn thu từ tiền công đức, dưới danh nghĩa tiền “dầu nhang”, tu bổ, xây dựng nhà chùa… Đến đây, người ta lại đặt ra câu hỏi: Số tiền ấy sẽ được nhà chùa, cụ thể là trụ trì sử dụng, quản lý, chi tiêu như thế nào? Đây là câu hỏi khá nhạy cảm mà dù có đặt ra cũng khó lòng biết được toàn bộ. Vẫn biết các chùa đều có ban, bệ, bộ phận quản lý các nguồn tài sản, vật chất ấy, nhưngviệc chi tiêu thế nào có lẽ cũng chỉ số ít người biết được. Mà với hầu hết Phật tử, sau khi cúng dường, họ thường không mấy để ý đến việc tấm lòng, tài sản của mình cung tiến, dâng vào đó sẽ được sử dụng ra sao. Chính vì một phần tâm lý này nên nhiều nhà sư đã dễ dàng, thoải mái hơn trong chi tiêu, sử dụng nguồn tiền công đức, dần dần dẫn tới hòa nhập quá mức vào đời sống phàm tục và vi phạm giới luật.

Nguyên nhân là do lỗ hổng từ luật

Trong trả lời báo chí, Đại đức Thích Tâm Vượng – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo quy định của Giáo hội thì tất cả các giáo sản thuộc tài sản của Giáo hội như đất cát của cơ sở tôn giáo, các tài sản vật chất trên đất đai của Giáo hội như nhà cửa, tượng, hương mõ… thì là tài sản của Giáo hội. Còn những tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Toàn, ví dụ như tài sản do Phật tử hay tập đoàn nào đó biếu riêng cho sư Toàn, như cái xe chẳng hạn, sư Toàn đăng ký sở hữu bằng tên của mình thì đó là tài sản cá nhân và sư Toàn được phép giữ lại.

71840416_828274324236053_3335244428368412672_n
Khuôn viên chùa Nga Hoàng.

Đồng thời Thầy Thích Tâm Vượng cũng cho biết, khi xuất gia, người tu hành phải mang theo rất nhiều giấy tờ. Chẳng hạn, chưa đến tuổi 18 thì phải có giấy tờ của cha mẹ người bảo hộ. Nếu qua tuổi 18 thì phải có đơn xuất gia, sơ yếu lý lịch, nhân thân, đăng ký nhập cư. Mặc dù vậy, lại không có văn bản nào khai họ có bao nhiêu tiền, có mang theo tiền không… khi xuất gia. Bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cũng không biết sư Toàn có bao nhiêu tiền khi bắt đầu tới tu hành ở chùa Nga Hoàng.

Thầy Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, cho biết hiện không có quy định về việc người xuất gia phải kê khai tài sản trước khi xuất gia. Chưa kể, việc nhận tiền cúng dường của chúng sinh không phải lúc nào cũng có biên nhận. Theo Luật sư Trương Anh Tú, Luật Đất đai có quy định: sổ đỏ ghi là của chùa A, chùa B; hay là ghi của giáo hội tỉnh A, tỉnh B, chứ không được ghi tên sư thầy. Trường hợp mua thêm đất cũng vậy.

Từ nhữnh phân tích trên, chúng ta thấy rõ ràng là đã có những lỗ hổng chui lọt cả con voi trong vấn đề liên quan đến tín ngưỡng. Xã hội vốn luôn cảm thông và kính cẩn với các vấn đề tâm linh nhưng vì thế mà bị lợi dụng thì lòng tin sẽ khủng hoảng. Đã đến lúc nhà nước cần có chế tài cụ thể để ngăn chặn sự tiêu cực từ đây.

Cần trám ngay lỗ hổng của luật

Sư Toàn và một số vụ tranh chấp tài sản trong chùa trong thời gian qua chỉ là những câu chuyện manh tính điển hình, nhưng để quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lấy lại được sự trang nghiêm nơi cửa Phật, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc quản lý chi tiêu, công đức trong các ngôi chùa cũng như việc sở hữu tài sản của các cá nhân trong thời gian tu hành; đồng thời xử nghiêm theo pháp luật các hành vi sai phạm. Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần có những bổ sung, sửa đổi những quy định trong Hiến chương và Nội quy của Giáo hội để phù hợp với tình hình thực tế.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên tổng rà soát lại toàn bộ đất đai tài sản, tài khoản trong ngân hàng rồi chuyển dịch tên sang giáo hội. Tránh trường hợp như sư Toàn. Có như vậy, mới tránh được những kẻ đã, đang và sẽ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để biến cửa Phật thành nơi buôn thần bán thánh, trục lợi cho bản thân và gia đình.

Diệu Hương

Đọc nhiều