28
category
367515

‘Sự tích’ dây trói cua

28/02/2020 06:33

Nhân chuyện “Xài 1,5kg dây bự chảng trói… 6 con cua be bé” gây tranh luận mấy ngày qua, anh Nguyễn Hoàng Văn – CEO của một công ty kinh doanh cua ở TP.HCM – góp một bài viết từ kinh nghiệm của mình. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Cua "khổ sai" lên tận bàn ăn một nhà hàng ở TP.HCM - Ảnh: N.TRIỀU
Cua “khổ sai” lên tận bàn ăn một nhà hàng ở TP.HCM – Ảnh: N.TRIỀU

Gần 10 năm trước, tôi bắt đầu làm thêm việc bán cua online cho khách hàng ở Sài Gòn. Thời gian đầu tìm hiểu và kinh doanh con cua, tôi cũng như nhiều khách hàng mê cua phải gặm nhấm nhiều chua chát từ những con cua bị trói quá nhiều dây.

Giá trị của sợi dây trói? 

Khi mới kinh doanh, tôi phải khổ sở vô cùng trong việc định giá cua mua vào. Vì giá của con cua không chỉ nằm ở trọng lượng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố: chất lượng cua, loại cua, sức sống của cua, size (cỡ) cua…

Chất lượng, sức sống đã là một câu chuyện phức tạp phải cần nhiều chuyên môn và trải nghiệm. Size cua là một câu chuyện không hề đơn giản. Cua 3 con/kg và cua 2 con/kg giá hoàn toàn khác nhau.

Tôi tính sơ lược việc chị phóng viên mua 3,2kg cua trong đó có 1,5kg dây và 1,7kg cua mất 1.120.000 đồng. Trong trường hợp khi cua có dây 3,2kg/6 con thì là cua loại 2 con/kg (loại Y5) đơn giá là 350.000 đồng/kg. Còn khi cởi dây trói, 1,7kg/6 con là loại 3-4 con/kg (loại Y3), tính ra đơn giá 1kg tới 658.000 đồng.

Nếu mua ăn thì không nói gì (ăn cua giá quá cao), nhưng nếu mua để bán lại cua không dây cho khách hàng thì chị bán giá nào cho tương xứng? Mua cua to, bán cua nhỏ, mua cua to giá rẻ, bán cua nhỏ giá quá cao?

Tôi nói cơ bản như vậy để mọi người tưởng tượng được trong chuỗi cung ứng cua nó phức tạp đến mức nào thời điểm 10 năm trước khi chúng tôi kinh doanh cua. Thương lái không chịu bán cua không dây (dây trói không trọng lượng), họ chỉ bán cua có dây, còn chuyện cởi trói bán như thế nào là quyền của người mua bán lại.

Như “luật bất thành văn” của những người bán cua ngày đó: thêm dây chứ không thêm giá. Con cua từ vuông của nông dân đến chợ bán lẻ chỉ một giá, thậm chí người bán lẻ bán giá rẻ hơn để dễ bán. Chỉ khác là cứ qua mỗi khâu trung gian phía sau người ta lại cột thêm dây vào để cũng con cua đó, bán với giá đó nhưng vẫn có lời. Có nghĩa sợi dây trói cõng tất cả giá trị tăng thêm của chuỗi cung ứng, chi phí bán hàng, marketing…

Trách ai?

Cua bao nhiêu con 1kg, giá 1kg bao nhiêu khi không thể định lượng được sợi dây? Tâm lý chung của người mua hàng là thích to và rẻ. Mua hàng về cởi sợi dây thì cảm giác mình bị lừa, rồi thầm trách những người bán hàng, thương lái và cả nông dân.

Anh thương lái, bán hàng cởi dây ra thì con cua nhẹ đi, giá trị cũng thấp hơn thì bán giá bao nhiêu mới có lời? Trong khi bán giá cao hơn thì khó bán vì tâm lý thích “ngon mà rẻ” của khách hàng. Vì không dám đi ngược đám đông người bán, người mua nên đành bán cua và cộng thêm tiền công, tiền lời vào… sợi dây.

Người bán đổ cho người mua ham rẻ. Người mua “tố” người bán hám lời. Trách qua rồi trách lại, việc tranh cãi này không chỉ riêng với con cua mà nhiều con khác, ngành khác.

Có trách chăng là luật chơi trong những việc như thế này không hề có và cũng chẳng ai làm trọng tài. Luật pháp không cấm bán cua trói dây to. Lỡ làm phật lòng khách, khách lên mạng chửi, bêu xấu cho bõ tức chứ không cơ quan nào xử lý được.

Điều cần nhất thời gian để thay đổi ý thức từ hai bên. Người bán nên có khát vọng chinh phục khách hàng, xây dựng thương hiệu. Người mua nên cập nhật kiến thức tiêu dùng thường xuyên, lựa chọn những nơi uy tín để mua, tuyệt đối nói không với những sản phẩm có “giá trị” rẻ như cua dây to, tôm, cá bơm hóa chất…

Ngày nay thực trạng đã thay đổi ít nhiều nhờ sự nỗ lực thay đổi của nhiều nhà kinh doanh, khách hàng và cả truyền thông xã hội.

Mọi thứ chắc chắn sẽ dần tốt hơn theo thời gian, văn hóa kinh doanh lạc hậu sẽ dần thay thế cho văn hóa kinh doanh trọng thương hiệu, không ai phải mua cua dây thật to, kém chất lượng nữa.

Nhân đọc câu chuyện này và nhiều bình luận của bạn đọc, tôi thấy rằng người tiêu dùng khi thất vọng, không hài lòng thường kêu to lên, la lên đòi phải tẩy chay thương hiệu đó, sản phẩm đó. Hoặc khi thấy nông sản ế, giá rẻ, nông dân và thương lái kêu cứu, chúng ta lại gào to, xung phong… giải cứu.

Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do, đáp ứng được các quy luật cạnh tranh và tự đào thải những sản phẩm không tốt, mô hình không tốt, chuỗi giá trị không tốt. Cái kém chết đi thì sẽ có cái tốt hơn ra đời phát triển. Tất cả đó là luận lý, không thể thay đổi quy luật ấy bằng những hành động cảm tính, như tẩy chay hay giải cứu được.

Nguyễn Hoàng Văn/TTO

Đọc nhiều