28
category
363772

Sự thật về hai loại thuốc xanh, đỏ người mắc thủy đậu hay dùng

16/02/2020 08:36

Trong Castellani có hai thành phần có khả năng gây độc là Boric acid và Phenol. Nó có thể gây tổn thương thận nếu dùng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội, chia sẻ thời gian gần đây, bác sĩ bắt đầu gặp nhiều bệnh nhân thủy đậu tới khám. Mùa xuân là mùa người dân dễ bị nhiễm virus, trong đó, có virus gây bệnh thủy đậu.

Khi bị thủy đậu, người bệnh thường sợ bội nhiễm. Bởi bội nhiễm ở da rất dễ gây nhiễm khuẩn các cơ quan khác và gây nên sẹo do lõm thủy đậu. Đó chính là lý do người dân thường mua Castellani (màu đỏ) hoặc xanh Methylene (có màu xanh) về bôi lên các nốt thủy đậu bởi tác dụng diệt khuẩn của chúng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, đây là một sai lầm.

Su that ve hai loai thuoc xanh, do nguoi mac thuy dau hay dung hinh anh 1 embe.jpg
Hình ảnh em bé 7 tháng tuổi mắc thủy đậu được bố mẹ bôi thuốc từng gây “bão” trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook.

Tác dụng thực sự của Castellani và xanh Methylene

Bác sĩ Tâm cho hay Castellani bao gồm các thành phần: Basic fuchsin (có đặc tính diệt khuẩn và diệt nấm); Ethyl alcohol (làm lạnh); Acetone (làm mát và làm sạch); Resorcinol (chống ngứa, bạt sừng, chống nấm).

Tuy nhiên, loại thuốc này còn có hai thành phần có khả năng gây độc là Boric acid và Phenol. “Boric acid mang tính chống nhiễm khuẩn, nhưng ngày nay rất ít dùng trong thuốc bôi do thành phần này khi được hấp thu sẽ là chất độc. Còn Phenol ở nồng độ thấp thì ức chế các đầu mút thần kinh, có tác dụng chống ngứa. Tuy nhiên, với nồng độ cao trên diện tích rộng, chúng có thể độc với cơ thể, đặc biệt là với thận. Nó có thể gây tổn thương thận nếu dùng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, bác sĩ Tâm thông tin.

Castellani được chỉ định ưu tiên với nấm bẹn và viêm kẽ do Candida, đặc biệt trên đối tượng sử dụng corticoid lâu dài. Tuy nhiên, chỉ định này chủ yếu bôi ở diện nhỏ.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo với thủy đậu, mọi người chỉ cần dùng các thuốc bôi mỡ hoặc cream kháng sinh tại chỗ nếu có bội nhiễm. Khi bội nhiễm toàn thân, cần dùng kháng sinh đường uống.

Về thuốc xanh Methylene, chuyên gia cho hay loại thuốc này chỉ có một thành phần, có thể dùng trong một số bệnh (đường uống hoặc tiêm) và tương đối an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả sát khuẩn trong thủy đậu thì chưa có bằng chứng, trong khi đó, tác hại có thể nhìn thấy khi dùng loại thuốc này là bẩn người và quần áo.

“Vừa qua, nhiều người chia sẻ hình ảnh một em bé bị thủy đậu có bộ mặt xanh lè. Tôi khuyến cáo người dân không nên làm tương tự, mặc dù thuốc này an toàn hơn nhưng bẩn, hiệu quả chống nhiễm khuẩn lại không đáng kể”, bác sĩ Tâm nói.

Chăm sóc người bị thủy đậu đúng cách

Theo bác sĩ Tâm, thủy đậu là căn bệnh có thể tự khỏi và chăm sóc tại nhà nếu không có biến chứng. Người bệnh có thể điều trị triệu chứng như ngứa (để giảm nguy cơ bội nhiễm từ đó dễ tạo sẹo) bằng cách tắm, thay vì kiêng tắm như nhiều người nghĩ.

Người mắc thủy đậu nên tắm trong bồn chứa lúa mạch hoặc dùng các sản phẩm tắm chứa lúa mạch để giảm ngứa. Sau khi tắm, người bệnh nên bôi các sản phẩm như calamine lotion, thuốc bôi chống ngứa chứa menthol, vaseline dạng mỡ (đặc biệt trong giai đoạn đóng vảy giúp tổn thương lành nhanh hơn, có thể giảm nguy cơ sẹo sau này).

Nếu bệnh nhân sốt trên 38,5 độ cần uống thuốc hạ sốt như paracetamol đồng thời bù đủ nước điện giải bằng dung dịch oresol.

Tuyệt đối không gãi vì sẽ làm tự lây truyền thủy đậu hoặc làm tăng nguy cơ bội nhiễm gây sẹo sau này.

Thủy đậu có thể phòng bằng cách tiêm phòng. Thực tế, 9/10 trẻ sẽ bị nhiễm thủy đậu khi tiếp xúc với nguồn lây do không được tiêm phòng. Với phụ nữ chuẩn bị mang bầu, nên được tiêm phòng thủy đậu để giảm nguy cơ mắc trong lúc có bầu (có thể gây tổn thương cho thai nhi hoặc gây thủy đậu sơ sinh rất nguy hiểm).

Hai liều vắc xin thủy đậu được khuyến cáo: Liều đầu tiên khi 12-15 tháng tuổi, liều thứ 2 lúc 4-6 tuổi. Việc tiêm một liều vắc xin chưa đủ sinh miễn dịch chống lại thủy đậu.

Trong trường hợp trẻ < 13 tuổi chưa từng được tiêm chủng, tiêm 2 liều cách nhau ≥ 3 tháng.

Với thanh thiếu niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4-8 tuần.

Hà Quyên/ ZFN

Đọc nhiều