419
category
425557

Vài lời về “đội quân đất nung” ở Đà Lạt

01/09/2020 10:23

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh tượng quân lính thời phong kiến được chuyển từ Bình Dương về Đà Lạt. Các tượng này được chia làm 3 nhóm đều mang vũ khí: Quân phục toàn thân phủ màu nhũ vàng; quân phục có xe màu nhũ vàng và đỏ; mặc áo vải. Ngay lập tức Phạm Minh Vũ đã có bài viết thổi phồng sự việc thành “Đà Lạt dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng để trấn yểm và xác nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Việt Nam”, thậm chí còn cho rằng cơ quan chức năng ở tỉnh Lâm Đồng là bọn phản quốc, buông lỏng quản lý dẫn đến sự lộng hành để xảy ra tình trạng “xâm lăng của văn hoá Trung Quốc”. Nhưng sự thật có phải vậy?

Các pho tượng quân lính mang quân phục thời phong kiến bị các đối tượng xuyên tạc có yếu tố Trung Quốc.

Không ít người nhẹ dạ cả tin chưa kiểm chứng sự thật của vụ việc, không tìm hiểu rõ nguồn cơn ra sao đã vội vàng phán xét, quy chụp. Về các tượng mô phỏng hình ảnh binh lính, ngày 31/8 mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư khai thác du lịch Quỷ Núi – Suối Ma (thuộc tập đoàn Liên Minh Group). Xác minh cho thấy toàn bộ 230 tượng nói trên do ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt) mua lại từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Theo ông Phúc, đây là tượng cũ được đúc tại Việt Nam đã hơn 10 năm. Trước khi ông mua, tượng được đặt ở khu du lịch Đại Nam.

Ông Ngô Quang Phúc còn nhấn mạnh: “Hiện tại tôi chưa có ý tưởng nào để sử dụng các tượng này. Đang cao điểm dịch Covid-19 nên chúng tôi chưa có ý định đầu tư dự án mới. Các tượng cũ, đã sử dụng công khai nên tôi nghĩ các ý kiến trên mạng xã hội đang hiểu nhầm”. Và càng không có chuyện xuất hiện “đội quân đất nung Tần Thuỷ Hoàng” trấn yểm ở Lâm Đồng hay “mộ vua Tần có thể đã cát táng đâu đó tại Đà Lạt”. Một câu chuyện phi lý, hoang đường nhưng lại có người tin tưởng một cách mù quáng. Hoàn toàn không có chuyện “mượn tiền đầu tư khu du lịch ở Đà Lạt nhằm cát táng mộ Tần Thủy Hoàng”. Rõ ràng, hình ảnh đầy đủ về trang phục của các bức tượng là mang áo giáp, cầm khiên có hoa văn chim lạc in nổi, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn (về nội dung phản ánh của các bức tượng trên có phù hợp, xác thực với hình ảnh binh lính trong các triều đại phong kiến của Việt Nam hay không đang được cơ quan chức năng xác minh, thẩm định), tuy nhiên một số đối tượng chống phá đang “cố tình” cắt ảnh, gán ghép cho rằng đây là tượng đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Cận cạnh họa tiết chim lạc trên khiên, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn.

Việc Phạm Minh Vũ và một số cá nhân còn lộng ngôn rằng cơ quan chức năng tại tỉnh Lâm Đồng là “bọn phản quốc, không quản lý chặt chẽ, cố tình buông lỏng, để công ty thi công trái phép mà không hề biết” nhằm hạ bệ hình ảnh của những người lãnh đạo. Thực tế, những di sản của cha ông để lại nào là chữ Nôm, hàng ngàn pho sách ghi Hán tự, Nôm tự, tượng tác, lễ nghi,… đều có sự biến tấu, cách điệu từ Hán tự mà xây dựng nên. Xét về mặt văn hóa thì không thể phủ nhận Việt Nam và Trung Quốc có rất rất nhiều nét tương đồng. Đều thờ Phật và luôn tôn kính Chân-Thiện-Mỹ. Kể cả ngôn ngữ thì từ xưa đến nay, các từ Hán Việt mà chúng ta vẫn dùng trong cuộc sống. Không thể vì không ưa Trung Quốc mà bài Trung Quốc. Dân tộc ta luôn hiểu những gì tốt đẹp thì chấp nhận. Làm cho văn hoá Việt thêm phong phú và về văn hoá tín ngưỡng thì giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản đều có những đặc trưng chung.

Luận điệu xuyên tạc của Phạm Minh Vũ.

Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân phát huy di sản văn hóa dân tộc vào mục đích phát triển, kinh doanh du lịch. Tuy nhiên mọi cá nhân, doanh nghiệp phải chấp hành đúng quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, các cơ quan chức năng vẫn luôn tăng cường công tác quản lý về văn hóa, du lịch. Không có chuyện buông lỏng để xảy ra sai phạm mà không hề hay biết.

Hiện nay, những thông tin liên quan đến yếu tố Trung Quốc luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng, tuy nhiên không phải thông tin nào cũng chính xác. Do đó, trước nhiều thông tin nhiễu loạn trên không gian mạng, mỗi người cần phải tỉnh táo, đừng vội vàng phán xét để rồi bị những đối tượng xấu lợi dụng lòng yêu nước để kích động chống phá.

Hải Anh

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều