Sự thật về cái gọi là liên minh ma quỷ trong vụ giết người rúng động ở Nghệ An
Gần đây, vụ án nổ súng tàn sát hai người tại Nghệ An đã trở thành “miếng bánh” béo bở cho các đối tượng, tổ chức chống phá lợi dụng.
Về bản chất, vụ án trên thuần túy là một vụ án hình sự. Tuy nhiên, lợi dụng tính chất nghiêm trọng của vụ án, thời gian diễn ra nhạy cảm (vào ngày lễ 30/4), nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận, các đối tượng, tổ chức chống phá đã triệt để xuyên tạc, lợi dụng nó để công kích chính quyền. Như mới đây, đối tượng Đỗ Ngà đã nhanh chóng múa bút, tô vẽ màu sắc chính trị cho vụ án. Cùng với đó là nhiều bài viết đã được Đỗ Ngà tung ra như “Liên minh đỏ đen, hình ảnh từ nhóm lợi ích Nghệ An”, “Sự mâu thuẫn phơi bày bản chất”… Những bài viết này sau đó đã được các đối tượng, tổ chức chia sẻ, lan tuyền trên mạng xã hội.
Luận điệu chủ yếu được Đỗ Ngà cùng các đối tượng rêu rao là giữa chính quyền và nhóm “xã hội đen” có sự móc nối chặt chẽ, khăng khít với nhau, hình thành một “liên minh đỏ – đen” từ đó xuyên tạc các hội nhóm “xã hội đen” được các “phe nhóm” trong Đảng sử dụng để đấu đá, tranh giành quyền lực và thậm chí là “thủ tiêu” đối thủ. Tuy nhiên, các luận điệu đó đều là vô căn cứ và vô cùng khiêng cưỡng, bởi vì:
Thứ nhất, liên minh “đỏ – đen” mà Đỗ Ngà cùng các “con buôn chính trị” tô vẽ ra là hoàn toàn sai sự thật. Cái cớ để các “giới dân chủ” vin vào là hình ảnh đối tượng Cao Trọng Phú không bị còng tay sau khi đầu thú. Nói thẳng, trong trường hợp của Cao Trọng Phú, việc còng tay không phải là điều cần thiết. Trong trường hợp này, đối tượng đã tự nguyện đầu thú sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Xem xét tiến trình vụ án có thể thấy vụ án diễn ra từ khoảng 8 giờ sáng. Sau khi gây án xong, đối tượng Cao Trọng Phú cầm súng và cố thủ trong nhà riêng, đến 13 giờ 50 phút cùng ngày mới đầu thú. Thông thường, trong các vụ án như trên, đối tượng gây án sau khi thực hiện hành vi phạm tội thường có xu hướng tự tử; thậm chí, có đối tượng còn trở nên manh động, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội trước khi tự kết liễu mạng sống của chính mình. Vì vậy, việc Công an Nghệ An vận động đối tượng đầu thú là một thành công.
Sau quá trình vận động, để ổn định tâm lý cho đối tượng, việc lực lượng Công an không áp dụng biện pháp cưỡng chế là dễ hiểu. Mặt khác, lực lượng Công an tham gia bắt giữ Cao Trọng Phú là cán bộ tinh nhuệ, có kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng tác chiến. Ngoài ra, một bức ảnh không nói lên tất cả. Theo thông tin từ Công an Nghệ An, hình ảnh trên chụp khi đưa Cao Trọng Phú từ nhà riêng ra xe đặc chủng chở can phạm ngay gần đó. Do đó, khả năng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc bỏ trốn của Cao Trọng Phú là điều không thể.
Thứ hai, về luận điệu cho rằng một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin Cao Trọng Phú bị bệnh “hoang tưởng” là hành động “chạy án” cho Cao Trọng Phú, đây tiếp tục là một sự hoang tưởng nặng nề của Đỗ Ngà. Thực tế, báo chí không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới đều lựa chọn những chi tiết đáng chú ý để viết bài nhằm thu hút người đọc. Một điều khá kỳ lạ là khi đối tượng “dân chủ” Trịnh Bá Tư bị đưa đi giám định tâm thần, các đối tượng chống phá ráo riết lên mạng vu khống cơ quan điều tra, cho rằng đây là điều phi lý. Ấy thế nhưng khi một số tờ báo nêu chi tiết Cao Trọng Phú có dấu hiệu hoang tưởng thì chính các “mõ làng dân chủ” lại cho rằng đây là hành động “chạy án” cho Cao Trọng Phú. Thực sự quá khó hiểu?
Nhìn vào các bài viết của Đỗ Ngà, có thể thấy đây là “con buôn dân chủ” kỳ cựu với khả năng tưởng tượng vô cùng phong phú. Biến có thành không, biến không thành có, đổi trắng thay đen, lật lọng, xảo trá là những điều chúng ta dễ dàng thấy được từ Đỗ Ngà.
Bảo An
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả