2
category
330268

Sự thật phũ phàng khiến người dân bất chấp ra đi tìm cơ hội đổi đời

28/10/2019 17:21

Đất nước còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, ít cơ hội công ăn việc làm và thu nhập không đảm bảo khiến nhiều người phải ra đi, bất chấp nguy hiểm.

Năm 2014, tôi có dịp sang Paris thăm họ hàng. Bác tôi qua Pháp du học từ năm 1964 và ở lại do chiến tranh Việt Nam leo thang. Tại nhà bác, tôi có gặp một chị giúp việc người Hải Phòng, không biết bằng cách nào đó mà có được giấy tờ để ở lại, làm thuê kiếm sống và tích góp gửi về giúp đỡ gia đình. Nhà bác tôi đối xử với chị rất tốt, trả lương khá, thi thoảng còn cho thêm quà, nhưng chị vẫn một mực xin nghỉ chỉ sau 6 tháng – nguyên nhân, theo bác tôi, là để hưởng trợ cấp thôi việc (chính phủ Pháp quy định khá hào phóng) rồi lại kiếm việc mới.

Có thể xếp người phụ nữ trên vào diện lao động ít kỹ năng, song chị vẫn rất may mắn vì làm được giấy tờ để ở lại lao động hợp pháp. Tuy nhiên, có nhiều người đã không được như vậy, nhất là những ai đi theo con đường trái phép, phải “trốn chui trốn lủi”, đối mặt với nhiều nguy hiểm hay thậm chí còn mất cả mạng.

Mới đây, cảnh sát Anh đã phát hiện 39 thi thể bên trong chiếc container cập cảng Purfleet sau hành trình kéo dài hơn 10 tiếng từ cảng Zeebrugge nước Bỉ. Mặc dù chưa có thông tin chính thức khẳng định 39 nạn nhân trên đều là công dân Trung Quốc hay còn mang quốc tịch khác, nhưng một số gia đình tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã lên tiếng trình báo mất con trong vụ việc. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh hiện đang phối hợp với cảnh sát nước bạn nhằm xác minh thông tin về quốc tịch của các nạn nhân, và cho biết sẵn sàng thực hiện những biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Chưa hết, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn gửi các Bộ Công an, Ngoại giao và hai tỉnh có người báo mất con, truyền đạt chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, làm rõ đường dây đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép và phải báo cáo trước ngày 5/11.

Hiện đã có hơn 20 gia đình tại Việt Nam trình báo mất con, nghi đó là các nạn nhân trong vụ nhập cư trái phép vào Anh.
Hiện đã có hơn 20 gia đình tại Việt Nam trình báo mất con, nghi đó là các nạn nhân trong vụ nhập cư trái phép vào Anh.

Nếu mọi chuyện đã diễn ra đúng như kịch bản xấu nhất thì đó quả là việc đáng buồn, nhất là đối với thể diện của một quốc gia đang lên, được thế giới (hoặc ít nhất là các tổ chức quốc tế và truyền thông) đánh giá cao về thành tựu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Tại sao chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, đất nước không còn đói kém như thời bao cấp, dân dần có của ăn của để, thậm chí nhiều người còn gia nhập hàng ngũ của giai cấp trung lưu giàu có (được dự báo là sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong một thập kỷ tới), nhưng ai đi được thì vẫn đi?

Thử nghĩ mà xem, nhân tài (chất xám), người giàu (chất xanh) và quan chức (không biết gọi bằng gì) thì đi theo diện hợp pháp, thông qua du học, làm việc, đầu tư, … khiến đất nước bị chảy máu rất nhiều nguồn lực. Người kỹ năng kém hoặc không có điều kiện bằng thì chọn con đường xuất khẩu lao động, mai mối kết hôn (nhiều vụ là giả theo đường dây), hay tệ hơn nữa là du lịch rồi bỏ trốn (như vụ 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan vừa qua), nhập cư trái phép, … gây không ít phiền toái cho các nước sở tại và làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì sao lại vậy?

Kinh tế là lý do chính. Năm 2013, khi còn học tại Đài Loan, có lần tôi gặp và ngồi uống rượu với một nhóm công nhân xuất khẩu lao động (phần đông quê gốc ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh). Họ tâm sự, ai cũng biết chẳng sung sướng gì khi sang đây, xa gia đình, làm việc vất vả, bị chủ thuê lẫn môi giới chèn ép, nhưng vẫn hơn ở nhà vì chẳng biết làm gì. Có anh chàng còn rất nhanh trí, tuy chẳng hề trải qua một lớp kinh tế học nào, nhưng đã đưa ra một nhận xét rất đắt (tôi xin trích lại theo trí nhớ, mặc dù không thể chính xác từng câu từng chữ): “Em thấy Đài Loan hơn Việt Nam ở chỗ là họ sản xuất ra đồng tiền có giá hơn mình (1 Đài Tệ khi đó đổi được 700 VNĐ), cho nên lương tại đây vẫn là cao so với ở nhà.”

Quả đúng như vậy, tôi thấy Đài Loan quản lý kinh tế vĩ mô rất tốt, chính quyền ít tiêu pha lãng phí, lạm phát thấp, cho nên quốc lực dồi dào (có hơn 450 tỷ USD dự trữ ngoại tệ) và người dân thì có cuộc sống tương đối dễ thở (GDP đầu người tính theo mãi lực ước đạt hơn 48.000 USD, ngang với Đức, trong khi vật giá thì rẻ hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, … hay thậm chí cả Hà Nội và Sài Gòn).

Còn Việt Nam thực ra đã không làm quá tốt như chúng ta vẫn tưởng. Hiếm nền kinh tế nào mà hệ thống ngân hàng thương mại phải duy trì lãi suất cho vay ở mức xấp xỉ 10% (hoặc hơn) trong nhiều năm liên tục, ám chỉ tỷ lệ lạm phát phải vượt xa con số 4% mà chính phủ dự báo. Tình trạng này sẽ rất khó chấm dứt nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một bộ máy quan liêu cồng kềnh, phải in thêm tiền để chi cho các hoạt động của nó lẫn phiêu lưu chạy theo những chương trình đầu tư công tốn kém. Không hiểu vì sao các công trình xây dựng hạ tầng cơ bản, y tế, giáo dục và phục vụ dân sinh ở Việt Nam lại thường đắt đỏ hơn những nước phát triển trên thế giới tới vài lần? Các tỉnh nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh (nổi tiếng vì truyền thống cách mạng và sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng), nơi có người dân bị nghi gặp nạn trong vụ việc vừa qua, … hàng năm nhận không ít ngân sách cứu trợ từ trung ương (hàng ngàn tỷ đồng, đó là phần cấu của Sài Gòn, Bình Dương, Vũng Tàu, …) nhưng chỉ biết chăm chăm xây trụ sở, tượng đài … khổng lồ, còn lại để dân lưu lạc tứ xứ đến nỗi mất mạng. Phần lớn nguồn vốn của xã hội, thay vì được ưu tiên cho khu vực sản xuất chế tạo thì lại đang chảy quá nhiều vào những lĩnh vực đầu cơ tài sản, gây ra bong bóng chỉ chờ trực nổ. Trên thực tế, miếng bánh hay thành tựu phát triển sau hơn 30 năm Đổi mới đã không được phân chia đều cho mọi tầng lớp nhân dân, và khoảng cách giàu nghèo (sự bất bình đẳng) đang có nguy cơ ngày càng giãn rộng.

Nhiều nguồn lực của Việt Nam đang bị đổ lãng phí vào bất động sản, gây ra bong bóng và kéo rộng khoảng cách giàu nghèo.
Nhiều nguồn lực của Việt Nam đang bị đổ lãng phí vào bất động sản, gây ra bong bóng và kéo rộng khoảng cách giàu nghèo.
9

Được xem là quê hương cách mạng, tỉnh Nghệ An hàng năm nhận không ít hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, có thể xây trụ sở làm việc trị giá 2.200 tỷ, nhưng lại để dân đi xuất khẩu lao động tứ xứ.

Trong hoàn cảnh đó, người giàu có thể sẽ không sao (thậm chí còn sống khỏe hơn), nhưng thành phần lao động bình thường và dân nghèo thì chắc chắn sẽ chẳng dễ xoay xở. Cộng thêm những mối lo khác liên quan đến môi trường ngày càng bị đầu độc, văn hóa đạo đức xuống cấp, pháp lý thiếu minh bạch và nhiều quyền tự do vẫn chưa được tôn trọng đúng mực, thì ra đi chính là giải pháp được những người không còn nhìn thấy cơ hội tìm đến? Nhưng đi chẳng dễ và không ít người đã chọn làm liều để rồi nhận cái kết cay đắng như trong vụ việc vừa qua tại Anh.

Cách đây ít bữa, hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners (có trụ sở tại London) đã công bố bảng xếp hộ chiếu quyền lực năm 2019 (với tiêu chí dựa trên khả năng tự do đi lại), trong đó hộ chiếu Việt Nam đứng hàng 90 trên tổng số 107 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Bên cạnh tiến bộ kinh tế, vị thế này sẽ rất khó được cải thiện nếu vẫn còn nhiều người Việt Nam tìm cách “vượt biên” trái phép.

Việt Nam có rất nhiều thế mạnh, mà nếu được quy hoạch bài bản, hoàn toàn có thể mang lại hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho cả triệu người. Điều này đòi hỏi lãnh đạo phải có tâm.
Việt Nam có rất nhiều thế mạnh, mà nếu được quy hoạch bài bản, hoàn toàn có thể mang lại hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho cả triệu người. Điều này đòi hỏi lãnh đạo phải có tâm.

Có rất nhiều việc mà cả chính quyền lẫn người dân Việt Nam cần phải làm để gỡ lại thể diện cho đất nước. Trong vụ việc vừa qua tại Anh, nếu quả đúng có nạn nhân là công dân Việt Nam, chúng ta cần phải thể hiện sự xin lỗi chân thành đến nước bạn, cam kết điều tra và trừng trị nghiêm khắc hành vi tội ác buôn người, cho dù có thế lực lớn đến đâu bảo kê. Ngoài ra cần sớm thực hiện những cải cách để đưa đất nước phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, chăm lo phúc lợi và dân sinh để không ai còn phải lựa chọn ra đi, bên cạnh tuyên truyền và giáo dục về lối hành xử văn minh. Chỉ khi ấy Việt Nam mới thật sự được thế giới tôn trọng, người dân của chúng ta mới rũ bỏ hoàn toàn sự tự ti mặc cảm để ngẩng cao đầu khi đi ra bên ngoài, thay vì phải dồn quá nhiều nhiệt huyết và niềm tự hào cho những chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia hoặc thành công của một vài cá nhân xuất sắc như Ngô Bảo Châu.
Phạm Nhật

Đọc nhiều