Sự tàn nhẫn của truyền thông trong ca mổ tách 2 bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi
Các bạn cảm thấy thế nào khi nhìn những hình ảnh cận cảnh và chi tiết ca mổ tách rời 2 bé song sinh? Về y học, ca mổ đã thành công bước đầu, nhưng từ góc độ người làm báo, mình thấy truyền thông như thế tàn nhẫn quá.
Hình ảnh 2 bé với phần cơ thể có dị tật được chụp cận cảnh, trần truồng, rõ nét và đăng tơ hơ trên báo. Mặt mũi, tên họ, ngày sinh, phần dưới của cơ thể, không được làm mờ hay viết tắt. Rồi những hình ảnh bố mẹ bé núp trong góc hành lang che mặt khóc, cũng bị các phóng viên dí máy vào chụp. Cứu em bé, nhưng tại sao lại huỷ hoại lòng tự trọng và sự riêng tư của gia đình người ta?
Chưa kể trong phòng mổ phải vô trùng nghiêm ngặt, mà người chụp hình đông như quân Nguyên. Chụp bằng điện thoại nữa chứ. Sau những ngày covid 19, trẻ con cũng biết rằng điện thoại cầm tay mang rất nhiều vi trùng, vi khuẩn, (còn hơn cả bồn cầu đấy ạ). Lúc cầm dao mổ, Bác sỹ cần được bình tĩnh và tập trung cao độ, 1 sai sót dù chỉ tích tắc cũng là sinh tử, vậy mà phòng mổ lại như showbiz. Lẽ nào an toàn của bệnh nhân được xếp sau sự thoả mãn hiếu kỳ của người đọc?
Cách tung hô này chỉ lấy được sự tán thưởng của một bộ phận người Việt trong nước thôi. Chứ nhìn những tấm hình phòng mổ chen chúc người và máy quay phim, máy chụp hình, điện thoại đang chụp hình, rồi những hình ảnh cận cảnh bé trên mặt báo, liệu thế giới có đánh giá Việt Nam văn minh không? Chưa kể cách tung hô này còn trái với các nguyên tắc y tế, khi tuyên bố thành công quá sớm, chưa xong giai đoạn hậu phẫu, chưa rõ sau này thế nào.
Tình cờ đợt này, 2 năm trước, nước láng giềng Thái Lan cũng giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Hoang mắc kẹt 10 ngày trong hang động. Họ huy động cả tàu ngầm mini, cả những chuyên gia lặn nổi tiếng khắp thế giới từ Úc, Canada, Mỹ… tới giải cứu. Nhưng dù có hàng trăm phóng viên và các hãng thông tấn săn đón, nhưng vẫn không một tấm hình nào bị lọt lên báo mà thấy mặt mũi, tóc tai nạn nhân. Không có cuộc phỏng vấn nào được thực hiện. Không tiết lộ những hoàn cảnh đời tư thương tâm. Không trao bằng khen, không tặng hoa, không trao phong bì…
Trong suốt những ngày quần quật giải cứu, Thái Lan mở rất rộng cửa cho các chuyên gia thế giới vào, nhưng che kín phông bạt, và kiên quyết “đuổi” các phóng viên ra. Có phóng viên cố tình dùng flycam, liền bị cảnh cáo và trục xuất. Nguyên tắc của họ, và cũng là của các nước văn minh: Cứu sống bệnh nhân nhưng đừng lấy đi của họ quyền riêng tư, sự bình yên và tự do.
Nhớ khi xưa làm báo, mình đã có nhiều lần cắt bỏ đi những chi tiết mà mình biết chắc chắn nếu đăng sẽ rất hot, báo bán rất chạy. Cho dù bí mật đó chính nhân vật cung cấp, có băng ghi âm hẳn hoi. Nhưng cắt là cắt! Vì khoảng khắc đó, có thể nhân vật đang quá xúc động, quá đau đớn, hoặc quá tức giận… họ chưa lường trước được mặt trái của cơn bão truyền thông. Và ngay cả những bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện, cũng không nên đăng tải những hình trực diện bi kịch của người khác. Như thế là ác, chứ thiện gì. Đừng vì tặng vài triệu mà tàn sát lòng tự trọng của họ.
Nhiều người quan niệm đích đến cuối cùng cuả bài báo là sự thật. Mình thì tin rằng, đích đến cuối cùng phải là con người.
Trần Thu Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả