86
topics
459658

Sự phi thường của một ‘người thường’

24/12/2020 06:05

Ngoài nhiệm vụ cao cả bảo vệ Tổ quốc, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Kim Sơn còn làm “cha nuôi” của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày đến dạy dỗ, bảo ban giúp các con học tập nên người.

Sự phi thường của một người thường - 1

Giữa tiết trời mùa đông giá rét, những câu chuyện về chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” chia sẻ trên báo Dân Trí ngày 22/12 khiến chúng ta thấy ấm lòng hơn.

Thế nhưng những nghĩa cử đó của các chiến sỹ vùng biên cương không phải chỉ để chúng ta đứng từ xa chiêm ngưỡng và ngợi ca. Tôi nghĩ, điều mà các anh đang mong mỏi là lan tỏa được lòng tốt, sự tử tế và tinh thần tương thân tương ái đến với nhiều người hơn nữa.

Hôm vừa rồi, một người bạn tôi hiện đang sống ở Nhật Bản vui mừng chia sẻ rằng sau 4 năm đồng hành cùng dự án “Nuôi em”, bạn tôi đã giúp hàng chục trẻ được học mẫu giáo tiếp tục lên học tiểu học.

Việc có thể cưu mang những đứa trẻ ở vùng cao, tận những miền xa xôi hẻo lánh của Tổ quốc mà có lẽ không bao giờ bạn tôi có thể tới gặp trực tiếp được, không những giảm gánh nặng kinh tế cho cha mẹ các em, gieo những đốm sáng vào tương lai các em mà còn mang lại ý nghĩa lớn lao đối với bạn tôi.

Hóa ra, mỗi con người tưởng như nhỏ bé mà lại làm được những điều rất phi thường!

“Mình cứ nghĩ rằng nuôi được gia đình, cho con ăn học đã là hết sức rồi, còn đâu mà lo được cho người khác nữa” – người bạn tôi chia sẻ. Hẳn nhiều độc giả ở đây cũng vậy.

Cần khoảng 150 nghìn đồng mỗi tháng để nuôi một em bé trong chương trình nói trên. Con số này tính ra bằng vài cốc cà phê ở thành phố, và chẳng đáng là bao so với một bữa nhậu. Chúng ta không bao giờ ngờ đến rằng, những khoản tiền ấy lại có ý nghĩa thật sự lớn lao với một đứa trẻ như vậy.

Với những người bình thường như chúng ta, với cuộc sống vẫn còn nhiêu lo toan, bộn bề, vất vả như chúng ta, đặt câu hỏi “tiền nhiều để làm gì” nhiều khi là xa xỉ.

Nhưng, một đốm lửa hay một bó đuốc thì cũng đều phát sáng. Các tỷ phú có những đóng góp riêng của họ, còn người bình thường có cách làm việc thiện theo cách người bình thường, dù ở mức độ nào cũng đều có ý nghĩa và đáng trân trọng, đáng được ngợi ca.

Mỗi buổi sáng tôi đều có thói quen vào theo dõi Chương trình Nhân ái. Nếu quan sát danh sách đóng góp và danh sách kết chuyển của chuyên mục này, độc giả mới thấy được sức mạnh của sự chung tay.

Mỗi một người đóng góp cho hoàn cảnh chỉ 50.000 đồng đến vài ba trăm nghìn đồng, thế là có thể có cả hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cứu giúp hoàn cảnh đó vượt qua cơn túng quẫn, bế tắc.

“Sông có khúc, người có lúc”. Cái đưa tay đúng lúc của quý độc giả thậm chí có thể cứu được mạng sống của một con người.

Vậy nên, mỗi lúc thấy cần giúp đỡ người khác, đừng quá suy tính thiệt đơn thiệt kép. Hãy cứ làm điều thiện với sự vô tư nhất, bằng cả tấm lòng mình.

Điều quan trọng hơn cả sau những chương trình từ thiện hay Chương trình Nhân ái của báo Dân Trí, ngoài cứu giúp các hoàn cảnh còn giúp mỗi chúng ta có được cơ hội làm điều tốt, làm điều thiện và được sống tử tế hơn.

Cuộc sống có gì ý nghĩa hơn khi được tử tế với nhau và yêu thương nhau nhiều hơn, nhiều hơn nữa…!

Bích Diệp/DT

Tags :
Đọc nhiều