Sự ngoan cố của Cấn Thị Thêu và những điệp khúc cũ của “làng dân chủ”
Tô vẽ hình tượng thành những “anh hùng đấu tranh” vì công lý, “nhà hoạt động cải cách” nhân quyền là cách mà báo chí “làng dân chủ” thi nhau mô tả hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư trước và sau phiên tòa phúc thẩm. Điều đáng nói là hai đối tượng này còn hùa theo họ để tạo cớ chỉ trích nhà nước, thay vì tỏ ra ăn năn hối cải.
Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của các bị cáo Cấn Thị Thêu (SN 1962) và Trịnh Bá Tư (con bị cáo Thêu, SN 1989, cùng trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”. Trước đó, đầu tháng 5/2021, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án sơ thẩm mỗi bị cáo nêu trên 8 năm tù và sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm. Tưởng như việc kháng cáo kêu oan đồng nghĩa với ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi phạm pháp của mình, nhưng không, bà Cấn Thị Thêu cùng con trai dường như chỉ muốn kéo dài thời gian, có thêm cơ hội để chỉ trích chính quyền, hùa theo những luận điệu chống phá của các trang tin hải ngoại.
Để “dọn đường” màn kêu oan cho hai đối tượng trên, các trang tin như Tiếng Dân, Việt Tân hay RFA, RFI, VOA…đồng loạt chia sẻ, lặp đi lặp lại các bài viết nhằm ca ngợi, tung hô, cổ súy hành động phạm tội của bị cáo và “tô vẽ hình tượng” như những người “anh hùng” dám xả thân đấu tranh đòi công lý. Những bài viết này vô tình kể hết những hành vi phạm pháp của hai bị cáo bao năm qua. Với vai trò là “ngọn cờ” trong một hội tự xưng là nhóm “dân oan”, Cấn Thị Thêu không chỉ kích động nhiều người dân Dương Nội mà bà ta còn lôi léo cả hai người con trai tham gia các hoạt động gây rối ANTT trên địa bàn Hà Nội. Không gì có thể biện minh cho hành vi lợi dụng những khúc mắc dân sự để xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
Khi tường thuật lại diễn biến phiên tòa, trang Tiếng Dân dường như không có nhiều điều để nói. Thông tin đáng kể duy nhất là các luật sư bào chữa cho bị cáo bằng cách yêu cầu trả tự do cho thân chủ, đòi bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự (?) vốn chính là căn cứ để kết tội hai bị cáo này. Việt Tân thì chia sẻ thông báo của tổ chức “Ân xá quốc tế” khi cho rằng: “bản kết án bất công với bà mẹ và người con là một trò đùa công lý”, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ bản án và trả tự do vô điều kiện cho các đối tượng. Hay VOA dẫn lời tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) xuyên tạc rằng bản án là sự trừng phạt của chính quyền Việt Nam dành cho những nhà bất đồng chính kiến. Đây vốn là chiêu trò quen thuộc của các tổ chức này, nó thể hiện sự lố bịch khi một mực tô vẽ các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia ở Việt Nam, coi những tội phạm như “nhà cải cách”.
Đặc biệt, các trang tin này tỏ ra “hả hê” khi nhấn mạnh chi tiết hai bị cáo dùng những lời lẽ ngang tàng, mạnh mẽ để “tự bào chữa”. Và cuối cùng, khi nghe tòa tuyên án, hai bị cáo còn buông lời chửi rủa, hô “Đả đảo…”. Dường như đây chỉ là một màn kịch để diễn cho ai đó xem, vì đã kháng cáo kêu oan thì ít nhất họ phải nhận thức được hành vi sai trái của mình, rồi tìm cách thuyết phục cơ quan xét xử một cách hợp tình hợp lý mong được khoan hồng. Vậy nhưng họ lại chọn cách đối đầu và công khai chống đối ngay tại phiên tòa, với những hành vi vượt quá chuẩn mực ứng xử cần có. Cộng thêm lời bào chữa muốn bác bỏ án phạt, đòi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự, rõ ràng hai đối tượng này đã đi quá giới hạn của luật pháp. Như vậy, tòa phúc thẩm tuyên y án là hoàn toàn hợp tình hợp lý, không có gì phải bàn cãi.
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Luật pháp phải nghiêm minh và công bằng với tất cả mọi người. Khó có thể tưởng tượng một người vi phạm điều khoản nào đó trong luật pháp rồi tự bào chữa bằng cách đòi bỏ điều luật đó. Càng không thể chấp nhận ai đó vì khúc mắc quyền lợi cá nhân mà sinh bất mãn, chống đối chính quyền, tiếp tay cho các thế lực hải ngoại phá hoại từ bên trong. Sự ngoan cố của Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, cùng luận điệu hả hê xuyên tạc của các trang mạng chống phá dường như càng chứng tỏ tính đúng đắn trong bản án mà tòa đã tuyên.
An Diễm