128027
category
388154

Sự kiện “có 1-0-2” trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật

26/04/2020 19:01

Trung đoàn tên lửa 263 chúng tôi được trên giao nhiệm vụ mới, tuyệt mật đến mức chỉ có Trung đoàn trưởng, Chính ủy và Tham mưu trưởng Trung đoàn được biết. Đó là ngày 24/2/1975.

Sự kiện "có một không hai" trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật

Đoàn tên lửa Quang Trung Anh hùng “Nam Tiến”

Theo số liệu tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, lực lượng Quân đội ta tham gia Chiến dịch này gồm có: 4 Quân đoàn (1, 2, 3 và 4) cùng Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn).

Tổng số lực lượng gồm 15 Sư đoàn, 1 Lữ đoàn và 4 Trung đoàn Bộ binh; 20 Lữ đoàn, Trung đoàn và 8 Tiểu đoàn Pháo binh; 3 Lữ đoàn, Trung đoàn và 2 Tiểu đoàn Đặc công; 1 Trung đoàn Tên lửa; một bộ phận Không quân, Hải quân cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn Chiến dịch.

Trung đoàn Tên lửa phòng không duy nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ấy chính là Trung đoàn 263 chúng tôi.

Trung đoàn Tên lửa 263 (còn gọi là Đoàn Tên lửa Quang Trung) là Trung đoàn tên lửa thứ 8 của Bộ đội Tên lửa phòng không, thành lập ngày 30/5/1966.

Sự kiện có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật - Ảnh 1.
Tác giả Nguyễn Hữu Mão – Cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa phòng không

Trong gần 10 năm (1966-1975) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung đoàn đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều máy bay B-52; được tuyên dương đơn vị Anh hùng.

Đêm 14/1/1973, Trung đoàn đã bắn rơi 2 chiếc máy bay B52 và đó cũng là 2 chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị bắn rơi tại miền Bắc.

Ngay sau chiến thắng đêm 14/1/1973 ấy, Trung đoàn 263 được lệnh nhanh chóng “Nam tiến” vào bảo vệ vùng trời giải phóng tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào ngày 27/1/1973.

Vậy là Trung đoàn 263 chúng tôi đã trở thành Trung đoàn Tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất của Quân Giải phóng miền Nam với chiếc quân hiệu trên mũ mỗi cán bộ chiến sỹ là ngôi sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh!

Nhiệm vụ của Trung đoàn là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời tỉnh Quảng Trị và sẵn sàng cơ động bất cứ lúc nào, đến bất cứ nơi đâu trên toàn mặt trận phía Nam.

Thấm thoắt đã được 2 năm bảo vệ vùng trời Quảng Trị gải phóng, trong đó có thị xã Đông Hà là nơi đặt trụ sở  – được ví như “Thủ đô giải phóng” – của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật

Ngày 24/2/1975, Trung đoàn chúng tôi được trên giao nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ tuyệt mật đến mức chỉ có Trung đoàn trưởng, Chính ủy và Tham mưu trưởng Trung đoàn được biết. Ở hội nghị cán bộ quân chính của Trung đoàn diễn ra sau đó ít ngày, chúng tôi chỉ được phổ biến là chuẩn bị cấp tốc để hành quân đường dài.

Vốn đã quen cơ động chiến đấu trong những năm chiến tranh nên các đơn vị trong Trung đoàn chúng tôi đều khẩn trương chuẩn bị lên đường. Nhìn cơ ngơi doanh trại, trận địa đã khá khang trang mà phải bỏ lại, ai cũng thấy tiếc!

Nhưng chấp hành lệnh của trên, ngày 7/3/1975, Trung đoàn chúng tôi bắt đầu “rồng rắn” nối đuôi nhau xuất phát hành quân về hướng Tây, theo đường 9 vượt qua Lao Bảo hướng thẳng đến Bản Đông của nước bạn Lào.

Lúc ấy, mặc dù đã là trợ lý của Ban Chính trị Trung đoàn mà tôi vẫn nghĩ rằng: “Có khi Trung đoàn lại trở thành Bộ đội Tên lửa Quân đội Pa thét Lào cũng nên…”. Nhưng không phải! Khi đội hình hành quân đến ngã ba Sê Sụ của tỉnh Xavanakhet, chỉ huy Trung đoàn hạ lệnh rẽ trái, thẳng tiến về phía Nam.

Vậy là Trung đoàn chúng tôi hành quân theo đường Tây Trường Sơn và chưa biết điểm dừng tại đâu!

Lần đầu tiên hành quân trên đất bạn Lào, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những cánh rừng già đại ngàn rộng mênh mông cứ tưởng như đi mãi không hết. Đất rừng nam Lào thật bằng phẳng nhưng do xe quân sự chạy suốt ngày đêm nên mặt đường mùa khô toàn một thứ đất mịn như bột ngập hết nửa bánh xe ô tô.

Vào mùa mưa thì con đường chắc sẽ trở thành cháo loãng… Đoàn xe chúng tôi băng qua những cánh rừng săng lẻ với toàn những thân cây cổ thụ to lớn đến mấy người nối tay ôm vòng quanh vẫn không xuể.

Hết rừng săng lẻ lại qua rừng khộp. Rừng đang mùa khô, những chiếc lá khộp to như cái quạt nan rụng đầy mặt đất. Ô tô lăn bánh đè lên thảm lá khộp khô và dày ấy phát ra âm thanh vỡ ròn như xe đang nghiền qua những chiếc bánh đa!

Có hành quân đi chiến đấu trên tuyến đường Tây Trường Sơn này chúng tôi mới thấy được cụ thể về tình hữu nghị anh em vô cùng đặc biệt của hai nước Việt – Lào trong những năm tháng sát cánh chống kẻ thù chung: Các bạn Lào đã dành cả vùng đất rộng lớn phía nam của nước bạn để chúng ta mở tuyến đường phía Tây Trường Sơn nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam!

Theo tài liệu được công bố mới đây của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đường Hồ Chí Minh trên đất Lào dài gần 2.000 km, qua 7 tỉnh của Lào là Borikhamxay, Khammuan, Savanakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu.

Đường được xây dựng đến đâu sử dụng đến đó, vừa vận hành vừa sửa chữa, khắc phục trong suốt quãng thời gian 16 năm (từ 1959 đến 1975).  Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào đã phục vụ vận chuyển gần 1,2 triệu tấn lương thực và vũ khí đạn dược, phục vụ chiến trường ba nước Đông Dương.

Đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn đã hứng chịu 11.135 trận đánh phá của địch với hơn 3 triệu tấn bom mìn; đã có 19.800 người hy sinh, 40.000 người bị thương trên tuyến đường chiến lược này cùng với khoảng 90.000ha ruộng nương, vườn tược của nhân dân Lào bị thiệt hại…

Trong những năm tháng gian khổ đó, nhân dân 17 mường (huyện) thuộc các tỉnh nam Lào nằm trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã tự nguyện rời bỏ bản làng, nương rẫy của mình để sơ tán vào rừng sâu; đã vượt qua bom đạn của kẻ thù, tiếp tế rau, gạo, thuốc men cho các chiến sĩ Việt Nam.

Nhân dân các bộ tộc Lào còn góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương bệnh binh, góp phần giữ thông suốt “con đường ra tiền tuyến” này.

Tuyến đường Tây Trường Sơn cùng với Đông Trường Sơn đã trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt Nam và Lào, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước.

Sự kiện có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật - Ảnh 3.
Tên lửa của Trung đoàn 263 hành quân cơ động trên đường Tây Trường Sơn.

Tuy vậy, tiếp theo những cung đường lầm bụi nhưng dễ chạy xe ấy là đến những đoạn đường cheo leo khúc khuỷu sườn Tây Trường Sơn.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên những gian nan vất vả của cuộc hành quân cơ động đường dài “có một không hai” trong lịch sử chiến đấu của Bộ đội Tên lửa phòng không đưa hàng trăm xe cộ khí tài, máy móc, bệ, đạn tên lửa của cả một trung đoàn vượt mấy trăm cây số đường Tây Trường Sơn với nhiều dốc cao, cua gấp, đường xấu trong khi xe khí tài tên lửa to, dài, nặng, cồng kềnh rất khó đi.

Chỉ thiếu cẩn trọng một chút là sẽ mất an toàn!

Có thể nói công tác bảo đảm đường sá cho đơn vị tên lửa hành quân cơ động chiến đấu là vô cùng quan trọng. Theo sát đội hình hành quân các xe khí tài và xe chở bệ, đạn tên lửa của Trung đoàn chúng tôi luôn luôn có anh em Bộ đội Công binh đi cùng.

Nhiều chiến sỹ công binh lần đầu tiên thấy khí tài tên lửa phòng không to cao cồng kềnh như thế mà cũng vượt Trường Sơn vào chiến trường như thế này phấn khởi lắm. Anh em thích thú bảo nhau: “Phen này thì máy bay Mỹ có trở lại cũng không sợ chứ thèm chấp gì mấy cái máy bay của bọn ngụy!”.

Anh em công binh rất quan tâm tìm hiểu đặc tính của từng loại xe khí tài tên lửa để có cách bảo đảm đường sá an toàn nhất. Nhiều ngày chúng tôi phải tạm dừng lại để chờ công binh sửa đường, gia cố thêm các cây cầu hoặc bạt núi mở rộng những khúc cua vì vốn chỉ đủ để xe con hoặc xe tải như Zil-130 hay Zil-157 chạy mà thôi.

Thế nhưng trục trặc vẫn thường xuyên xảy ra trên đường, đặc biệt là lúc chốt và càng kéo bị hỏng làm rơ – mooc và khí tài gục sệ xuống đường. Gian nan vất vả nhất là chuyến vượt qua đèo dốc và ngầm vượt sông suối…

Những lúc ấy mọi người phải dùng những cây gỗ to để cố định bảo đảm an toàn cho xe và khí tài. Một số trường hợp hư hỏng đã được các trạm kỹ thuật của Đoàn 559 giúp đỡ sửa chữa kịp thời.

Tuy nhiên cũng có trường hợp xe khí tài bị hỏng quá nặng không có phụ tùng đặc chủng thay thế nên đành phải để lại dọc đường và cử người ở lại trông nom bảo vệ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn mới cử cán bộ kỹ thuật quay trở lại đem theo phụ tùng thay thế, sửa chữa để đưa số xe máy khí tài này về đơn vị.

Trong thử thách, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn chúng tôi đã không quản khó khăn, vất vả, nén chịu những cơn sốt rét hành hạ để cứu xe, cứu máy; phối hợp với lực lượng công binh nhanh chóng cải tạo đường, dọn vật cản cho xe, máy, khí tài tiếp tục tiến về Nam.

Quả tên lửa “xấu số”

Có một kỷ niệm không thể nào quên đối với những người lính tên lửa Trung đoàn 263 chúng tôi về những ngày hành quân qua đất nước Lào mùa xuân năm 1975 đưa “rồng lửa” vào giải phóng Sài Gòn.

Đó là khi đơn vị hành quân đến khu rừng Dongpaam, huyện Sansay thuộc tỉnh Attapeu (Lào) thì một quả đạn tên lửa SAM-2 trên xe rơ mooc chở đạn bị gẫy vì đường xấu quá.

Biết là quả đạn tên lửa này đã hỏng không thể chiến đấu được, chỉ huy Trung đoàn quyết định cho các cán bộ và nhân viên kỹ thuật của đơn vị tháo lấy toàn bộ đầu nổ, các cánh lái tên lửa và các bộ phận chứa linh kiện điện tử trong quả đạn rồi để lại quả tên lửa chỉ còn vỏ ấy trong rừng Lào và đơn vị tiếp tục hành quân.

Cứ tưởng quả đạn tên lửa “xấu số” ấy không còn ai nhớ nữa thì bất ngờ những năm gần đây, nếu ai đi du lịch ở các tỉnh nam Lào sẽ được các hướng dẫn viên du lịch dưa đến xem một chứng tích chiến tranh là quả đạn tên lửa SAM-2 đã hỏng ấy ở tỉnh Attapeu.

Thì ra sau khi kết thúc chiến tranh, các bạn Lào đã phát hiện ra quả đạn tên lửa hỏng này và đưa ra trưng bày ở vị trí thuận tiện phục vụ khách du lịch!

Để giúp du khách hiểu rõ về chứng tích chiến tranh độc đáo này, các bạn Lào đã có tấm bảng giới thiệu – bằng tiếng Lào và tiếng Anh – với nội dung: Đây là quả đạn tên lửa phòng không của một đơn vị bộ đội Việt Nam bị hỏng phải để lại trong cuộc hành quân qua đất Lào vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975!

Mới rồi, một người bạn tôi đi du lịch bên Lào về có cho tôi xem mấy bức ảnh chụp quả đạn tên lửa ấy đã được sơn mới và vẫn rất hấp dẫn khách du lịch các nước!

Có thể nói, quả đạn tên lửa SAM-2 ấy đã trở thành một chứng tích sống động cho mối tình đoàn kết chiến đấu giải phóng dân tộc giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt – Lào…

Sự kiện có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật - Ảnh 4.
Quả đạn Tên lửa bị hỏng của Trung đoàn 263 để lại trên đường hành quân ở Lào được trưng bày như một chứng tích chiến tranh phục vụ khách du lịch.

… Hành quân trên đất bạn Lào, chúng tôi rất vui nghe tin quân ta đã nổ sung tấn công căn cứ Đức Lập và ít ngày sau thì cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được giải phóng.

Thế là đến ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, Trung đoàn được lệnh rẽ trở về đất Việt và tập kết ở phía Tây Pleiku.

Ngay sau đó, chỉ huy Trung đoàn nhận được chỉ thị của Chỉ huy tiền phương Quân chủng PKKQ: Trung đoàn 263 không dừng lại ở Tây Nguyên nữa mà vào thẳng B2! Đây là cuộc hành quân thần tốc gắn với bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.

Theo kế hoạch của Chỉ huy tiền phương Quân chủng PKKQ, đội hình hành quân của Trung đoàn chúng tôi được chia làm hai đoàn. Đoàn nặng gồm các xe, máy khí tài tên lửa đi tiếp đường 14B. Đoàn nhẹ gồm xe kéo đạn và cơ quan, rẽ Pleiku đi thẳng đường 14. Hai đoàn sẽ tập kết ở Đức Lập chờ lệnh mới.

Chúng tôi nhớ mãi các đồng chí chỉ huy Trung đoàn dặn đoàn xe cơ quan chúng tôi đi đường 14 qua vùng mới giải phóng phải nhớ giữ vững kỷ luật về công tác dân vận và bảo đảm lái xe an toàn khi từ đường Trường Sơn chuyển sang đường nhựa.

Đích đến cuối cùng và niềm tiếc nuối

Hành quân trên những tuyến đường nhựa của vùng đất mới được giải phóng nên chẳng mấy thời gian, đội hình Trung đoàn chúng tôi đã băng qua những địa danh có những cái tên rất lạ: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp…

Đây là đoạn đường còn nhiều mìn do địch để lại nên xe chở bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo, xe tên lửa … chỉ  được chạy giữa đường và cùng nhằm tới đích cuối cùng là Sài Gòn!

Tình hình chiến sự những ngày ấy chuyển biến rất nhanh. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị chính thức lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trung đoàn Tên lửa 263 chúng tôi được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ cùng các lực lượng phòng không của Quân đoàn 1, Quân đoàn 3; các đơn vị phòng không dự bị của Bộ và lực lượng phòng không của các Sư đoàn bộ binh từ hướng Bắc – Tây Bắc tiến công vào Sài Gòn.

Cụ thể là Trung đoàn chịu trách nhiệm đánh địch ở tầm cao và xa để yểm hộ cho đội hình tiến công của các binh đoàn trên hướng Bắc – Tây Bắc Sài Gòn; đặc biệt là trong thời gian quyết định của Chiến dịch và trong tình huống không quân Mỹ can thiệp cứu nguy cho quân ngụy.

Căn cứ vào nhiệm vụ trên, Ban chỉ huy Trung đoàn đã lên kế hoạch tác chiến cụ thể với lực lượng triển khai đánh địch gồm 2 tiểu đoàn hỏa lực và một phần Tiểu đoàn kỹ thuật.

Một tiểu đoàn hỏa lực hành quân theo hướng tiến công của Quân đoàn 1, cơ động chiến đấu trên khu vực Đồng Xoài, Bến Bầu, Tân Uyên, Biên Hòa. Một tiểu đoàn hỏa lực hành quân theo hướng tiến công của Quân đoàn 3 theo trục đường 13 qua Bình Long, Lái Thiêu về Sài Gòn.

Nhiệm vụ của 2 tiểu đoàn hỏa lực là thực hiện nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Chiến dịch giao cho Trung đoàn là đánh địch ở tầm cao và xa để yểm hộ cho đội hình tiến công của các binh đoàn trên hướng Bắc – Tây Bắc Sài Gòn; đặc biệt là trong thời gian quyết định của Chiến dịch và trong tình huống không quân Mỹ can thiệp cứu nguy cho quân đội VNCH.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Vượt qua rất nhiều khó khăn, đúng 18 giờ ngày 27/4, Tiểu đoàn 43 đã hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa ở bắc Bến Bầu và triển khai chiến đấu.

Sáng sớm ngày 28/4, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích, Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Đình Liễn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Lê Thanh Cảnh đi cùng đơn vị đã có mặt trên xe điều khiển tên lửa cùng các cán bộ chỉ huy và kíp chiến đấu của của tiểu đoàn, theo sát diễn biến tình hình và động viên bộ đội quyết tâm đánh địch và phải đánh thắng trong trận đánh cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù.

Thế nhưng hình như “đánh hơi” thấy có tên lửa SAM-2 của quân đội ta – loại vũ khí đã từng quật lộn cổ “Pháo đài bay B-52” của Mỹ trên vùng trời Hà Nội – nên cả ngày hôm đó không có chiếc máy bay địch nào dám bay vào tầm bắn của Tiểu đoàn 43.

Sang hôm sau, ngày 29/4, trên màn hiện sóng ra đa của đơn vị tuyệt nhiên không còn thấy tín hiệu máy bay cường kích của địch nữa mà chỉ còn tín hiệu máy bay trực thăng và vận tải quân sự Mỹ thực hiện cuộc di tản cuối cùng tháo chạy khỏi Sài Gòn.

Nhưng lệnh trên không cho đánh, cứ để cho chúng rút và cũng là thể hiện tính nhân đạo của chúng ta!

Sự kiện có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật - Ảnh 5.
Bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu.

Trưa ngày 30/4/1975, đại quân ta từ các hướng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập và các cơ quan đầu não của kẻ thù tại hang ổ cuối cùng của chúng. Sài Gòn đã được giải phóng!

Chiến trường K: Chuyến trinh sát lạc trong lòng địch ly kỳ của Quân tình nguyện Việt Nam Chiến trường K: Quân Việt Nam giải phóng Tà Sanh, suýt bắt sống trùm diệt chủng Iêng Sary Chiến trường K: Quân tình nguyện VN hứng chịu đợt phản kích điên cuồng của Polpot ở Đồi Không Tên

Cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh giành độc lập tự do của dân tộc kéo dài suốt 30 năm đã đến đích. Hầu như không một cán bộ chiến sỹ nào của Trung đoàn 263 chúng tôi ngày ấy không khỏi nuối tiếc vì đơn vị đã không kịp phóng “rồng lửa” lên tiêu diệt kẻ địch trong trận chiến cuối cùng!

Chúng tôi chỉ được an ủi phần nào khi đoàn xe tên lửa của Trung đoàn được tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn trước sự ngưỡng mộ không sao kìm nén được của đồng bào thành phố mang tên Bác!

Đã 45 năm trôi qua nhưng các cựu chiến binh Trung đoàn chúng tôi vẫn giữ nguyên những hồi ức không thể nào quên về cuộc hành quân “có một không hai’ trong lịch sử chiến đấu của Trung đoàn, đưa “rồng lửa” vượt Trường Sơn, vòng qua đất bạn Lào tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mặc dù không còn thời cơ nổ súng, nhưng với việc đưa được Tên lửa phòng không vượt Trường Sơn vào áp sát Sài Gòn đã khiến kẻ địch càng thêm hoảng loạn, tan rã và hạn chế khả năng sử dụng không quân của chúng, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi trọn vẹn và nhanh chóng.

Sự kiện có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật - Ảnh 7.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 263 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Trung đoàn Tên lửa 263 (còn gọi là Đoàn Tên lửa Quang Trung) là Trung đoàn tên lửa thứ 8 của Bộ đội Tên lửa phòng không, thành lập ngày 30/5/1966.

Trong gần 10 năm (1966-1975) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung đoàn đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều máy bay B-52; được tuyên dương đơn vị Anh hùng.

Trung đoàn đã lập những chiến công đặc biệt xuất sắc: ngày 21/11/1970 hạ 2 máy bay F4, góp phần đập tan kế hoạch tập kích đường không của Mỹ hòng giải thoát bọn giặc lái ở trại giam Sơn Tây.

Ngày 22/11/1972 hạ chiếc máy bay B-52 đầu tiên buộc phía Mỹ phải thú nhận “đã bị tên lửa Việt Nam từ Nghệ An bắn rơi xuống biên giới Lào – Thái Lan”, góp kinh nghiệm thiết thực cho “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972.

Đêm 14/1/1973, trung đoàn bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 và đó cũng là 2 chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị bắn rơi tại miền Bắc.

Nguyễn Hữu Mão – Cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa phòng không

Đọc nhiều