419
category
578858

Sự im lặng đáng sợ và tiếng thét của bé gái 8 tuổi bị bạo hành

30/12/2021 06:11

Cái chết thương tâm gây rúng động của bé gái 8 tuổi tại một chung cư ở Sài Gòn không chỉ cảnh báo về tình trạng trẻ bị bạo hành ngày càng tăng, mà còn là câu hỏi lớn về trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ cũng như vai trò của các tổ chức đoàn hội… trong việc bảo vệ trẻ em.

Nhiều người không thể đọc hết bản tin về câu chuyện bé gái bị dì ghẻ bạo hành đến chết bởi tính chất quá tàn nhẫn, dã man. Nhưng nỗi ám ảnh về tiếng thét sau bức tường căn hộ chung cư, nỗi lo lắng của hàng xóm khi chứng kiến cảnh cô bé bị hành hạ hàng ngày và cơn trút giận đầy bạo lực của người mẹ kế lên đứa trẻ vô tội mãi còn đó, là nỗi hổ thẹn trong cái thời vô cảm, “không liên quan” khi người ta chỉ biết đứng nhìn hoặc không can thiệp kịp thời.

Đến khi cư dân ở đó thắp những nén hương tưởng niệm người đã khuất, thì nhiều người thầm ước: “Giá như”… Giá như khi nghe em kêu khóc, người cha không im lặng nhu nhược hay đồng tình, người mẹ dứt khoát hơn trong cách giải quyết với người chồng cũ để bảo vệ con, hàng xóm không quá vô cảm… Hội Phụ nữ phường, rồi công an phường, tổ dân phố, tổ bảo vệ chung cư, luật sư bảo vệ trẻ em… đã làm gì khi biết có cô bé bị bạo hành trong một thời gian dài như thế?

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại cơ quan điều tra.

Cũng trong bản tin cùng ngày, người ta ngỡ ngàng khi đọc thấy câu chuyện em bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đồng trong đêm lạnh đã được đàn chó con sưởi ấm tại Ấn Độ, hay đâu đó có chú chó “người hùng” từng cứu đứa bé bị vứt ở cống nước, một chú chó hoang khác phát hiện và mang em bé sơ sinh từ thùng rác cho người hàng xóm ở gần nhất đưa đến bệnh viện. Con người đã làm gì để mất tính người, trong khi con vật lại cư xử cao hơn những kẻ làm người?

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: “Câu chuyện bé gái bị “dì ghẻ” bạo hành mấy ngày qua gây rúng động nhân tâm. Thật nhiều cảm xúc: xót xa, phẫn nộ… Nhưng ám ảnh hơn cả cái chết là tiếng khóc, tiếng kêu đau đớn vô vọng bị ngăn lại sau cánh cửa mang tên ‘chuyện riêng tư’ của mỗi gia đình. Thật thấm thía câu nói của Albert Einstein: ‘Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả’.

Hôi Phụ nữ, Hội Bảo trợ bà mẹ trẻ em, hội này nọ ngày càng bất lực trước bạo hành trẻ nhỏ? Nhiều câu hỏi nhói lòng. Lúc ấy cha em ở đâu? Mẹ em đâu? Đằng sau câu chuyện đau lòng là ẩn số của một tâm thế xã hội!”.

Tiếng thét của bé gái 8 tuổi bị bạo hành và sự im lặng đáng sợ - Ảnh 2.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại hiện trường nơi thường xuyên đánh đập bé V.A. Ảnh công an cung cấp

Tâm thế bạo lực được che giấu đằng sau nỗi lo thời Covid, nỗi lo cơm áo, gánh nặng ly hôn và lập gia đình mới, khi chính những người lớn cũng luôn phẫn uất, tức giận mà chỉ biết trút tất cả lên đầu trẻ con. Những người cha, người mẹ khi ly hôn không còn giữ lại chút tình nghĩa lúc xưa, muốn ly gián con cái với người kia (thường là phụ nữ, người yếu thế), không thể bắt tay nhau để nuôi dạy và giáo dục con cái để chúng lớn lên phát triển bình thường mà không chịu sự tổn thương khi các mối quan hệ tan vỡ.

Họ mang theo sự thù hận hậu ly hôn để duy trì đời sống gia đình, thì làm sao có một ngôi nhà hạnh phúc? Thậm chí, nhiều nhà xã hội học chỉ ra rằng chính những kẻ bạo hành trẻ nhỏ thường từng có một tuổi thơ bị bạo hành như thế, hoặc những ẩn ức tâm lý bị dồn nén không được giải tỏa. Và đó là vòng tròn tiếp nối vô thức khiến họ lại trở thành ác nhân lúc nào không hay.

Bi kịch mẹ ghẻ hại con chồng xảy ra ngày càng nhiều, với nhiều vụ không còn tính người. Đau lòng như vụ may miệng con chồng, bỏ con vào bao dìm xuống nước, dí sắt nóng vào mặt, thậm chí, giết chết con trong cơn tức giận… Nhưng đằng sau những thảm kịch vẫn tiếp diễn ấy, phần lớn nguyên nhân sâu xa chưa được giải quyết.

Cái ác vẫn ngang nhiên tồn tại, pháp luật không đủ răn đe. Thường khi sự việc xảy ra người ta mới vào cuộc, mà vào cuộc bất thường. Vụ cậu bé Hào Anh bị bạo hành là một ví dụ, khi lòng thương được biến thành tiền bạc đổ về tài khoản và cậu bé bị tổn thương lại không hề được chữa trị về tâm lý, lại lớn lên với sự phát triển không bình thường, dẫn đến những hệ quả về sau.

Cái ác vẫn tiếp diễn, khi những tổng đài dành cho trẻ em và phụ nữ bị bạo hành ngày càng đông người cầu cứu nhưng vẫn lạnh vắng cách giải quyết hợp tình, là các đoàn hội vẫn đặt nặng tính phong trào và thành tích mà quên đi nhân vật trung tâm cần bảo vệ.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) từng nhấn mạnh: “Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ”. Bạo hành từ lời nói, từ hành vi đến bạo hành từ thể xác tới tinh thần…

Trong trường hợp người lớn không quan tâm, bảo vệ trẻ bị bạo hành, im lặng cũng là tội ác và sự ân hận suốt đời mới chính là bản án nghiêm khắc, đau đớn nhất dành cho họ.

Bởi thế hệ con trẻ sẽ lớn lên ra sao trong sự tàn nhẫn của người lớn, của roi vọt và sự áp chế về tinh thần? Một thế hệ cha mẹ không ra cha mẹ cũng sẽ sản sinh ra lớp kế tục mới như thế…

Giải pháp đưa ra đầu tiên phải là cứu lấy mạng sống và tinh thần của trẻ em. Muốn thế, cần có những tổ chức hoạt động đúng nghĩa. Nếu đoàn hội nào hoạt động không hiệu quả, tại sao không giải thể? Trong khi đó, có những hội đoàn hoạt động khá tốt thì lại bị thu hẹp. Trước đây từng có Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và Trẻ em, nhưng sau này bị sáp nhập; tiếp đó là Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em bị giải thể (2007).

Chủ đề bảo vệ bà mẹ và trẻ em hàng năm vẫn ở trên bàn Quốc hội, song đưa ra phương án thì vẫn chưa. Các đường dây nóng tồn tại nhưng không đủ sức giải quyết các vấn đề bạo hành, thì sự việc sẽ được chuyển về đâu, ai đứng ra giải quyết? Khôi phục lại các hội thì điều hành sẽ phải thay đổi ra sao?

Vâng, chỉ khi vấn đề bảo vệ trẻ em được quan tâm hàng đầu thì các giải pháp theo sau mới hữu hiệu.

Còn nếu mối quan tâm chỉ ở trên giấy, thì trẻ em Việt Nam còn chịu nhiều áp lực và thiệt thòi. Một xã hội không chăm sóc, bảo vệ, nâng niu trẻ em thì tương lai đất nước về đâu?

Nhật Lệ

 

Đọc nhiều