Sự hồi sinh thần kỳ của một dự án nghìn tỷ tưởng đã “chết”

Thu An 05/08/2022 15:58

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (dự án) vốn dĩ được biết đến là một trong những dự án khó khăn nhất cả nước, có những lúc bế tắc tưởng như đã “chết”, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý. Song, với sự nỗ lực quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, dự án đã “hồi sinh” một cách thần kỳ.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đốt dầu lần đầu tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022, đánh dấu mốc tiến độ quan trọng của dự án sau nhiều năm “án binh bất động”. Ảnh VGP/Đức Tuân

Dự án có tổng công suất 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm dự án sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã gặp vô vàn khó khăn, bị đình trệ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, có thời điểm rơi vào bế tắc. Thậm chí, đã có nhiều ý kiến cho rằng, phải đưa “khẩn cấp” dự án vào danh sách dự án yếu kém ngành công thương.

Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính Phủ. Khi chỉ trong vòng chưa đầy 7 tháng mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống công trường, xử lý nóng từng vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo niềm tin và trên hết là kịp thời động viên người lao động, dự án đã dần “hồi sinh” sau 10 năm đắp chiếu.

Công trường phải đông người, phải có không khí sôi nổi, nhiệt huyết, đồng lòng nhất trí giải quyết việc chung. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua khó khăn, xử lý các vấn đề tồn tại của dự án” – tinh thần của Chính phủ được Phó Thủ tướng lan truyền xuống dự án. Bởi thế, ngay trong ngày lễ tết công trường vẫn ồn ào, rộn rã, mọi nỗ lực được đẩy đến mức 200% cho mục tiêu về đích vào cuối năm 2022. Đến nay mốc đốt đèn đầu tiên vô cùng quan trọng đã được diễn ra. Điều này, đồng nghĩa với sự khẳng định toàn bộ hệ thống thiết bị và công nghệ đều vận hành tốt trong thực tế.

Không chỉ có dự án nhiệt điện Thái Bình mà 12 dự án đắp chiếu hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương cũng nằm trong quyết tâm “hồi sinh” của Chính phủ. Với phương châm tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính vì thế, mà chỉ một vấn đề mà có tới hơn 20 cuộc họp để chỉ đạo. Và đáng mừng là đến nay đã có 5/12 dự án được đưa ra khỏi “danh sách đen”, nhiều dự án bắt dầu hồi sinh và có lãi.

Thủ tướng bày tỏ sự xót ruột trong chuyến thị sát hiện trường Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Nhật Bắc

Trong tinh thần ấy nên khi đến thăm dự án gang thép Thái Nguyên chứng kiến cảnh 8.100 tỉ đắp chiếu suốt 15 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính vô cùng sốt ruột. “Người bảo vệ ở kho thiết bị cũng bày tỏ “xót ruột” với thực trạng dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy, thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định. Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ đã giao một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề của dự án- như đã từng để xử lý tháo gỡ vướng mắc dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tin tưởng rằng, với tinh thần đã có, một đống sắt vụn mà vẫn phải “chi phí hao mòn, duy tu, bảo dưỡng vẫn lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm” sẽ được giải quyết.

Thu An

Đọc nhiều