Sự hồi đáp cho lời hứa của Chính phủ từ những siêu dự án cao tốc

Vượt qua khó khăn, Bộ GTVT đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành để thông xe thêm hàng loạt các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, góp phần mở ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, khu đô thị mới và hướng phát triển mới trong tương lai…

Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra là sự hồi đáp rõ ràng nhất cho lời hứa của Đảng, của Chính phủ, mang đến niềm tin và hi vọng về tương lai tương sáng cho nhân dân nơi các tuyến đường đi qua…

Tính chung toàn hệ thống đường bộ cao tốc hiện đã hoàn thành 1.580 km. Đáng chú ý gần 3 năm qua, 416 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, bằng 1/3 số km thi công trong gần 20 năm trước đó.

Mới đây nhất, 6 tuyến gồm Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Nha Trang – Cam Lâm được hoàn thành và thông xe.

Chưa dừng lại ở đó, dự kiến ngày 02/9 tiếp tục thông xe đoạn Quốc Lộ 45 – Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50 km.

Tiếp theo đó, dự án Nghi Sơn – Diễn Châu dự kiến hoàn thành tháng 7/2023; đoạn tuyến QL45 – Nghi Sơn dự kiến hoàn thành tháng 8/2023; dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành tháng 12-2023.

Với kế hoạch trên, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác.

Có thể thấy, tuyến đường bộ cao tốc hiện đại từ Bắc chí Nam chạy dọc theo chiều dài đất nước đã đang dần dần hình thành không còn quá xa vời.

Ngoài cung đường cao tốc xương sống, hàng loạt các tuyến cao tốc kết nối mọi vùng miền đang đồng thời được triển khai, hướng tới mục tiêu đạt 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Có lẽ vì thế mà trong hơn 2 năm qua, tại tất cả các cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT hay các buổi kiểm tra, thị sát thực hiện, người đứng đầu Chính phủ liên tục nhấn mạnh mục tiêu quan trọng hàng đầu và không được phép thay đổi của Bộ GTVT trong 3 năm tới chính là việc nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau – hàng lang kinh tế quan trọng nhất của đất nước dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Đặc biệt tại buổi khởi công chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông được triển khai cùng lúc tại 9 tỉnh, thành phố trải dài qua 3 miền theo hình thức kết nối trực tuyến, mệnh lệnh “nhanh hơn, khẩn trương hơn” tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho Bộ GTVT – đơn vị chủ công trong phát triển đường cao tốc – loại kết cấu hạ tầng được ví như là “đại lộ” mang lại “đại phú” cho đất nước.

Những tuyến đường bộ cao tốc đang tiếp tục được nối dài hơn. Bắt đầu từ cuối năm 2023 cho đến cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đưa 1.100 km vào khai thác. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp ở mức 12% trong tổng giá thành như các nước trong khu vực; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới cho nhiều địa phương, xây dựng chuỗi vùng, hình thành các cực tăng trưởng có chất lượng cho đất nước.

Lấy ví dụ từ tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, sau khi được đưa vào khai thác sử dụng, những chuyến xe, hàng hóa từ TP.HCM đến Phan Thiết và ngược lại chỉ mất gần 2 giờ, ngắn hơn một nửa so với hành trình cũ phải mất 4 – 5 giờ. Cùng với đó là giảm áp lực cho QL1 đã quá tải nhiều năm qua, trở thành mắt xích quan trọng kết nối sân bay Long Thành, các khu công nghiệp khu vực TP Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc… tạo đà phát triển kinh tế – xã hội ở địa

Do đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần quyết liệt chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý việc chậm trễ trong thi công để đưa các dự án vào khai thác đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vào giữa năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần xử lý những vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) để sớm hoàn chỉnh toàn bộ tuyến đường cao tốc huyết mạch của đất nước theo đúng mục tiêu đã đặt ra.

Đồ họa: M.N