Sự hằn học vô lý của Việt Tân khi chuyến tàu hàng hóa quốc tế đầu tiên đến Việt Nam
Vừa qua, chuyến tàu chở hàng xuất phát từ Quảng Tây (Trung Quốc) đã đến ga Hà Nội. Đây là chuyến tàu hàng hóa quốc tế đầu tiên kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Và như thường lệ, Việt Tân liền so sánh với việc nhiều xe tải chở nông sản của Việt Nam bị tắc biên giới Trung Quốc rồi lu loa rằng, “chính quyền sợ Trung Quốc”.
Nói thẳng, hai sự kiện này không thể nào đem so sánh với nhau. Cần biết đa số xe hàng chở nông sản đang bị ách tắc là hàng xuất theo dạng “tiểu ngạch”, với nhiều ưu điểm và rủi ro kèm theo. Loại hình xuất khẩu này có một số ưu điểm hơn dạng “chính ngạch” ở chỗ dễ dàng, ít tiêu chuẩn và thủ tục hơn, đóng gói đơn giản, chi phí ít hơn. Trong nhiều trường hợp, chính thương lái Trung Quốc cũng yêu cầu phía Việt Nam xuất “tiểu ngạch”, do phía Trung Quốc thực hiện chính sách biên mậu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục nhận được một số thông tin cảnh báo từ phía Trung Quốc cho biết nhiều lô hàng của Việt Nam xuất sang nước này không đạt tiêu chuẩn, báo trước việc hàng hóa sẽ bị kiểm tra nhiều hơn. Tuy nhiên, dù có rủi ro thì cơ hội xuất “tiểu ngạch” vẫn quá hấp dẫn và kiếm lợi nhuận nhanh, trong khi chính ngạch là con đường khó vì quá nhiều tiêu chuẩn, thủ tục và chi phí cũng cao hơn nên nhiều doanh nghiệp nản.
Chính đường sắt cũng được đề cập đến như một giải pháp để giải quyết ách tắc xe hàng thời gian qua. Một giám đốc doanh nghiệp cho biết hiện tại hàng Việt Nam vẫn được xuất qua Trung Quốc bằng đường sắt với năng lực 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container, một con số không nhỏ. Nhưng vấn đề là hàng xuất khẩu đi đường sắt phải là hàng xuất khẩu chính ngạch và hình thức vận tải này hiện chỉ sử dụng container nóng nên chỉ phù hợp với các mặt hàng nông sản khô. Một số khó khăn khác là thiếu hạ tầng kho bãi tập kết, bảo quản hàng cho đường sắt, khổ đường phía Việt Nam khác với Trung Quốc nên tăng thêm chi phí bốc dỡ, sang tải.
Quay trở lại với đoàn tàu RCEP từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây hiển nhiên phải là hàng chính ngạch, theo đó sẽ cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu về sản xuất, kiểm soát, truy xuất, đóng gói…Hoàn toàn không có chuyện các cơ quan chức năng của Việt Nam “dễ dàng” cho hàng hóa Trung Quốc. Cần nói thêm, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam nhờ việc giảm mạnh chi phí và thời gian giao dịch thương mại.
Dường như Việt Tân không hề nhìn thấy hình ảnh các cơ quan chức năng chạy đôn chạy đáo làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết việc tháo gỡ ùn tắc cho các xe hàng. Chúng ta làm việc quyết liệt đến mức Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm đã phải lên tiếng mong Việt Nam thông cảm và cho biết chính phía họ cũng đang tắc gần 4000 xe hàng (bằng 2/3 của phía Việt Nam). Dễ người thì dễ ta, khó người thì cũng khó ta, thương mại là hai chiều và không bao giờ có chuyện “bất công” như Việt Tân xuyên tạc. Chuyến tàu từ Trung Quốc đến Việt Nam đồng nghĩa với việc sẽ có hàng trăm chuyến tàu khác chở hàng từ Việt Nam đến Trung Quốc.
Việt Tân vốn xưa nay không từ thủ đoạn nào để xuyên tạc, chống phá các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng càng nói nhiều, càng chịu khó “lấy ví dụ” thì họ chỉ càng lộ sự kém cỏi của mình mà thôi.
An Diễm