Sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của TPHCM

Hạnh Văn 11/04/2024 16:34

Trong những năm qua, trung tâm kinh tế TPHCM đã đạt được những bước tiến mới trong cải cách hành chính (CCHC). Với tinh thần “CCHC không có điểm kết thúc”, như nhận định của Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, các cơ quan, ban ngành của thành phố đã không ngừng sáng tạo, đổi mới, mang lại cuộc cách mạng cho hành chính công và dần xóa đi định kiến “hành là chính” lâu nay.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để đẩy mạnh cải cách hành chính, cần cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm công chức, viên chức, lãnh đạo cơ quan, gắn với đánh giá, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của sở, ngành, địa phương .

Một ngày đầu năm 2023, anh Lưu Minh Trí, công chức địa chính P.3 (Q.6, TP.HCM) bất ngờ khi một chủ quán ăn trước đó đã sửa nhà lại tiếp tục quay lại phường. Vị chủ quán khi đó mới chia sẻ do ban đầu không tiềm kiểu kỹ quy định về bố trí hạng mục trong quán ăn, quán phải sửa lại do sai quy định nhà vệ sinh quá gần khu chế biến. Do đó, chủ quán phải sửa lại, dỡ bỏ một số hạng mục, bố trị lại các khu vực.

Từ lần tiếp xúc đó, anh Trí nhen nhóm ý tưởng khi liên hệ với mô hình liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp BHYT đang áp dụng trên diện rộng, “Lúc đó mình suy nghĩ và thấy cái này đơn giản, sao không hướng dẫn người dân ngay từ đầu để chỉ phải làm một lần”.

Từ đó, anh đã liên hệ với người phụ trách kinh tế của phường và cho ra đời mô hình sửa chữa nhà kết hợp phục vụ kinh doanh đặc thù. Theo đó, công chức địa chính sẽ hỏi thăm mục đích sửa nhà của người dân khi tiếp nhận hồ sơ và tư vấn thiết kế không gian, bố trí các hạng mục nếu sửa nhà nhằm mục đích kinh doanh. Tiếp đó, bộ phận kinh tế sẽ hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy phép khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC… bằng hình thức đăng ký trực tuyến trên máy tính đặt tại phường.

Quán cà phê trên đường Phạm Văn Chí (P.3, Q.6, TP.HCM) của chị Phan Thị Mỹ Phụng được phường tư vấn, hướng dẫn cách sắp xếp không gian theo đúng quy chuẩn.

Với cách làm này, người dân chỉ cần lên phường một lần để thông báo sửa nhà, còn các loại giấy phép khác khi có kết quả thì lên UBND quận lấy về và bắt đầu kinh doanh. Mô hình kết hợp này không tốn ngân sách nhưng mang lại nhiều thuận lợi cho người dân như không phải đi lại nhiều lần, không phải phá đi làm lại.

Chị Phan Thị Mỹ Phụng, chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn Chí (P.3, Q.6), là một trong những người đầu tiên thực hiện thủ tục theo mô hình mới và đánh giá cao cách làm mới. Chị Phụng được phường hỗ trợ bản vẽ, hướng dẫn sơ đồ điện nước, thủ tục về thuế, đăng ký kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, “Công chức phường hướng dẫn mình liên hệ ai, cần giấy tờ gì để không thiếu sót, phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần”.

Các mô hình kết hợp như tại Phường 3 đã giúp tăng sự hài lòng của cộng đồng và doanh nghiệp bởi việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Ở các khu vực ngoại thành như Quận 12, UBND Quận đã áp dụng mô hình 5S từ Nhật Bản và rút ngắn hơn 40 thủ tục làm việc. Đặc biệt, trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Quận 12 còn kết hợp thủ tục cấp lại và thay đổi giấy phép, giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, giúp người dân chỉ cần di chuyển một lần thay vì hai lần như trước đây.

Thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử giúp không còn cảnh người dân chờ đợi, xếp hàng ở các bộ phận một cửa.

Mô hình 5S là một phương pháp quản lý chất lượng toàn diện, tập trung vào việc cải thiện môi trường làm việc thông qua 5 bước: Sàng lọc (Seiri), Sắp xếp (Seiton), Sạch sẽ (Seiso), Săn sóc (Seiketsu), và Sẵn sàng (Shitsuke). Mô hình 5S được nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trên khắp thế giới áp dụng nhằm tổ chức nơi làm việc có tổ chức, an toàn, sạch sẽ và hiệu quả, tạo điều kiện cho việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đem lại niềm tin cho khách hàng.

Ở một câu chuyện khác, chị Nguyễn Thị Phương (26 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) chia sẻ, chị hồ sơ xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn qua cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TPHCM. Chỉ vài giờ sau khi nộp hồ sơ, chị Phương nhận thông báo hồ sơ đã được giải quyết và mời chị đến trụ sở UBND thị trấn Củ Chi nhận kết quả.

Là nhân viên văn phòng làm việc giờ hành chính, chị Phương cảm thấy rất hài lòng với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến. Thay vì phải xin nghỉ nửa buổi, chị đã tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn tất các thủ tục mà không ảnh hưởng đến công việc của mình. Mô hình này được áp dụng tại huyện Củ Chi, giảm thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày xuống còn 1 ngày làm việc. UBND huyện cũng áp dụng nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, như rút ngắn thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hỗ trợ chi phí hỏa táng.

Không chỉ ở các cấp phường, quận, Sở LĐTB-XH cho biết nhờ CCHC, Sở đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 5 ngày xuống còn 3 ngày đối với 3 TTHC, bao gồm thủ tục gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp giao kết.

Với tính chất của một đô thị năng động và đông dân bậc nhất trên cả nước, TP.HCM không chỉ chủ động xin T.Ư trao thêm quyền để giải quyết những vấn đề cấp bách mà còn trực tiếp phân cấp, ủy quyền cho sở, ngành, địa phương. Theo báo cáo tổng kết CCHC năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan trực thuộc và Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, đầu tư, kinh tế, môi trường, đô thị, giao thông, văn hóa, giáo dục, nội vụ, xử lý tang vật.

Lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết trong năm 2023 đã chủ động kiến nghị và được phân cấp, ủy quyền hầu hết nhiệm vụ trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động. Đây là cơ sở quan trọng để HEPZA thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ” rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các DN.

Trong 3.580 hồ sơ đã giải quyết năm 2023, có 93% hồ sơ được HEPZA giải quyết trước hạn, số còn lại được giải quyết đúng hạn 262 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của đơn vị này cao hơn chỉ tiêu mà TP.HCM đặt ra là 98% trở lên trong từng lĩnh vực. Nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định như cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày còn 7 ngày. Các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư giảm từ 10 ngày còn 5 ngày, còn thủ tục đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc ngừng hoạt động, chấm dứt dự án chỉ còn 1 ngày thay vì 3-5 ngày như trước.

Sự đổi mới trong cải cách hành chính của TPHCM không chỉ là một yếu tố cần thiết mà còn là một cam kết không ngừng của chính quyền thành phố để phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả hơn. Việc áp dụng công nghệ số và tái cấu trúc quy trình nội bộ đã giúp tối ưu hóa quy trình giải quyết hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp tục thành công, cần có sự nhất quán và đồng thuận trong triển khai giữa các cấp quản lý cũng như nâng cao nhận thức về việc sử dụng công nghệ. Chỉ thông qua sự đổi mới không ngừng, TPHCM mới có thể tiếp tục vươn lên và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Hạnh Văn

Đọc nhiều