128027
category
486546

Sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ từng đại bại ra sao ở Việt Nam?

22/03/2021 05:41

Được mệnh danh là sư đoàn bách chiến bách thắng, ấy vậy mà, sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ lại phải thua đau khi đối đầu với đội quân “chân trần, chí thép”.

Sau thất bại ở Bình Giã, Đồng Xoài và nhiều nơi khác ở chiến trường miền Nam, nguy cơ phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang hiển hiện từng ngày. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã tung vào Việt Nam Sư đoàn Anh Cả Đỏ – biệt danh của Sư đoàn bộ binh 1 lừng danh.
Đây là sư đoàn đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới và luôn bất khả chiến bại, quân số đầy đủ và được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất.
Cùng với đó là Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới vào chiến trường Việt Nam từ giữa năm 1965 để tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt – Bình định – Đánh gãy xương sống quân giải phóng”.
Trước tình hình đó, bộ chỉ huy miền quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam, đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9, với quyết tâm đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch.
Như vậy, trên chiến trường Bình Dương năm 1965 đến 1966, ngoài tiểu đoàn Phú Lợi, các đại đội huyện, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của xã còn có lực lượng chủ lực miền gồm: trung đoàn Đồng Nai, trung đoàn 5, sư đoàn 9, sư đoàn 5 và đoàn 69 pháo binh.
Ngày 12/7/1965, Sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ đã có mặt chốt giữ tại Lai Khê (Bến Cát) nhằm càn quét dọc hai bên quốc lộ 13 và thăm dò lực lượng của ta. Ngày 11/ 11/1965, trinh sát của Sư đoàn 9 (thuộc Bộ Chỉ huy Miền), nắm được thông tin “Anh cả đỏ” đang chuẩn bị tổ chức càn quét lên hướng Chơn Thành (Bình Phước).
Ngay trong ngày 11/11, đặc công của Sư đoàn 9 đã liên hệ với lực lượng bộ đội địa phương, tổ chức theo dõi sự di chuyển của chúng và ra mệnh lệnh cho các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, tấn công địch ngay trong đêm ngày 11, rạng ngày 12/11/1965.
Tuân lệnh Bộ chỉ huy, đúng 5 giờ sáng ngày 12/11, các đơn vị đã đồng loạt khai hỏa. Pháo của ta bắn chính xác vào trận địa địch. Ngay từ loạt bắn đầu tiên, pháo của ta đã phá hủy nhiều xe tăng. Bị đánh bất ngờ sau khi tổ chức lại đội hình, địch điên cuồng phản công.
Do dự đoán trước tình hình, ta tăng cường thêm hai tiểu đoàn tiếp tục tấn công mãnh liệt vào đội hình quân đội Mỹ. Một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1, dũng cảm thọc sâu vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ, làm cho quân Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Đến khoảng 10 giờ, quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa.
Kết thúc trận Bàu Bàng, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng-thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” của Mỹ đã bị tan rã. Trên 2.000 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, gần 40 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng bị bắn cháy hoặc phá hủy.
Có thể nói, trận Bàu Bàng một vết nhơ trong lịch sử của Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ. Một đơn vị được mệnh danh là “Anh cả đỏ” bất khả chiến bại, đã phải thảm bại trước một đội quân vừa mới được thành lập trước đó hơn 30 năm.
Thất bại này đã biến âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng, của chính quyền Giôn-xơn xem như đã bị phá sản hoàn toàn, buộc chúng vào thế bị động và lo sợ khi phải chạm trán với bộ đội chủ lực của ta.
Về phía quân đội ta, chiến thắng Bàu Bàng thực sự là một chiến công chói lọi, làm nức lòng quân và dân cả nước. Song ý nghĩa to lớn từ chiến thắng này không chỉ dừng lại ở đó. Thắng lợi của trận Bàu Bàng giúp cho nhân dân trong tỉnh nói riêng, người dân khu vực miền Nam nói chung có thêm động lực, can đảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành lấy hòa bình độc lập.

Clip Cựu tình báo Mỹ “hiểu Việt Nam như lòng bàn tay” nhận thua trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Thái Hoà

Đọc nhiều