8
category
401352

Sự cố khiến máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng nghiêm trọng cỡ nào?

15/06/2020 18:54

Mưa lớn gây trơn trượt, gió mạnh làm nghiêng cánh máy bay… hoặc lỗi của phi công đều có thể khiến chuyến bay VJ322 lao khỏi đường băng Tân Sơn Nhất. 

Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, chuyến bay VJ322 của hãng Vietjet chở 217 hành khách hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc có mưa lớn, trưa 14/6. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết về tầm nhìn, độ cao mây, gió vẫn đảm bảo cho việc cất hạ cánh.

Mưa lớn gây trơn trượt, gió mạnh làm nghiêng cánh máy bay… hoặc lỗi của phi công đều có thể khiến chuyến bay VJ322 lao khỏi đường băng Tân Sơn Nhất.

Trang Flightradar24 ghi nhận, trong 30 phút trước khi VJ322 gặp sự cố có 7 chuyến bay hạ cánh bình thường tại sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay VJ322 được phi công điều khiển tiếp đất đúng đường băng 25L/07R, sau khi chạy xả đà một đoạn bị trượt ra mép ngoài đường băng.

Ngoài ra, một chuyến VJ137 từ Hà Nội đã chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Cần Thơ, hai chuyến khác của Vietnam Airlines và Jetstar bị hủy.

“Bước đầu chúng tôi đánh giá việc điều hành của kíp trực không lưu đối với chuyến bay VJ322 đúng quy trình. Hiện, Tổng công ty chưa nhận được yêu cầu đình chỉ kíp trực để phục vụ điều tra”, đại diện Tổng Công ty quản lý bay nói và cho rằng việc máy bay trượt khỏi đường băng có thể từ nhiều nguyên nhân, khi máy bay chạy xả đà với tốc độ cao (200-300 km/h) chỉ cần có sơ suất nhỏ về kỹ thuật hay thao tác sai của người lái có thể gây ra sự cố.

Máy bay trượt dài từ đường băng vào bãi cỏ bên cạnh. Ảnh: E.Cường.
Máy bay Vietjet trượt dài từ đường băng vào bãi cỏ bên cạnh vào trưa 14/6. Ảnh: E.Cường.

Trả lời PV, một phi công có nhiều năm kinh nghiệm bay cho biết, đài không lưu cho phép máy bay mới được hạ cánh. Nhưng nhân viên không lưu chỉ cung cấp thông tin đường băng không có chướng ngại vật, hướng gió, tốc độ gió, đường băng ướt hay khô… còn phi công mới là người đưa ra quyết định.

“Kể cả khi đã tiếp đất thấy điều kiện không tốt, mưa to và gió giật mạnh, phi công có quyền không hạ cánh nữa và bay lên lại. Theo kinh nghiệm của tôi, trường hợp hôm qua lỗi do hai phi công chứ không phải do phía không lưu”, ông nói.

Nam phi công chia sẻ, kỹ thuật đáp máy bay trong điều kiện mưa giông, gió giật (gió đứt) là người lái không được kéo cần ga (điều khiển tốc độ) về, bởi như vậy máy bay sẽ bị mất tốc độ đột ngột. Lúc này, nếu phi công không kịp xử lý tại thời điểm tiếp đất, máy bay sẽ bị trượt khỏi đường băng.

“Trường hợp hôm qua có thể là lúc hạ cánh gặp mưa lớn, tầm nhìn thấp nên phi công không xử lý kịp khiến máy bay dạt ra ngoài đường băng. Thời gian máy bay đáp đất xảy ra rất nhanh, tính bằng giây, nếu xử lý chậm sẽ xảy ra sự cố”, ông nói.

“Đây là sự cố rất nghiêm trọng, gọi là tai nạn hàng không. Rất may mọi người đều an toàn. Sau khi máy bay lao khỏi đường băng, bánh bị lún vào đất mềm (do mưa) nên dừng lại, chứ nếu gặp đất cứng tàu bay sẽ không dừng lại, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn”, nam phi công cho biết thêm.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Bá Hùng (cựu phi công lái Boeing 787 với trên 28.600 giờ bay) nói rằng, phi công có thể từ chối hạ cánh, yêu cầu bay chờ trên trời nếu điều kiện thời tiết xấu. Còn khi quyết định hạ cánh tức là phi công đã đánh giá đảm bảo đủ điều kiện an toàn, cơ quan không lưu không can thiệp việc tiếp đất của phi công.

Theo ông Hùng, thông thường máy bay phải hạ cánh ngược gió nhưng thời điểm tiếp đất có gió giật, gió ngang khiến máy bay bị lệch trọng tâm, cánh máy bay bị mất cân bằng có thể lao ra ngoài đường băng. “Nguyên nhân chủ quan có thể do phi công hạ cánh chưa chuẩn xác, không nghiêng về phía gió”, ông nói.

Máy bay Vietjet trật khỏi đường băng trưa 14/6. Ảnh:Ngọc Tuấn.
Máy bay Vietjet khi hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất đã trật khỏi đường băng, trưa 14/6.

TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng, cần phải có thông tin chính xác về cường độ gió, hướng gió và các yếu tố khác mới có thể kết luận nguyên nhân gây ra sự cố là thời tiết hay phi công. Mỗi nguyên nhân cộng hưởng lại sẽ dẫn đến sự cố, nên không thể đổ hết lỗi cho một phía nào.

Hiện, cơ quan không lưu điều khiển theo hình thức flow control – tức máy bay xếp hàng trên trời để chờ đáp nên khả năng bảo đảm an toàn, chính xác cao hơn chứ không phải chờ đợi trên trời. Ngay trước khi máy bay cất cánh, phi công sẽ biết lúc nào hạ cánh, đồng thời tính toán tốc độ bay nhanh hay chậm để đỡ tốn xăng dầu và hạn chế bay vòng trên trời.

“Nhưng có tình huống đặt ra là, nhiều khi dữ liệu về tốc độ gió và các yếu tố khác ở lằn ranh không rõ ràng. Lúc này phi công có thể hạ cánh nhưng cũng có thể chờ khi thấy thời tiết chưa đảm bảo. Nếu phi công lái chắc tay sẽ không để sự cố xảy ra”, ông Tống nói.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, thời điểm chuyến bay VJ322 hạ cánh có mưa to, gió lớn liên tục chuyển hướng. Điều kiện thời tiết này có thể bất lợi với hoạt động cất hạ cánh. Hiện, Cục Hàng không đã lập tổ điều tra sự cố máy bay Vietjet bị trượt khỏi đường băng. Tổ điều tra sẽ giải mã hộp đen, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích dữ liệu chuyến bay để xác định nguyên nhân. Hai phi công người nước ngoài đã tạm đình chỉ công tác, thu bằng lái cho đến khi kết thúc điều tra.

Trưa 14/6, máy bay Vietjet Air sau khi hạ cánh đã chạy ra ngoài đường băng 25L/07R Tân Sơn Nhất. Sự cố khiến 23 chuyến bay đang bay hướng đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng hạ cánh ở các sân bay lân cận như Liên Khương, Cần Thơ; 78 chuyến khác bị gián đoạn hoạt động.

Đến sáng 15/6, hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất trở lại bình thường.

Hữu Công – Đoàn Loan/ VNE 

Đọc nhiều