SpaceX và kỳ vọng về kỳ quan 10 tỷ đô ngay tại Việt Nam

Bảo Trâm 26/09/2023 16:04

Nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 tại thành phố New York (Mỹ) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ và thế giới, trong đó có Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk (chuyên về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh SpaceX chủ động đề xuất mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: VGP

SpaceX muốn mang Starlink tới Việt Nam

Tại cuộc gặp, ông Tim Hughes – Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Quan hệ Chính phủ và Kinh doanh toàn cầu của SpaceX cho biết, tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn được cấp phép đầu tư cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam.

Theo Báo điện tử Chính phủ , Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh SpaceX chủ động đề xuất mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ giao các cơ quan có liên quan trao đổi và hướng dẫn Tập đoàn thực hiện các dự án hợp tác, đầu tư trong khuôn khổ pháp lý; đề nghị tập đoàn góp ý về các chính sách liên quan.

Theo đó, Thủ tướng còn đề nghị SpaceX quan tâm nghiên cứu và đề xuất với các đối tác OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng gửi lời mời Chủ tịch Tập đoàn SpaceX Elon Musk dự Triển lãm Công nghệ Quốc tế tại Việt Nam vào cuối năm nay; đồng thời tạo động lực, truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam trong đổi mới sáng tạo và sử dụng sản phẩm của SpaceX.

“Kỳ quan bên ngoài thế giới”

Theo tờ Economist , hệ thống Starlink được ví như một trong những “kỳ quan bên ngoài thế giới” với 3.335 vệ tinh đang hoạt động , chiếm hơn một nửa tổng số vệ tinh của cả thế giới. Hiện tại, SpaceX đang cung cấp mạng vệ tinh mang tới khả năng truy cập internet tốc độ cao cho người dùng ở 45 quốc gia, với ít nhất 1 triệu người đăng ký.

Theo NASA Space Flight , tổng chi phí của dự án kéo dài một thập kỷ để thiết kế, xây dựng và triển khai được SpaceX ước tính vào tháng 5 năm 2018 là khoảng 10 tỷ USD.

Năm 2012, trong bài thuyết trình tại hội nghị MWC 2021, ông Elon Musk cho biết, SpaceX đã đầu tư 5-10 tỷ USD vào Starlink trước khi dịch vụ này sinh lãi được cho công ty.

Bên cạnh đó, SpaceX sẵn sàng đầu tư tới 30 tỷ USD để mở rộng Starlink, tiến tới phủ sóng mạng lưới này ở gần như mọi nơi trên toàn cầu, “ngoại trừ 2 vùng cực”.

Tờ Nikkei Asia cho hay, SpaceX đang mở rộng đế chế kinh doanh của mình với số vụ phóng vệ tinh gia tăng mạnh, chiếm hơn 60% số vụ phóng vệ tinh trên thế giới (tính từ đầu năm cho tới tháng 7/2023).

Một tên lửa SpaceX có khả năng mang 60 vệ tinh cùng lúc. Trong 6 tháng đầu năm nay, SpaceX đã đưa hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo. Nếu tính từ năm 2019 tới nay thì SpaceX đã đưa gần 5.000 vệ tinh lên không gian và đã xin phép vận hành tổng cộng 42.000 vệ tinh.

SpaceX có rất ít đối thủ cạnh tranh ở mảng vệ tinh viễn thông, đối thủ “nặng ký” nhất có lẽ là Amazon.

Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể cung cấp khả năng truy cập internet tốc độ cao khi chúng quay quanh quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất từ 300-600km – khoảng cách này thấp hơn nhiều so với vệ tinh khí tượng và các vệ tinh khác (chúng thường hoạt động trong quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 36.000km). Để truy cập internet, khách hàng của Starlink chỉ cần lắp đặt ăng-ten 50x30cm.

Starlink là “công nghệ thay đổi cuộc chơi” trong thế giới của kết nối internet. Ảnh: Digital

Hãng tàu du lịch Royal Caribbean Group (Mỹ) và hãng hàng không giá rẻ Zipair Tokyo của Nhật Bản là một vài ví dụ về khách hàng của Starlink. Bên cạnh đó, hệ thống liên lạc vệ tinh này cũng đóng vai trò quan trọng ở Ukraine.

Tờ Aviation Week đánh giá Starlink là “công nghệ thay đổi cuộc chơi” trong thế giới của kết nối internet . Công nghệ tiên tiến này đang cung cấp internet tốc độ cao cho những địa điểm mà trước đây khả năng truy cập internet chậm, hoặc không thể truy cập.

Trong khi đó, IPS Today gọi Starlink là “cuộc cách mạng” trong mạng lưới internet toàn cầu. Nhờ hệ thống này mà Croatia – quốc gia nằm ở Trung và Đông Nam Âu – đã chứng kiến bước chuyển mình lớn. Khả năng truy cập internet được tăng cường đã mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân.

Các doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa của Croatia giờ đây đã có nâng cao hoạt động của mình bằng cách tăng cường sự hiện diện trực tuyến, tham gia vào sàn thương mại điện tử và truy cập vào các dịch vụ dựa trên “công nghệ đám mây (Cloud Computing)” hiệu quả hơn.

Khả năng kết nối mới này giúp các doanh nghiệp ở Croatia mở rộng cơ sở khách hàng, tăng năng suất và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Theo Ookla – nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra tốc độ Internet của Mỹ, xét về tốc độ và chất lượng thì hệ thống internet mà Starlink mang tới có thể so sánh với các dịch vụ trên mặt đất, trong khi nhanh hơn 40% và 50% so với băng thông rộng thông thường ở Anh và Úc.

Do loại bỏ nhu cầu về dây cáp nên mạng lưới internet vệ tinh có lợi thế lớn ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa – nơi cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc kém. Euroconsult – công ty tư vấn ngành công nghiệp vũ trụ – cho biết, số lượng người dùng vệ tinh băng thông rộng dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới, từ 71 triệu người năm 2022 lên 153 triệu người vào năm 2031.

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo thị trường toàn cầu về dịch vụ liên lạc vệ tinh sẽ tăng gấp 13 lần từ năm 2020 đến năm 2040, lên 95 tỷ USD.

SpaceX hiện đang nuôi dưỡng các kế hoạch lớn cho Starlink. Với số lần phóng vệ tinh liên tục tăng, Starlink dự kiến sẽ có phạm vi phủ sóng rộng hơn và tốc độ truy cập internet được cải thiện hơn nữa. Điều này không những hứa hẹn mang tới lợi ích cho những người sống ở vùng sâu vùng xa, mà còn cho những khu vực thường gặp khó khăn trong việc truy cập mạng lưới internet đáng tin cậy.

Bảo Trâm

Đọc nhiều