Việt Nam “3 Nhà nước”: Tự phơi cái đầu rỗng

Komi 18/03/2021 11:00

Nằm trong âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam, thủ đoạn xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên được các đối tượng cơ hội chính trị sử dụng. Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới cuộc bầu cử toàn quốc bầu Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, những thủ đoạn chống phá này càng được đẩy mạnh thực hiện.

Đỗ Ngà - Trước khi xuyên tạc hãy học cho khôn trước đã.
Đỗ Ngà – Trước khi xuyên tạc hãy học cho khôn trước đã.

Vừa qua, đối tượng Đỗ Ngà đăng tải bài viết  “3 nhà nước, 3 gọng cùm, dân thoát đằng trời” xuyên tạc rằng người dân Việt Nam phải chịu cái mà y gọi là ‘tam trùng’ gồm Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) khiến cho “nhân dân bị kìm kẹp, ngân sách bị lãng phí”… Với luận điệu này, Đỗ Ngà đang trực tiếp tuyên truyền tư tưởng ấu trĩ của cá nhân nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng, của MTTQ,  gây ra những nhận thức sai lầm về cơ chế chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước. Bài viết này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, mà trong đó không ít cư dân mạng liên tiếp hưởng ứng gật đầu dù có người còn chẳng hiểu “song trùng”, “tam trùng” mà đối tượng này đang nhắc đến là cái gì.

Trước hết, bài viết của Đỗ Ngà sử dụng khá nhiều thuật ngữ không mấy thông dụng như “song trùng”, “tam trùng”, nhưng thực tế lại đưa ra những suy diễn lệch lạc, sai bản chất. Vì thế trước tiên cần phải cắt nghĩa rõ ràng về những khái niệm trên, để có một sự tiếp cận một cách chính xác nhất:

“Cơ chế song trùng” hay “song trùng trực thuộc” là một thuật ngữ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, theo đó chỉ việc một cơ quan chịu sự quản lý đồng thời, trực tiếp của hai cơ quan; một theo sự quản lý của ngành dọc, và một theo sự quản lý của lãnh thổ theo chiều ngang. Ví dụ như Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (chiều dọc) và sự quản lý của Hội đồng nhân dân cấp xã (chiều ngang); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu sự quản lý của Chính phủ (chiều dọc) và sự quản lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (chiều ngang).

Như vậy, việc Đỗ Ngà đưa ra nhận định rằng “song trùng”, thậm chí “tam trùng” trong tổ chức bộ máy tại Việt Nam là việc hình thành “3 nhà nước” gồm Đảng, Chính phủ và MTTQ là hoàn toàn sai lệch về bản chất của cơ chế “song trùng trực thuộc”. Điều này không mấy lạ lẫm, bởi về góc độ chuyên môn, tác giả Đỗ Ngà cũng chẳng có tí chút bằng cấp hay kiến thức hiểu biết nào để mà bình luận, phán xét.

Chưa hết, Đỗ Ngà cho rằng Đảng, MTTQ được coi như “Nhà nước” vì được tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương. Ở đây, Đỗ Ngà một lần nữa bóp méo thuật ngữ “nhà nước” với chủ đích chính chỉ nhằm tạo ra nhận thức lệch lạc rằng Đảng “cai trị” Đảng viên còn Mặt trận Tổ quốc “cai trị” các hội, nhóm.

Trên thực tế, Hiến pháp nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4), còn MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 9). Vì vậy nên việc hai cơ quan này được tổ chức cùng cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương là hoàn toàn phù hợp với thể chính trị và tổ chức bộ máy tại Việt Nam. Đây là yếu tố giúp củng cố sức mạnh của bộ máy Nhà nước chứ không phải tạo ra “3 Nhà nước” như những gì mà Đỗ Ngà đang suy diễn.

Thứ hai, Đỗ Ngà đưa ra quan điểm phủ nhận vai trò của MTTQ nhưng chỉ bằng những đánh giá chủ quan, không bằng chứng, phi thực tế, thậm chí là vu cáo rằng các tổ chức thuộc MTTQ như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… là những tổ chức “kiểm soát tư tưởng của nhân dân”, “bắt bớ những người bất đồng chính kiến”.

Thực tế thì sao? Trong lịch sử hơn 90 năm hình thành và phát triển, MTTQ đã khẳng định là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Những thành quả thiết thực của MTTQ có thể kể đến như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những cuộc phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” khơi gợi tấm lòng nhân ái và  nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người nghèo. Đó còn là sự chăm lo các gia đình chính sách, người có công, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Tết cổ truyền… Gần đây nhất, trong đại dịch Covid-19, “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” chính là lời kêu gọi từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Và còn đó vô số kết quả thực tế khác là minh chứng cho vai trò không thể thiếu của MTTQ.

Hơn 90 năm qua, MTTQ đã chăm lo cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo.
Hơn 90 năm qua, MTTQ đã chăm lo cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo.

Từ sự “vận dụng” một cách ngớ ngẩn và kệch cỡm những khái niệm mà bản thân cũng chẳng có hiểu biết, Đỗ Ngà tiếp tục tự bóc trần bản chất “lươn lẹo” và kiến thức kém cỏi của mình, và mọi người càng có cơ sở để nhìn thấu bản chất và mục đích phía sau những lời lẽ xuyên tạc của y. Những lời lươn lẹo, thoạt nghe “đao to, búa lớn”, “vì dân, vì nước”, nhưng thực tế lại là đang tấn công vào những cơ quan, tổ chức đại diện cho quyền lợi của chính người dân.

Đỗ Ngà và những kẻ a dua tốt nhất nên dừng lại việc đánh đồng lợi ích của Nhân dân Việt Nam với lợi ích của thiểu số những kẻ muốn đi ngược lại sự phát triển của đất nước như chúng.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều