‘Sống trên vùng nhiều nước mà lại thiếu nước, rất vô lý’

27/03/2020 22:11

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đặt vấn đề như vậy khi trả lời PV về giải pháp ứng phó với hạn – mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sống trên vùng nhiều nước mà lại thiếu nước, rất vô lý - Ảnh 1.
Một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đồng bằng sông Cửu Long có 350 tỉ m3 nước, nhu cầu sử dụng 50 tỉ m3 và còn dư thừa 300 tỉ m3. Như vậy sống trên vùng rất nhiều nước mà vẫn thiếu nước. Đây là một bài toán rất vô lý

Thứ trưởng NGUYỄN HOÀNG HIỆP

Hạn mặn sớm, sâu và ở lâu

Theo ông Hiệp, hạn mặn năm 2019-2020 có 3 đặc điểm là đến sớm, vào sâu và ở lại lâu. Ngay từ cuối tháng 12, nhiều địa phương đã bị xâm nhập mặn, quan trắc một số địa phương hiện đã vào sâu hơn đỉnh điểm năm 2016.

“Như tại Bến Tre, xâm nhập mặn liên tục từ đầu mùa khiến địa phương này chưa có một ngày nào để lấy nước ngọt. Đây là điều rất khác so với nhiều năm”, ông Hiệp nói

Trước tình hình này, Bộ và các địa phương đã phải có những giải pháp để duy trì, trữ nước ngọt. Như đắp 197 đập tại Kiên Giang, 100 đập tạm Bạc Liêu để cân đối trữ nước ngọt đến từng xã, huyện.

“Đây là giải pháp rất quan trọng để đến giờ cơ bản các địa phương vẫn có nước sinh hoạt, nước sản xuất và nước tưới cho cây công nghiệp, cây lâu năm”, ông Hiệp nói

Sống trên vùng nhiều nước mà lại thiếu nước, rất vô lý - Ảnh 3.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo ông Hiệp, sau hạn mặn năm 2015-2016, Bộ đã đầu tư 11 công trình lớn để điều tiết hạn mặn, ngọt. Hiện có 5 công trình đưa vào sử dụng trước thời hạn từ 8-14 tháng, đã giải quyết được 300.000 ha lúa.

Cống Ninh Qưới đưa vào sử dụng trước 14 tháng đã kịp thời giải quyết hạn mặn cho Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Dự tính ban đầu, có khoảng 89.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, nhưng thời điểm hiện tại cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều vì bà con đã có các biện pháp tích nước và cân đối nước ngọt cho cây.

Đối với nước sinh hoạt, dự kiến có 96.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là không để hộ dân nào thiếu nước uống. Đến thời điểm này, có thể khẳng định không một hộ dân nào thiếu nước uống.

Đang nghiên cứu hồ chứa nước lớn

Theo ông Hiệp, hiện nay nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong đã thay đổi, cộng nước biển dâng, hạn mặn sẽ ngày càng khốc liệt và tần suất ngắn lại.

Về lâu dài, để chống sụt lún và hạn mặn, cần có giải pháp phi công trình và công trình. Cần phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và hướng đến nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không phải chỉ nước ngọt.

Tuy nhiên, phải không chế được ranh mặn – ngọt cố định và để làm được việc này, phải có giải pháp công trình.

Sống trên vùng nhiều nước mà lại thiếu nước, rất vô lý - Ảnh 4.
Một hệ thống cống ngăn mặn nằm sâu trong nội đồng ở Vĩnh Long – Ảnh: CHÍ HẠNH

Ông Hiệp cho biết Bộ đang nghiên cứu kiến nghị xây dựng hồ chứa lớn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Quan điểm của Bộ là cân bằng nước, tích nước không tập trung.

“Mùa kiệt như năm nay, đồng bằng sông Cửu Long vẫn có 350 tỉ m3 nước, nhu cầu sử dụng mất 50 tỉ m3 và còn dư thừa 300 tỉ m3. Như vậy sống trên vùng rất nhiều nước mà lại thiếu nước. Đây là một bài toán rất vô lý”, ông Hiệp dẫn chứng.

Từ đó, ông Hiệp cho biết trước mắt phải cân bằng, tích nước bằng cách không tập trung, thậm chí cân đối nước đến hộ gia đình.

“Những chỗ không thể có nước thì phải dùng bể nước. Hiện Bộ đang cho làm và nghiên cứu xây dựng bể 5 – 10 m3 nước. Có thể nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sỏi, còn người dân tự xây xem kinh phí hết bao nhiêu. Ví dụ năm nay khoảng 100.000 hộ không có nước thì 100.000 bể xây lên không đáng bao so với đầu tư của nhà nước”, ông Hiệp nói

Sống trên vùng nhiều nước mà lại thiếu nước, rất vô lý - Ảnh 5.
Người dân các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang lấy nước ngọt miễn phí tại các vòi nước công cộng về xài – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đối với sinh hoạt và sản xuất, Bộ và các địa phương sẽ tính toán, cân bằng nước đến xã, huyện, tỉnh.

“Đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt, nên nhiều đoạn kênh cụt, không liên quan đến giao thông thì trước đắp đập tạm, nhưng về lâu dài sẽ làm cống đóng mở. Như tại Bến Tre đang đắp đập tạm ở đầu 2 khúc sông, có thể trữ 1 tỉ mét khối nước. Và số nước này chỉ dùng trong 3 tháng thiếu nước”, ông Hiệp nói

Thứ trưởng Hiệp khẳng định Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết trước Thủ tướng đến 2023, tỉnh Bến Tre (tỉnh hạn mặn nặng nhất) không để tình trạng mặn toàn tỉnh như hiện tại, mà sẽ hết hạn mặn toàn tỉnh. Đến 2025, cơ bản sẽ giải quyết không để tình trạng này ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thoát hiểm ngoạn mục vụ lúa đông xuân

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết trước dự báo hạn mặn khốc liệt, Bộ cùng với các địa phương đã thảo luận và đưa ra một loạt các giải pháp như đẩy thời vụ đông xuân năm 2019-2020 lên sớm.

Đặc biệt với các tỉnh ven biển, Bộ đã chỉ đạo Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, các viện và các địa phương tính toán thời gian dự kiến xâm nhập mặn, sau đó lên lịch gieo trồng cụ thể, ngay trong tháng 10 đã xuống giống khoảng 300.000 ha.

Trong cơ cấu giống, yêu cầu dứt khoát phải dùng giống ngắn ngày và có khả năng chịu mặn. Ngoài ra, chuyển đổi không trồng lúa 50.000 ha sang trồng cây hoa màu, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực xâm nhập mặn rất nặng.

“Đến thời điểm này, gần như chúng ta đã thoát hiểm ngoạn mục vụ lúa đông xuân. Thiệt hại về lúa chỉ 30.000 ha và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015-2016 là 400.000 ha. 1,5 triệu ha lúa gieo trồng đã thu hoạch gần xong, năng suất lúa đạt 7tấn/ha, năng suất còn cao hơn so với năm 2019”, ông Doanh nói.

ĐỨC BÌNH – CHÍ TUỆ/TT

Đọc nhiều