“Sóng ngầm” trong chiến lược hạt nhân đối phó Nga và Trung Quốc của Mỹ

07/11/2021 07:05

Cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hạn chế vai trò của vũ khí hạt nhân đang đối mặt với sự phản đối từ các quan chức Lầu Năm Góc và những đồng minh của họ. Những người này cho rằng, thay vì cắt giảm hạt nhân, cần giữ nguyên hiện trạng trước sự tăng cường lực lượng của Nga và Trung Quốc.

Các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Biden sẽ sớm xem xét những trường hợp mà Mỹ có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số những lựa chọn này có đề cập đến chính sách “không sử dụng trước vũ khí hạt nhân” hoặc tuyên bố rằng, “mục đích duy nhất” của vũ khí hạt nhân là ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân, cũng như không sử dụng chúng để phản ứng trước các cuộc chiến theo quy ước hoặc tấn công chiến lược, chẳng hạn như tấn công mạng.

Cả hai lựa chọn này đều sẽ đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng so với lập trường hiện tại, vốn áp dụng một cách có chủ đích chiến lược mập mờ hạt nhân về việc Mỹ sẽ tấn công trước hoặc nắm giữ vũ khí nguyên tử để “răn đe các cuộc tấn công hạt nhân và phi hạt nhân”.

Theo một quan chức Nhà Trắng nhận định với Politico, Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch sẽ triệu tập một cuộc họp cấp cao về chính sách hạt nhân trong tháng này.

Tuy nhiên, sự mở rộng khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong những tháng gần đây cùng với nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí của Nga đã ngày càng củng cố lập trường của các nhà lãnh đạo quân sự, những người phản đối bất kỳ sự thay đổi chính sách nào, cũng như phản đối quyết định cắt giảm các thế hệ tên lửa mới, máy bay ném bom và các vũ khí nguyên tử khác.

Nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng, Tổng thống Biden, với kinh nghiệm trong hàng thập kỷ, sẽ lựa chọn để lại dấu ấn của mình trong chiến lược hạt nhân. Tuy nhiên, những điều ông lựa chọn sẽ phụ thuộc vào những gì mà ông có trong tay. Hiện nay, dường như Lầu Năm Góc không muốn cho Tổng thống Biden nhiều sự lựa chọn.

“Chính sách không sử dụng trước hoặc mục đích duy nhất không phải là những lựa chọn của chúng ta”, một quan chức Lầu Năm Góc nhận định.

Tham vọng của Biden

Tổng thống Biden đã khẳng định ngay từ đầu nhiệm kỳ rằng ông muốn đi theo quan điểm đã đặt ra từ lâu của mình, đó là hạn chế vai trò của vũ khí hạt nhân và nguy cơ xung đột.

“Chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp nhằm làm giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời đảm bảo răn đe chiến lược vẫn an toàn, đảm bảo an ninh và hiệu quả, cũng như đảm bảo các cam kết của chúng ta với các đồng minh đủ mạnh mẽ và đáng tin cậy”, Tổng thống Biden nói hồi tháng 3/2021.

Trước đây, Tổng thống Biden cũng từng công khai cân nhắc đến chính sách không sử dụng trước vũ khí hạt nhân.

“Với các khả năng phi hạt nhân của chúng ta và bản chất của các mối đe dọa ngày nay, thật khó để tưởng tượng đến viễn cảnh Mỹ cần sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.

Những người ủng hộ Tổng thống Biden cho rằng, nếu Mỹ tuyên bố sẽ không bao giờ tấn công trước, điều này sẽ làm giảm căng thẳng hạt nhân và làm hạ nhiệt cuộc chạy đua vũ trang. Họ cũng nhận định, chiến lược mơ hồ hiện nay có thể châm ngòi cho những hiểu lầm trong trường hợp cảnh báo sai hoặc làm dấy lên một cuộc chiến hạt nhân ngẫu nhiên.

Những người phản đối lập trường của Tổng thống Biden lại cho rằng, việc từ bỏ chính sách mập mờ chiến lược sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc răn đe các đối thủ hạt nhân và hiện không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc hoặc Nga sẽ thay đổi hành vi của họ. Những người này cũng đưa ra đánh giá tương tự nhằm phản đối việc vạch ra các mối đe dọa cụ thể cần phản ứng hạt nhân.

Lầu Năm Góc thiếu câu trả lời

Các thành viên trong Quốc hội Mỹ đã bắt đầu phàn nàn về việc chính quyền Tổng thống Biden chưa vạch ra những nội dung chi tiết trong quá trình đánh giá về chính sách hạt nhân.

“Đánh giá Chính sách Hạt nhân phải phản ánh chỉ dẫn của Tổng thống nhằm “làm giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quốc gia của chúng ta”, Thượng nghị sĩ Ed Markey – một thành viên trong Hội đồng Đối ngoại Quốc gia, đồng thời là đồng chủ tịch Nhóm Chuyên viên đánh giá về Vũ khí hạt nhân nhận định với Politico.

Ông Markey đã gửi một bức thư tới Tổng thống Biden hồi tháng 9 yêu cầu giải thích rõ ràng hơn về việc Lầu Năm Góc loại bà Leonor Tomero khỏi vị trí mà bà phụ trách trong quá trình đánh giá chính sách hạt nhân. Bà Tomero – một quan chức phụ trách chính sách hạt nhân lâu năm trước đó từng làm việc cho Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith, người đề xuất dự luật ủng hộ chính sách không sử dụng trước vũ khí hạt nhân.

Bản đánh giá do Lầu Năm Góc phụ trách hiện do ông Richard Johnson đứng đầu – một chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt, người từng hỗ trợ đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng không được coi là một chuyên gia về răn đe hạt nhân hay vũ khí chiến lược.

Bức thư của ông Markey được đưa ra sau khi một số nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại rằng ngân sách của Lầu Năm Góc đang dồn hết cho các chương trình hạt nhân và thuyết phục Tổng thống tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm vai trò của vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Uriah Orland đã phản hồi rằng, Bộ Quốc phòng “cam kết sẽ thông tin đầy đủ tới Quốc hội về những đánh giá của chúng tôi và sẽ tổ chức họp báo khi bản đánh giá này hoàn tất”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tin tưởng rằng: “Tổng thống sẽ đưa ra những lựa chọn đã được tham vấn các đồng minh và đối tác, cũng như được ủng hộ mạnh mẽ trong quá trình đánh giá giữa các cơ quan”.

Dù vậy, một quan chức trong Bộ Quốc phòng cho rằng, việc áp dụng chính sách không sử dụng trước hoặc mục đích duy nhất “không phải là chính sách phù hợp và sẽ gây nguy hiểm cho chiến lược răn đe hạt nhân của chúng ta. Các đồng minh không muốn chúng ta áp dụng lập trường này. Gần như tất cả mọi người ở Bộ Quốc phòng đều cho rằng cả hai lựa chọn đều là những ý tưởng tồi tệ cũng như không tốt cho nước Mỹ”.

Tổng thống Biden. Ảnh: Getty
Tổng thống Biden.

Nhân tố Nga và Trung Quốc

Những tiến bộ mạnh mẽ của Trung Quốc trong phát triển hạt nhân đã làm phức tạp thêm những cuộc tranh luận về việc Mỹ thay đổi chính sách. Lầu Năm Góc cảnh báo trong một báo cáo mới ngày 3/11 rằng, Trung Quốc đang trong lộ trình tăng quy mô kho hạt nhân gấp 5 lần trong thập kỷ tới với khoảng 1.000 đầu đạn.

Báo cáo này cũng dẫn ra sự phát triển của bộ ba hạt nhân của Trung Quốc, tương tự như Mỹ và Nga, có thể mang vũ khí hạt nhân được phóng từ đất liền, trên biển và trên không.

Một mối lo ngại khác của Mỹ là mục tiêu hiện đại hóa hạt nhân đầy tham vọng cùng với lập trường ngày càng cứng rắn của Nga những năm gần đây.

Hồi tháng 1, Tổng thống Biden đã nhất trí với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới, vốn hạn chế cả hai chỉ được sở hữu 1.550 đầu đạn chiến lược đã triển khai. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi ban đầu nhằm tìm kiếm những hạn chế mới với các loại vũ khí khác đạt được rất ít tiến triển.

Tuần này, Moscow đã kêu gọi Mỹ nên giảm bớt sự mập mờ trong việc xác định khi nào sẽ sử dụng các vũ khí chiến lược.

Các quan chức kỳ cựu về chính sách hạt nhân đều nhận thấy con đường khó khăn của Tổng thống Biden để thực hiện quan điểm của mình về vũ khí hạt nhân.

Robert Einhorn, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người từng tham gia Đánh giá Chính sách Hạt nhân dưới thới chính quyền cựu Tổng thống Obama cho rằng, việc áp dụng chính sách không sử dụng trước hiện sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

“Năm nay, các điều kiện để thực hiện chính sách này đã suy giảm và những người ủng hộ chính sách không sử dụng trước sẽ khó có thể chiếm ưu thế như năm 2010 và thậm chí càng khó khăn hơn trong năm 2022”, Einhorn, học giả cấp cao tại Viện Brookings bình luận.

Ngoài ra, ngày càng nhiều thành viên đảng Dân chủ có lập trường cứng rắn trong Quốc hội cũng là một trở ngại với Tổng thống Biden.

Quyết định cuối cùng

Một số người thuộc “phe diều hâu”, những người muốn duy trì tình trạng hạt nhân hiện nay, hoặc thậm chí gia tăng kho hạt nhân của Mỹ, hiện không chắc liệu Tổng thống Biden có từ bỏ quan điểm của mình hay không.

Một cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Trump dự đoán, họ sẽ “từ bỏ chính sách không sử dụng trước” những sẽ thực hiện chính sách “mục đích duy nhất”.

Trên thực tế, các cố vấn Nhà Trắng cho rằng, Tổng thống Biden sẽ là người quyết định cuối cùng.

“Đây là bản đánh giá chính sách của Tổng thống. Không có quan điểm hay chiến lược nào được đưa ra mà lại không nhất quán với chỉ đạo, ưu tiên và mục tiêu chính sách của Tổng thống”, Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia bình luận.

Một nguồn tin thân cận khác thì cho rằng đội ngũ đánh giá chính sách hạt nhân hiện nay “sẽ còn một chặng đường dài để đưa ra bất kỳ quyết định nào”.

(Theo Politico)

Đọc nhiều