148628
topics
558079

Sống chung với Covid: Khắc phục tình trạng “vì một cây sâu mà đốn cả khu rừng”

14/10/2021 11:15

Việc áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’ như “liều thuốc” chữa được căn bệnh cát cứ, cục bộ, mỗi nơi thực hiện một kiểu như thời gian qua cũng như khắc phục được tình trạng “vì một cây sâu mà đốn cả khu rừng”, phát hiện một người nhiễm Covid-19 mà đóng cửa cả nhà máy hàng nghìn người hay vì một số ca mắc mà giãn cách cả huyện

Không có người nào, địa phương nào, quốc gia nào an toàn nếu người khác, địa phương khác, quốc gia khác vẫn đang phải chống dịch”.

Đó là lý do “phải thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19”, được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến gần đây.

Người tiêu dùng tự tay lựa chọn thịt cá tươi sống trong khu chợ được kiểm soát nghiêm ngặt về chống dịch ở quận 5

Trước sự tấn công của biến chủng delta, hàng loạt tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian dài, trong đó có đầu tàu kinh tế TP.HCM và nhiều tỉnh thành vốn tập trung số lượng lớn khu công nghiệp, khu kinh tế.

Khi TP.HCM và các tỉnh miền Nam ốm thì cả nước đã không thể khỏe mạnh. Một cú sốc kinh tế dây chuyền, gây nên sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội. Hậu quả là tăng trưởng GDP quý III âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước; hàng triệu lao động mất việc làm…

Đầu tháng 10 tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong cả nước. Trước hậu quả nặng nề của dịch bệnh cùng với tình hình mới này, Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi”.

Sự thay đổi này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Điều đó cũng có nghĩa là quan điểm chống dịch được chuyển từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid”; từ quản lý “không Covid-19” sang quản lý rủi ro.

Nghị quyết 128 nêu rõ 4 cấp độ dịch, đi kèm với đó là những quy định về cách “đối nhân xử thế” ứng với từng cấp độ một cách phù hợp, linh hoạt.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có thể đối chiều vào các quy định theo 4 cấp độ dịch để biết được việc này được làm, việc kia không được làm và làm như thế nào để thích ứng với tình hình dịch bệnh một cách an toàn nhưng vẫn đảm bảo những sinh hoạt “bình thường mới” của đời sống xã hội.

Chính quyền địa phương cũng soi vào đó để đưa ra các biện pháp điều hành, quản lý phù hợp để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Điểm đáng chú ý là Chính phủ yêu cầu tạm thời không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cấp bách cũng như tạm thời không thực hiện các Chỉ thị 15,16, 19 – những giải pháp mạnh theo quan điểm “zero Covid”.

Bạn trẻ Sài Gòn hào hứng trở lại phòng tập gym sau thời gian dài “nghỉ ngơi”

Thay vào đó là Chủ tịch UBND tỉnh, thành dựa vào 4 cấp độ dịch được nêu trong Nghị quyết để đưa ra các quyết định cách ly y tế vùng nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể.

Điều này tránh được sự lúng túng, bị động mà một số  địa phương gặp phải trong thời gian qua. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng “vì một cây sâu mà đốn cả khu rừng”, phát hiện một người nhiễm Covid-19 mà đóng cửa cả nhà máy hàng nghìn người hay vì một số ca mắc mà giãn cách cả huyện.

Các quy định nêu trong Nghị quyết được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc sẽ giống như “liều thuốc” chữa được căn bệnh cát cứ, cục bộ, mỗi nơi thực hiện một kiểu như thời gian qua.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng cực đoan thái quá, Nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương muốn áp dụng biện pháp cao hơn Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng.

Với những quan điểm mới trong phòng chống dịch “vừa mở, vừa đóng” một cách linh hoạt như vậy, hy vọng mục tiêu kép Chính phủ đặt ra: Vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; vừa khôi phục và phát triển kinh tế xã hội để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sẽ sớm đạt được.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều