148628
topics
553459

Sống chung với Covid-19: Nhiều tỉnh vẫn rụt rè!

27/09/2021 11:42

Mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đang căng thẳng, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, mặc dù khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh tế là yêu cầu bắt buộc nhưng nhiều địa phương vẫn đang e dè.

Xác định COVID-19 là “phần tất yếu” của cuộc sống nhưng hầu hết các địa phương vẫn “cửa đóng then cài” phòng chống dịch. Việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất tiêu cực đến tình hình kinh tế và xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã đến lúc mở cửa trở lại nền kinh tế và học cách sống chung với dịch bệnh trong điều kiện mới.

Nhiều địa phương chưa sẵn sàng

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khắp cả 3 miền và kéo một hồi suốt gần nửa năm trời vẫn chưa có dấu hiệu bị dập tắt. “Bão COVID” kéo dài dai dẳng, các địa phương lên dây cót tinh thần chấp nhận “sống chung” với dịch.

Thực tế cho thấy, mỗi khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn bớt căng thẳng, các tỉnh, thành không ngần ngại mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh (kể cả không thiết yếu) nhằm tạo điều kiện cho người dân có kế sinh nhai. Tuy nhiên, mở cửa kinh tế trong thời buổi dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, là việc không hề dễ dàng. Chưa kể, hoạt động giao thương giữa các địa phương với nhau liên tục đứt gãy vì dịch bất ngờ tái bùng phát.

Đơn cử, mới đây, nhận thấy dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, UBND tỉnh Thái Bình cho phép mở trở lại một số dịch vụ như rạp chiếu phim, xông hơi, massage, cơ sở làm đẹp…, từ 12h ngày 22/9.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 22/9, khi tỉnh Hà Nam xuất hiện chùm ca bệnh, lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngay lập tức tạm dừng triển khai nội dung trên.

“Hà Nam có nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trường học chưa rõ nguồn lây. Việc tạm dừng là để bảo vệ an toàn cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh”, công văn nêu rõ.

Ngay cả TP.HCM, nơi mà độ phủ vaccine từ 18 tuổi trở lên đã đạt 100% thì cũng chỉ là từng bước mở cửa nền kinh tế. Phương châm của thành phố là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn. Và dù cho các doanh nghiệp kêu khóc, thì hiện nay lộ trình mở cửa kinh tế TP.HCM vẫn theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022 và giai đoạn sau đó.

Hay như Quảng Ninh, một trong số các tỉnh thành đã phủ được vaccine, thì cũng chỉ mới dè dặt chỉ đạo UBND các địa phương xem xét cho mở lại một số hoạt động dịch vụ (trừ quán bar, vũ trường, karaoke, massage, dịch vụ Internet, trò chơi điện tử…) có kiểm soát chặt chẽ (đón khách không quá 50% công suất) với quy trình phòng, chống dịch hiệu quả.

Trên thực tế, ngay cả những địa bàn có độ phủ vaccine diện rộng thì việc mở cửa vẫn còn rất e dè, bởi như một lãnh đạo chia sẻ, dù cố gắng làm tốt đến đâu thì bản thân ông cũng không biết khi nào dịch lại… bùng. Nỗi lo, nỗi sợ, sự ám ảnh của TP.HCM vẫn hiện hữu hàng ngày khiến cho việc mở cửa vẫn cứ dùng dằng mãi, không ai dám quyết.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nếu muốn có một kịch bản chung cho việc mở cửa thì vaccine là điều kiện tiên quyết, và việc tiêm chủng ở các tỉnh phải bình đẳng như nhau. Bởi hiện tại nhân lực, vật lực từng địa phương khác nhau, cơ sở vật chất, năng lực khám chữa bệnh khác nhau, diễn biến dịch bệnh cũng khác nhau. Sẽ rất khó cho lãnh đạo các tỉnh nếu mở cửa trong tình trạng này khi mà độ phủ vaccine còn quá ít. E là không có lãnh đạo tỉnh nào dám đi đầu mở cửa.

Trong số các khó khăn, vướng mắc khiến việc mở cửa kinh tế không thể đồng loạt triển khai trên khắp cả nước thì quy định đi lại giữa các địa phương cũng là một rào cản không nhỏ.

Thực tế ngay chính việc đi từ Hà Nội về đến các tỉnh lân cận dù có tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng còn là chuyện khó. Một số tỉnh thành cũng mới ban hành công văn về việc bổ sung biện pháp giám sát y tế đối với người từ khu vực có dịch đã tiêm 2 mũi vacine phòng COVID-19 đến địa bàn, vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày; tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày.

Rõ ràng, với quy định mang tính khắt khe trên thì hoạt động giao thương giữa các địa phương sẽ vô cùng khó khăn.

Mở cửa thế nào cho an toàn?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thời gian giãn cách xã hội càng kéo dài thì khả năng phá sản của doanh nghiệp càng lớn, không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả với các doanh nghiệp lớn. Khả năng chống đỡ về mặt tài chính của các cá nhân và hộ gia đình càng khó khăn, vấn đề an sinh xã hội càng trở nên cấp bách. Ngừng trệ sản xuất dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều người dân mất việc, không có thu nhập. Môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng.

Theo chuyên gia, mở cửa thực chất là khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tái khởi động lại nền kinh tế sau thời gian dài phong toả, giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19. Điều này không có nghĩa là giảm đi tầm quan trọng của chống dịch mà chính là giúp nền kinh tế hồi phục, từ đó có đủ nguồn lực chống dịch.

Tuy nhiên, mở cửa trở lại kinh tế thì ưu tiên trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch để giữ được những thành quả chống dịch trong thời gian qua. Cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trước hết, phải triển khai tiêm vaccine rộng rãi trong cộng đồng tại các thành phố lớn, có mật độ dân cư cao, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có lượng lao động tập trung đông, tốt nhất là phải tiêm đủ 2 mũi và có đủ thời gian để vaccine phát huy hiệu quả. Muốn làm được điều này, cần chuẩn bị nguồn lực vaccine đủ cho các đợt tiêm chủng.

Theo PGS.TS Thịnh, lộ trình mở cửa lại nền kinh tế có vai trò rất quan trọng của chính quyền cấp tỉnh, thành. Bởi họ sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình dịch tễ địa phương nên dễ dàng đưa ra các quyết định cụ thể để vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Chính quyền các tỉnh thành mới là người nắm chắc tình hình địa phương mình, từ đó đưa ra được các mục tiêu, giải pháp cụ thể….”, ông Thịnh cho hay.

Góp ý cụ thể, ông Thịnh cho rằng chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố có thể lựa chọn các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để thực hiện mở cửa trở lại sản xuất phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Trước hết, cho phép các khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các vùng an toàn (vùng xanh) được trở lại sản xuất bình thường cùng với việc thực hiện các biện pháp 5K.

Mở cửa kinh tế - vì sao nhiều tỉnh chưa sẵn sàng? - 2
Cần cho ngành thương mại, dịch vụ, các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, tiệm hớt tóc, spa… hoạt động trở lại.

Cùng với biện pháp tiêm chủng mở rộng vaccine đủ 2 liều, có thể thu hẹp tới mức tối đa vùng đỏ, bóc tách và điều trị tích cực, chủ động cho các F0, dần tiến tới trạng thái “bình thường hóa mới” hoạt động kinh tế xã hội.

Đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành nghề để thực hiện mở cửa trở lại sản xuất phù hợp. Chẳng hạn, với ngành nghề sản xuất nhu yếu phẩm, sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu… nên ưu tiên mở cửa trước để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng đã ký kết với bạn hàng trong nước cũng như nước ngoài.

Ngành thương mại, dịch vụ, các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, tiệm hớt tóc, spa… cũng từng bước cho hoạt động trở lại nhưng phải tuân thủ các quy định về quy mô, điều kiện giãn cách, thực hiện 5K.

Trong khi đó, tại các địa phương vẫn còn vùng có nguy cơ cao (vùng đỏ) và việc một bộ phận lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, để việc bình thường hóa hoạt động mở cửa lại sản xuất, các doanh nghiệp có thể tạm thời cho phép lao động đang sinh sống ở vùng đỏ nghỉ việc tạm thời, hoặc bố trí một tỷ lệ nhất định thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và hạn chế được vùng đỏ sẽ cho áp dụng các biện pháp bình thường mới.

Đẩy mạnh công cuộc số hóa và áp dụng các hình thức hóa đơn điện tử, số hóa chữ ký, sử dụng công nghệ cao trong việc cung cấp và kiểm tra các giấy tờ, thủ tục hành chính.

Trường hợp có F0 thì xử lý bình thường như một người mắc bệnh chứ không đóng cửa, vì người lao động đã được tiêm vaccine thì khả năng diễn biến nặng rất ít. Lúc đó, người lao động bị F0 sẽ được đưa vào khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tại khu vực mà doanh nghiệp bố trí sẵn hoặc đưa tới các bệnh viện nếu quá nặng với quy trình đơn giản và nhanh nhất.

Ngoài ra cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận, mua được những vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch chất lượng với giá hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay các công ty tự đi tìm mua, thường chịu sự tăng giá, ép giá, rủi ro mua phải hàng kém chất lượng dẫn đến không có hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh công cuộc số hóa và áp dụng các hình thức hóa đơn điện tử, số hóa chữ ký, sử dụng công nghệ cao trong việc cung cấp và kiểm tra các giấy tờ, thủ tục hành chính.

Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, chi phí vận chuyển, chi phí logistic, chi phí bến bãi, kho tàng… Đồng thời, cùng với các chính sách hỗ trợ về lãi suất, về vay nợ, chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí…của Chính phủ giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục và phát triển sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không thể không mở cửa

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định: Việc đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường là yêu cầu bắt buộc, cần có lộ trình rõ ràng và đảm bảo quản lý được rủi ro.

“Việt Nam phải xác định lộ trình rõ ràng để các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Tuy vậy để vừa khống chế dịch vừa khôi phục lại hoạt động sản xuất cần mở cửa dần, gắn kiểm soát để đảm bảo an toàn”, ông Thành nói.

Mở cửa kinh tế - vì sao nhiều tỉnh chưa sẵn sàng? - 4
Việc đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường là yêu cầu bắt buộc, cần có lộ trình rõ ràng và đảm bảo quản lý được rủi ro.

Nhận định mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác do các biến thể của dịch bệnh ngày càng phức tạp, luôn luôn thay đổi nên rất khó để có thể triệt tiêu hoàn toàn, nhưng để đạt hiệu quả và tránh rủi ro, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, Chính phủ phải hết sức nhất quán trong tư duy chống dịch COVID-19.

“Chúng ta đã xác định sống chung lâu dài với COVID-19 thì quan điểm này, tư duy này phải nhất quán. Chính phủ cũng cần nêu rõ, sống chung, sống an toàn cụ thể là như thế nào, phải có chiến lược rất cụ thể, không được nói chung chung vì nói chung chung là mỗi địa phương làm một kiểu”, ông Lực nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), phân tích: Trong các biện pháp chống dịch của Chính phủ, cần phân biệt hai mức độ: phong toả (cấm mọi người đi ra ngoài, cấm làm việc, cấm tiếp xúc…) và giãn cách xã hội (vẫn cho các doanh nghiệp làm việc, giữ 5K, tiêm vaccine…).

“Hiện nay, chúng ta đang chuyển từ phong tỏa qua giãn cách theo mức độ nhẹ nhàng hơn. Theo tôi, Chính phủ nên rà soát xem tình hình kiểm soát đến đâu, mức độ thế nào để áp dụng các biện pháp thích hợp hơn. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine một cách tập trung cho công nhân, người lao động để duy trì sản xuất”, ông Doanh đề xuất.

Đừng sợ trách nhiệm, đừng lo mất “ghế”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng câu chuyện “mở cửa” tại các địa phương có thể sẽ gặp trở ngại do một số lãnh đạo tỉnh, thành có tâm lý chờ trung ương chỉ đạo, hoặc lo sợ trách nhiệm, không “dám nghĩ dám làm”.

“Một vấn đề phát sinh trong thực tế phòng, chống dịch thời gian qua là có lãnh đạo quá lo lắng, ngại chịu trách nhiệm. Nên chỉ cần có 1, 2 ca F0 là cuống cả lên, rồi đóng cửa, phong toả hàng loạt… Nhiều địa phương có tư tưởng như vậy và tâm lý đó. Chỉ vì 1, 2 ca F0 mà phong toả cả tỉnh, cả huyện sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, tê liệt. Tất nhiên, ở nhiều địa phương hiện nay tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, họ chọn phương án phong toả, cách ly để đảm bảo an toàn là tốt”, ông Thịnh nói.

Mở cửa kinh tế - vì sao nhiều tỉnh chưa sẵn sàng? - 5
Các địa phương nên chủ động xây dựng kịch bản tái sản xuất, kinh doanh.

Ông Thịnh cũng cho rằng các địa phương nên chủ động xây dựng kịch bản tái sản xuất, kinh doanh chứ không nên trông chờ vào Chính phủ. Chính phủ dù sâu sát đến mấy nhưng không thể nào nắm bắt đầy đủ tình hình địa phương bằng chính lãnh đạo địa phương đó.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho rằng địa phương nào dịch diễn biến phức tạp, khả năng dịch phát triển mạnh thì phải cẩn giận, áp dụng các biện pháp phong toả, giãn cách. Nhưng nơi nào dịch bệnh đã được kiểm soát tốt thì cho mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mỗi địa phương phải tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể để hành động. Địa phương có quyền trong tay mà chờ Chính phủ chỉ đạo sao được, điều đó là thiếu trách nhiệm. Mình quản lý địa bàn, mình nắm chắc tình hình thì lên chương trình hành động cho phù hợp, chứ Chính phủ chỉ có ý kiến chung về các việc cần phải làm còn địa phương phải có chính sách phù hợp điều kiện thực tế.

“Trách nhiệm địa phương là phải xây dựng kịch bản, lên phương án phòng chống dịch và khôi phục sản xuất chứ không nên e sợ”, ông Thành nói.

Thành Ân

Đọc nhiều