262
topics
512410

Sơn La đề xuất đầu tư cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu bằng ngân sách

20/04/2021 10:15

Do khó huy động vốn xã hội hóa nên tỉnh Sơn La đề xuất chuyển cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sang đầu tư bằng vốn ngân sách.

Ngày 20/4, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, UBND tỉnh Sơn La đã kiến nghị Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo Luật Đầu tư công.

Theo đó, đoạn đầu tuyến dài 19 km (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công, do tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư. Đoạn giữa tuyến dài 34 km (thuộc tỉnh Hoà Bình), bao gồm 2 cầu vượt lòng hố Sông Đà, công trình hầm, nền, mặt đường, tỉnh kiến nghị đầu tư bằng vốn ODA.

Đoạn cuối tuyến dài 32 km thuộc tỉnh Sơn La đầu tư bằng vốn ngân sách, do tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư.

Cao tốc Hòa Bình - Sơn La sẽ kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay. Ảnh: Bá Đô
Cao tốc Hòa Bình – Sơn La sẽ kết nối với đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện nay. Ảnh: Bá Đô

Dự án có tổng mức đầu tư 21.577 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động là 11.627 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia là 9.950 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng một phần tuyến chính.

Tỉnh Sơn La từng dự kiến sử dụng vốn xã hội hóa cho đoạn giữa tuyến. Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tham gia do đây là đoạn tuyến có nhiều công trình hầm, cầu, suất đầu tư lớn; trường hợp tách thành các dự án khác nhau sẽ không đảm bảo thu phí kín do đoạn đầu và cuối tuyến đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

Giữa năm 2019, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, dài khoảng 85 km, đi qua tỉnh Hòa Bình và Sơn La; giai đoạn một xây dựng quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn hai triển khai khi lưu lượng giao thông tăng cao.

Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu được kỳ vọng giải quyết nhu cầu vận tải và kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho quốc lộ 6. Tuyến cao tốc sẽ kết nối với đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện nay.

Trong hai năm qua đã có một số dự án cao tốc không tìm được nhà đầu tư khiến cơ quan chủ quản phải đề xuất hướng đầu tư công, như các các dự án cao tốc Bắc Nam đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn – Diễn Châu (Nghệ An), Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Thọ – Tuyên Quang.

Nhận định dự án PPP giao thông không hấp dẫn nhà đầu tư, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI), cho rằng thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư là huy động vốn tín dụng. Các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, đơn cử dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 101 km, tổng mức đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng, thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng, nên khó vay vốn.

Trong khi đó, thời gian qua nhiều dự án BOT đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính đề ra ban đầu.

Anh Duy

Tags :
Đọc nhiều