130115
topics
378637

Số người chết vì virus ở Mỹ vượt vụ khủng bố 11/9, ca nhiễm gấp đôi TQ

Ngọc Hoàng 31/03/2020 07:49

Số ca tử vong vì virus corona tại Mỹ lên tới 3.008 hôm 30/3, vượt số nạn nhân chết trong vụ khủng bố 11/9 khi Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc bị tấn công năm 2001.

Mỹ có số ca nhiễm gấp đôi Trung Quốc

Số người chết vì virus tại Mỹ đã lên đến 3.008 hôm 30/3, theo thống kê được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins. Con số này đã vượt số nạn nhân tử vong trong vụ khủng bố 11/9 chấn động ở Mỹ (gần 3.000 người).

Mỹ cũng đang là nước đứng đầu về tổng số ca nhiễm, với 163.429 ca, cao hơn các nước Italy, Tây Ban Nha và gấp đôi Trung Quốc.

Số ca tử vong vì virus corona tại Mỹ lên tới 3.008 hôm 30/3, vượt số nạn nhân chết trong vụ khủng bố 11/9

Thành phố New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ với hơn 38.000 ca nhiễm và 914 người đã tử vong, theo Đại học John Hopkins.

“Đừng chỉ chiến đấu hôm nay. Hãy lên kế hoạch cho 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần từ bây giờ khi dịch sẽ đạt đỉnh, và đảm bảo rằng chúng ta đứng ở vị trí có thể giành chiến thắng trong trận chiến”, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói với các phóng viên hôm 30/3.

Ông Cuomo đã đưa ra lời khẩn cầu giúp đỡ khi số ca tử vong tăng vọt ở bang này, đặc biệt ở tâm điểm dịch thành phố New York.

Số ca nhiễm ở Italy vượt 100.000

Italy ghi nhận thêm 4.050 ca nhiễm mới hôm 30/3, mức thấp nhất kể từ ngày 17/3, nâng tổng ca nhiễm lên đến 101.739. Trước đó, quốc gia Địa Trung Hải báo cáo 5.217 ca mới hôm 29/3 và 5.974 ca mới hôm 28/3.

Tuy nhiên, số người chết vì virus tăng thêm 812, lên đến 11.591 người, đảo ngược xu hướng giảm hai ngày trước đó, theo Reuters. Thống kê được cơ quan bảo vệ dân sự Italy công bố.

Italy tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong và chiếm hơn 1/3 tổng thiệt hại nhân mạng trên toàn cầu vì virus.

So nguoi chet vi virus o My vuot vu khung bo 11/9, ca nhiem gap doi TQ hinh anh 1 y_14_.JPG
Italy đã có hơn 100.000 ca nhiễm virus. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Italy hôm 30/3 đã quyết định kéo dài phong tỏa “ít nhất” đến lễ Phục Sinh, tức ngày 12/4, dù Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết gần 3 tuần phong tỏa là “bài toán thực sự cam go về kinh tế”, theo AFP.

Ông nói bất cứ biện pháp nới lỏng hạn chế nào đều sẽ được thực hiện một cách từ tốn để đảm bảo Italy không đánh mất những gì đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

“Việc phong tỏa không thể kéo dài quá lâu”, ông Conte nói với báo El Pais của Tây Ban Nha. “Chúng tôi có thể nghĩ cách (để dỡ bỏ hạn chế). Nhưng việc này cần phải được tiến hành từng bước”.

Việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh và cấm tụ tập nơi công cộng vốn sẽ kết thúc vào ngày 3/4 trong tuần này.

Thống kê mới đã cho thấy một số tín hiệu lạc quan. Tỷ lệ gia tăng ca nhiễm theo ngày đã giảm xuống còn 4,1%, so với mức 62% cách đây một tháng, theo AFP.

Tổng số người nhiễm virus ở vùng Lombardy, tâm dịch tại Italy, cũng lần đầu tiên giảm xuống hôm 30/3, từ 25.392 còn 25.006 người. Con số này đã liên tục tăng trong hơn một tháng.

“Bức tranh đã được cải thiện rất nhiều trong 4 ngày qua”, lãnh đạo y tế vùng Giulio Gallera nói.

Silvio Brusaferro, lãnh đạo viện y tế công cộng ISS của Italy, nói số ca nhiễm đang sắp đạt đỉnh. “Vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, nhưng mọi thứ đang cải thiện”, ông nói.

Ngọc Hoàng

Tags :
Đọc nhiều