2
category
396683

Sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh của mình

28/05/2020 07:15

Các chuyên gia cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, tiến tới quản lý dân cư bằng mã số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia là xu thế tất yếu và cần thiết. 

Trình bày về dự thảo Luật Cư trú trước Quốc hội hôm 23/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết luật mới sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Các thông tin về dân cư, hộ tịch sẽ được đồng bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc bỏ sổ hộ khẩu, thay thế bằng công cụ quản lý hiệu quả, hiện đại hơn được các chuyên gia hết sức ủng hộ. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng sử dụng một công cụ đã quá lỗi thời để quản lý dân cư trong xã hội hiện đại là vô cùng bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển, quyền tự do của người dân.

Sổ hộ khẩu đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh trong giai đoạn lịch sử của nó. Vòng đời mà sổ hộ khẩu chứng minh được vai trò, giá trị của mình đã hết và cần sớm được thay đổi.

Ông Dũng cho rằng sổ hộ khẩu đang gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội, thể hiện rõ nhất qua việc người dân hưởng các dịch vụ, lợi ích công. Ông lấy ví dụ vào thời kỳ bao cấp, việc phân chia hàng hóa, vật phẩm cũng được đưa vào sổ hộ khẩu, nên đây rõ ràng sự bất công và biểu hiện của xã hội cũ. Không những vậy, sổ hộ khẩu còn hạn chế người dân nhập cư vào khu vực đô thị khi cơ sở vật chất chưa đầy đủ.

“Ngay cả giờ đây các gia đình nhập cư sinh sống tại thành phố để xin cho con đi học, khám chữa bệnh thì rất khó khăn, mất công sức do không có hộ khẩu”, ông nói.

Thứ hai, sổ hộ khẩu làm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền công dân và ở đây trực tiếp là quyền tự do cư trú của người dân. Theo nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc hạn chế người dân di chuyển, nhập cư đã không còn phù hợp.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp của Bộ Tư pháp, cho rằng thời kỳ cần hạn chế việc di cư, di chuyển của người dân đã kết thúc từ rất lâu.

“Hoạt động kinh tế, học tập, làm việc của người dân không còn khoanh lại trong phạm vi làng, xã hay một tỉnh như trước. Nhu cầu di chuyển, cư trú của người dân trải rộng khắp nước. Sự ràng buộc người dân vào một đơn vị hành chính nào đấy rõ ràng là sự cản trở”, ông Thất nói.

Đi cùng với sổ hộ khẩu là một loạt các thủ tục hành chính, mua bán đất, xây dựng nhà cửa, hay như việc xin học cho con đều dựa trên sổ hộ khẩu. Việc này bó buộc hoạt động, nhu cầu phát triển, hưởng thụ cuộc sống của người dân.

Bỏ sổ hộ khẩu thế nào?

Không phải đến giờ việc bỏ sổ hộ khẩu mới được đưa ra. Tháng 6/2014, Bộ trưởng Công an đã trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân. Trong đó nêu rõ thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân, do đó sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

Thấy được sự cần thiết và xu thế tất yếu của việc này nhưng TS Trần Thất nhấn mạnh nếu chưa có được một công cụ quản lý thay thế phù hợp, hoạt động hiệu quả thì bỏ sổ hộ khẩu sẽ không khả thi.

Ông cho rằng với việc mỗi người Việt được cấp mã số định danh cá nhân và dữ liệu được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc quản lý sẽ hiệu quả, khoa học hơn rất nhiều. Mỗi mã số sẽ bao hàm nhiều dữ liệu được đồng bộ cùng như họ tên, năm sinh, quê quán, giấy phép lái xe…

So ho khau da hoan thanh su menh cua minh hinh anh 2 nhap_ho_khau_cho_con_theo_me_edited.jpg
Các chuyên gia nhận định sổ hộ khẩu đã không còn là công cụ quản lý thích hợp trong thời điểm hiện tại. Ảnh: L.V.

Khi đó, cơ quan chức năng muốn tra cứu dữ liệu của một người, chỉ cần nhập mã số định danh là thông tin hiện ra đầy đủ. Nhưng để làm như vậy đòi hỏi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đầy đủ, đồng bộ.

“Người dân kêu ca từ 15-20 năm nay về chuyện sổ hộ khẩu rồi, bây giờ làm đã là muộn. Tuy nhiên, bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ có một loạt vấn đề đặt ra, kéo theo thay đổi rất nhiều văn bản, quy định pháp luật. Và bỏ sổ hộ khẩu thì mã số định danh cá nhân đã cấp đầy đủ chưa? Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã đồng bộ chưa?”, TS Trần Thất nêu vấn đề.

Ông chia sẻ cách đây 7 năm, khi còn là Vụ trưởng Vụ hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), ông là Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch. Từ thời điểm đó, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc triển khai diễn ra vẫn rất chậm chạp.

4 vướng mắc cần tháo gỡ

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng vấn đề mấu chốt để bỏ được sổ hộ khẩu là phải ban hành các văn bản pháp luật, các quy định kèm theo đảm bảo quyền và nghĩa vụ phát sinh căn cứ vào nơi ở. Bên cạnh đó, công cụ quản lý mới phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ nơi ở cho người dân như an ninh trật tự khu vực, quyền bỏ phiếu, khám nghĩa vụ quân sự…

“Rất nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ cần sổ hộ khẩu như mua nhà, mua xe, xây dựng. Những thứ này liên quan đến rất nhiều luật. Vậy để bỏ sổ hộ khẩu phải sửa luật thế nào, đồng bộ với các quy định hiện tại ra sao”, ông Dũng nêu quan điểm.

Cũng tại kỳ họp ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thanh Tùng đề nghị Bộ Công an làm rõ 4 vấn đề nhằm đảm bảo tính khả thi, không gây xáo trộn lớn khi bỏ sổ hộ khẩu.

Thứ nhất, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân (khoảng 80 triệu người). Tuy nhiên, 4 năm mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Thứ hai, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Nhưng đến nay các cơ sở dữ liệu này vẫn đang xây dựng, chậm về tiến độ so với yêu cầu của luật.

Thứ ba, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Vì vậy, ông Tùng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới.

Thứ tư, bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch (như điện, nước, dịch vụ điện thoại) vì không thể truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan Nhà nước; việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú…

Sơn Hà/ ZFN

Đọc nhiều