Sở GTVT TP.HCM đề xuất làm 5 đường trên cao
Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư 55 dự án về hạ tầng giao thông trong năm 2021, trong đó có 5 đường trên cao nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe tại các điểm nóng, kết nối Đông – Tây.
Vào giờ cao điểm, nút giao thông Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) và khu vực đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc. Đặc biệt, do đường sắt giao cắt với đường Nguyễn Văn Trỗi và các đường xung quanh, nên tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng hơn mỗi khi xe lửa chạy qua khu vực này vào giờ cao điểm.
Ưu tiên đầu tư tuyến số 1 và số 5
Để giải quyết bài toán kẹt xe quanh khu vực này, các cầu vượt bằng thép đã được bố trí, nhưng tình hình kẹt xe chỉ giảm nhẹ một thời gian rồi tái diễn. Do đó, trong quy hoạch giao thông khu vực này, cơ quan chức năng đã tính tới phương án làm đường trên cao.
Cụ thể, Sở GTVT đã đề xuất UBND TP ưu tiên xây dựng tuyến đường trên cao số 1 dài 9,5km (gồm 1km cầu cạn cho 2 làn xe, 8,5km còn lại cho 4 làn xe) với tổng mức đầu tư khoảng 17.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030.
Tương tự, để giải quyết tình trạng kẹt xe, tăng tính kết nối Đông – Tây, các phương tiện không phải đi xuyên tâm, Sở GTVT cũng đề xuất ưu tiên xây dựng thêm tuyến trên cao số 5 so với các tuyến còn lại. Tuyến này bắt đầu từ quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Trạm 2 (quận 9, Thủ Đức) đến nút giao thông An Sương và An Lạc (Q.Bình Tân) dài 34km.
Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, Sở GTVT đề xuất chia thành hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 (năm 2020 – 2025) đầu tư đoạn trên cao từ nút giao Trạm 2 đến nút giao thông An Sương dài 21,5km, với tổng mức đầu tư khoảng 15.405 tỉ đồng bằng nguồn vốn PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư). Trong giai đoạn 2025 – 2030, sẽ đầu tư đoạn từ An Sương đến An Lạc dài khoảng 12,5km.
Chi phí thấp hơn mở rộng đường
Đoạn từ quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Trạm 2 – quận 9, Thủ Đức) đến nút giao thông An Sương và An Lạc (Q.Bình Tân) là tuyến đường huyết mạch của các dòng xe từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Đông về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Do đó, tuyến đường này đang có mật độ xe dày đặc, nhất là xe tải, xe khách và xe container.
Việc sớm giải quyết tuyến này không chỉ giảm kẹt xe mà còn tăng tính kết nối giữa 2 khu vực Đông – Tây Nam Bộ. Ngoài ra, theo Sở GTVT, các tuyến đường trên cao số 2, số 3 và số 4 cũng cần được nghiên cứu đầu tư hợp lý trong giai đoạn 2020 – 2030.
Một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho rằng nếu mở rộng quốc lộ 1 từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc, kinh phí đền bù giải tỏa nhà dân ở hai bên đường sẽ rất lớn. Vì vậy phương án xây dựng đường trên cao số 5 là khả thi hơn do kinh phí đền bù giải tỏa rất thấp, chủ yếu đền bù giải tỏa hạ tầng kỹ thuật điện, cấp nước, chiếu sáng…
Cũng theo vị này, đường trên cao chủ yếu sử dụng mặt bằng dải phân cách nằm ở giữa đường. Hơn nữa, kỹ thuật thi công hiện đại lắp ghép các nhịp dầm cầu cạn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến xe đang chạy trên đường. Với tuyến đường trên cao số 1, trước đây đã có một số đơn vị nghiên cứu đề xuất nhiều hình thức đầu tư, trong đó có Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII). Tuy nhiên, Sở GTVT khẳng định sẽ thực hiện bằng vốn công.
Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Bình – tổng giám đốc CII – cho biết đang nghiên cứu đề xuất các tuyến trên cao số 2, số 3 và số 4, trong đó sẽ ưu tiên nghiên cứu triển khai những đoạn kết nối với tuyến trên cao số 1 có thể giúp giải tỏa áp lực giao thông tức thời. “Đề xuất này đã được chuyển đến Sở GTVT TP và cơ quan này cho biết đang xem xét để trình UBND TP” – ông Bình nói.
* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):
Cần ưu tiên làm tuyến số 5 trước
Việc xây dựng 5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM trong thời điểm này là hết sức cấp thiết nhằm giải quyết các vấn nạn ùn tắc, kẹt xe ở các khu vực trọng yếu, trong đó có cửa ngõ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây cũng là tuyến đi qua những khu vực dân cư thưa thớt và ngoại thành nên mức bồi thường giải phóng mặt bằng không quá cao, chưa kể dọc tuyến số 5 đã có nhiều cầu vượt trên cao rất dễ kết nối.
Theo tôi, nên áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Nhà nước chỉ nên đảm nhiệm công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, tư nhân sẽ bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn thì việc triển khai mới nhanh chóng được.
* TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
TP.HCM cần phải có đường trên cao
Hạ tầng giao thông ở TP.HCM hiện chưa bắt kịp sự phát triển về dân số và kinh tế. Do đó việc đề xuất xây dựng đường trên cao là cần thiết và phải được triển khai sớm.
Trong đó, theo tôi, nên ưu tiên làm tuyến đường trên cao số 1 nhằm góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất, các tuyến Trường Chinh, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện…
Việc nâng cấp hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên cần phải huy động nguồn vốn xã hội hóa, kèm theo đó là cơ chế, chính sách đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng mới có thể thúc đẩy triển khai và sớm hoàn thành, đưa các công trình vào khai thác.
NGỌC ẨN/TTO