Số ca COVID-19 giảm ngày thứ 4 liên tiếp, đã qua đỉnh dịch?
Số ca COVID-19 giảm ngày thứ 4 liên tiếp sau khi tới “đỉnh” của đợt dịch là trên 180.000 ca hôm 16-3. Cùng việc số ca tại Hà Nội và các tỉnh thành dịch nóng như Bắc Ninh, Nghệ An… giảm nhiệt, có phải đỉnh dịch lần này đã qua?
Theo tính toán của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước, đợt dịch do chủng Omicron sẽ gia tăng tới đỉnh và giảm nhiệt trong vòng 2 tháng kể từ khi xuất hiện trong cộng đồng.
Qua giải trình tự gene ngẫu nhiên tại 21 tỉnh thành phía Bắc từ ngày 1 đến 10-2 cho thấy thời điểm đó chủng Delta vẫn chiếm ưu thế, nhưng đã ghi nhận các ca bệnh nhiễm chủng Omicron rải rác trong cộng đồng.
Đến nay đã qua gần 1,5 tháng và trong thời gian này số mắc mới COVID-19 hằng ngày gia tăng rất nhanh, từ dưới 10.000 ca/ngày dịp Tết Nguyên đán gia tăng nhanh dần và cao nhất là trên 180.000 ca mới ngày 16-3 như đã nói ở trên.
Từ mốc trên 180.000 ca mới/ngày 16-3, số mắc mới đã giảm trong những ngày qua, ở Hà Nội số mắc mới đã giảm liên tiếp trong hơn 10 ngày và xuống dưới mốc 20.000 ca/ngày (cao điểm lên tới trên 32.000 ca/ngày).
TP.HCM thêm bệnh viện tiếp nhận trẻ mắc COVID-19
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trước tình hình trẻ em mắc COVID-19 tại TP tăng cao, bệnh viện sẽ tiếp nhận cấp cứu, điều trị nội trú các trẻ em mắc COVID-19.
Cụ thể, khoa nhi A với 40 giường bệnh, có hệ thống phòng cách ly đúng tiêu chuẩn, hệ thống camera quan sát bệnh nhân nặng và hệ thống oxy trung tâm đến giường bệnh nhi đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Trường hợp các bệnh nhi chuyển nặng hơn sẽ được chuyển đến khoa cấp cứu tích cực chống độc trẻ em.
Như vậy, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, còn có Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP tăng 300 giường điều trị COVID-19 (trong đó 50 giường hồi sức) cho trẻ.
Đối với bệnh viện quận, huyện, đa khoa có chuyên khoa nhi phải có 30 – 50% giường điều trị COVID-19 dành cho bệnh nhi mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Hôm nay 21-3, Bộ Y tế phải báo cáo loại vắc xin tiêm cho trẻ 5-11 tuổi
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca, việc cấp phép thuốc điều trị COVID-19 và việc thực hiện khoản 5 điều 6 nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Về việc mua vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản ngày 9-3; 10-3; 15-3; 16-3 và ngày 17-3.
Bộ Y tế làm rõ các loại vắc xin có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo số lượng nhiễm virus ở trẻ em và việc tiêm sau khi bị mắc bệnh; kinh nghiệm của các nước tiêm cho trẻ em; các cam kết tài trợ vắc xin của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị tổng số vắc xin cần mua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21-3.
Về việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca, Bộ Y tế báo cáo rõ về lô vắc xin 1.109.600 liều đã được đưa về Việt Nam từ ngày 22-12-2021; chính sách giảm giá của AstraZeneca đối với các nước và Việt Nam; 73.504 liều vắc xin VNVC để lại để tiêm miễn phí cho nhân viên…
Về việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất và cấp phép thuốc điều trị COVID-19, Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam.
Thực hiện cấp phép cho thuốc điều trị COVID-19 theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 4 văn bản số 318/TB-VPCP ngày 27-11-2021 của Văn phòng Chính phủ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết khoản 5 điều 6 nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Cả nước còn 379 xã phường “vùng đỏ”
Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế, tính đến ngày 19-3 cả nước có 4.370 xã phường (chiếm 41,2% tổng xã phường được đánh giá) là vùng xanh (nguy cơ thấp); 2.607 xã phường (24,6%) là vùng vàng (nguy cơ trung bình); 3.229 xã phường (30,5%) là vùng cam, nguy cơ cao. Số còn lại 379 xã phường là vùng đỏ, nguy cơ rất cao.
So với lần đánh giá gần đây, số “vùng đỏ” đã giảm, nhiều địa phương vừa được giảm cấp độ dịch đã cho phép dạy học trực tiếp, khu vui chơi tập trung đông người… trở lại.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Hà Nội tối 20-3 thông tin ghi nhận thêm 19.065 ca bệnh, trong đó có 6.346 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.129); Hoàng Mai (1.017); Hai Bà Trưng (958); Sóc Sơn (929); Đống Đa (914). Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca mắc trong ngày ở Hà Nội giảm.
So với mốc 32.650 ca thiết lập hôm 8-3, số ca mắc ở thủ đô đã giảm hơn 10.000 ca. Cộng dồn số ca COVID-19 tại Hà Nội đến nay là 1.171.344 ca. Hà Nội hiện có 275 ca điều trị tại khu cách ly, 3.348 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm hơn 0,88% tổng số ca đang điều trị, theo dõi). Tổng số ca tử vong do COVID-19 (từ ngày 27-4-2021 đến nay) là 1.297 người.
– Quảng Bình từ 6h ngày 19-3 đến 6h ngày 20-3 ghi nhận thêm 2.853 ca COVID-19, trong đó 2.316 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số F0 toàn tỉnh là 80.519 ca, trong đó 52.521 ca khỏi; có 26.924 F0 điều trị tại nhà, 607 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế, 67 người tử vong.
– Sáng 20-3, Nghệ An thông tin trong 12 giờ ghi nhận 3.934 ca COVID-19, trong đó có 1.149 ca cộng đồng, 2.785 ca đã được cách ly từ trước. Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Yên Thành…; không có ca tử vong do COVID-19. Đến nay Nghệ An đã ghi nhận 346.527 ca COVID-19, trong đó 256.696 bệnh nhân khỏi, ra viện. Số ca COVID-19 tử vong là 153 ca; số F0 hiện đang điều trị là 89.678 ca.
– Số ca COVID-19 mới ở nhiều tỉnh Tây Nguyên cao. Những ngày gần đây số ca mắc mới ở Kon Tum tăng mạnh. Ngày 19-3 thêm 1.051 ca mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở Kon Tum lên 16.330 người. Nhiều ca mắc ở Kon Tum thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Tại tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 20-3, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện ở địa phương này là 61.759 người. Đã ra viện 30.484 người, 117 bệnh nhân tử vong, 16 bệnh nhân về địa phương khác. Hiện đang cách ly 38.172 người. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế: 1.020 người; cách ly tại nhà là 37.152.
Đắk Lắk mới thống kê đến hết ngày 19-3, toàn tỉnh này đã ghi nhận tổng cộng 101.749 ca COVID-19. Trong đó, đã khỏi bệnh, ra viện 41.806 ca; đang điều trị 59.783 ca. Tổng số bệnh nhân đã tử vong là 160 bệnh nhân.
Khai Tâm