419
category
467185

Số 1 thế giới do ông Donald Trump tạo ra

20/01/2021 16:09

Từ một tỷ phú, ngôi sao truyền hình, ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ. Bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump dần khép lại nhưng dấu ấn ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.

Ông Donald Trump là người đã làm nên những điều đặc biệt, khiến cả thế giới khó quên về vị Tổng thống thứ 45 này của Hoa Kỳ.

Ngày 20.1.2017, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump ký sắc lệnh nhằm từng bước loại bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) của người tiền nhiệm Barack Obama. Chỉ 3 ngày sau, ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được ông Obama thúc đẩy. Đó chính là những bước khởi đầu cho nhiệm kỳ đầy tranh cãi nhưng cũng nhiều điểm nhấn của Tổng thống Donald Trump.

Theo giới quan sát, một trong những thành tựu của ông Trump từng đạt được trong nhiệm kỳ của mình, chính là kinh tế. Ông Trump tiếp quản nước Mỹ với một trạng thái tương đối ổn. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, kinh tế Mỹ duy trì được đà tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 5 thập niên qua là 3,5% vào tháng 9.2019. Nếu như không có đại dịch Covid-19, ông Trump có lẽ đã kết thúc nhiệm kỳ bằng những chỉ số về kinh tế lạc quan. Không may thay, Covid-19 khiến thành quả 3 năm đầu nhiệm kỳ “đổ sông đổ bể”.

Cũng liên quan kinh tế, một điểm nhấn đáng chú ý khác trong nhiệm kỳ ông Trump là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dẫu có nhiều tranh cãi về tác động, nhưng các nhà quan sát thừa nhận việc ông Trump cứng rắn với Trung Quốc là phù hợp với góc nhìn lợi ích của Mỹ và đó là điều mà người kế nhiệm ông cần cân nhắc sau khi tiếp quản quyền lực. Bởi lẽ, Trung Quốc của hiện tại đang phát triển nhanh, mạnh và đã được dự báo sẽ rút ngắn khoảng cách và sớm soán ngôi Mỹ ở vị trí nền kinh tế số một thế giới. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng sâu rộng, đủ để bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ cũng phải bận tâm hàng đầu.

Lại nói về đối ngoại, ông Trump còn ghi điểm trong nhiệm kỳ của mình bằng thành tích không chiến tranh. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã cùng liên quân quốc tế đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông cũng mở đường cho việc rút Mỹ ra khỏi vũng lầy Trung Đông. Mặc dù đưa ra hàng loạt lập trường cứng rắn với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, nhưng ông Trump không kéo nước Mỹ vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Với Iran, căng thẳng có lúc lên đến đỉnh điểm ngỡ như một cuộc chiến tranh nóng cận kề, những phương án quân sự cũng đã được tính đến, nhưng rốt cuộc, hết 4 năm nhiệm kỳ, căng thẳng vẫn chỉ âm ỉ, kìm nén, thỉnh thoảng trả đũa lẫn nhau.

Với Triều Tiên, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, đồng thời làm nên lịch sử với 3 cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dẫu rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc nhưng không thể phủ nhận dấu ấn ngoại giao của ông Trump mà chưa Tổng thống Mỹ nào có được đến lúc này.

Trong nhiệm kỳ, ông Trump còn xây dựng cho mình được hình ảnh một cầu nối – trung gian hòa giải ở Trung Đông. Ông chính là một nhân tố quan trọng trong Hiệp ước Abraham, giúp đi đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, tiếp đó là một loạt nước Ả Rập khác. Không phải tất cả đều hài lòng với thỏa thuận này, đặc biệt là Palestine, nhưng dưới góc nhìn của những bên khác thì đó được xem là dấu mốc cho xu thế hòa giải tại Trung Đông.

Nhưng có lẽ, người ta sẽ nhắc đến ông Trump nhiều hơn vì quá nhiều tranh cãi. Việc ông thắng cử đã là tranh cãi lớn, khi phía Dân chủ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump chiến thắng. Một cuộc điều tra rầm rộ đã được tiến hành. Đến kỳ bầu cử thứ hai, khi ông có nhiệm vụ giữ lấy chiếc ghế tổng thống, lại tiếp tục là tranh cãi.
Chính ông Trump đã phát động một cuộc chiến pháp lý dai dẳng chống lại kết quả bầu cử ở hàng loạt bang. Cũng chính ông đến cuối cùng vẫn không chấp nhận thua cuộc và nỗ lực với hy vọng lật ngược tình thế. Kết quả cuối cùng ấn định ông thua, nhưng ông lại bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho những rối loạn đã xảy ra. Ông bị luận tội. Không chỉ một lần mà tới hai lần. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên có “kỷ lục” đó.

Tranh cãi còn ở những phát ngôn, chính sách và biện pháp ông đưa ra cả về đối nội và đối ngoại. Khó có thể kể hết vì nước Mỹ dưới thời ông Trump đã tốn không ít giấy mực của truyền thông. Ông rút nước Mỹ ra khỏi những tổ chức, thể chế và vai trò mang tầm quốc tế vốn đều từng do chính Mỹ góp nhiều công sức. Ông làm đồng minh của Mỹ hoang mang vì nhiều đòi hỏi thực dụng. Dưới thời ông Trump lãnh đạo, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung. Mỹ cũng rút khỏi UNESCO, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và gần nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, ông Trump đã làm thay đổi rất lớn về định vị nước Mỹ trên trường quốc tế.

Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tưởng chừng sẽ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở trung đông và tạo thêm một cuộc chiến mới. Nhưng thực tế sau một vài lời kêu gào phản đối, các nước trung đông đều lần lượt bắt tay với Israel, việc các tiểu vương quốc Ả Rập chịu bình thường hóa (lờ đi lời thề phục quốc cho người Palestin) là chuyện “mặt trời mọc ở đằng tây”. Ông Trump liên tục chơi trên lửa, nhưng lại dập tắt lửa… thậm chí công khai ám sát tướng của Iran, một vài màn pháo hoa, tuy có đạn lạc nhưng chuyến ấy Iran mất mặt nhiều hơn là Mỹ. Lẽ ra thành tựu hòa bình Trung Đông mà thay bởi một ông tổng thống có “bàn tay ấm” thì lại chẳng mười mấy cái giải Nobel cũng không đủ.

Đối ngoại là thế, còn đối nội của ông Trump cũng chẳng hề kém cạnh. Một loạt chính sách về nhập cư, xây tường biên giới Mỹ – Mexico, y tế cộng đồng, chính sách súng đạn cũng gây không ít tranh luận trong nội bộ nước Mỹ. Đặc biệt, lập trường của ông Trump về Covid-19 và cách ứng phó với đại dịch của chính quyền ông bị xem là điểm chí tử trong năm cuối nhiệm kỳ. Nước Mỹ giờ đây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì Covid-19.

Sẽ rất lâu nữa nước Mỹ mới có một vị tổng thống quá đặc biệt như vậy. Không kinh nghiệm chính trường, nhiều phát ngôn gây sốc và không từ bỏ cho đến cuối cùng. Dù là công hay tội, tốt hay xấu, ông Trump cũng đã ghi tên mình vào lịch sử. Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn bất kỳ nhà lãnh đạo tranh cử khi đương nhiệm nào. Ông cũng là người tạo ra làn gió mới “tổng thống Twitter” khi làm mọi việc từ sa thải nhân sự, công kích đối thủ, vận động tranh cử, thậm chí công bố chính sách mới qua mạng xã hội. Nhưng cũng chính ông là người có cuộc chiến căng thẳng nhất với giới truyền thông và các công ty công nghệ. Giới quan sát còn đánh giá ông Trump đã tạo ra một tập hợp những người ủng hộ ông tới mức được gọi là người theo “chủ nghĩa Trump”. Và cuối cùng ông là Tổng thống Donald Trump.

Điểm sáng lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống là ông Trump không tạo thêm chiến tranh. Ông Donald Trump đã làm những việc mà các tổng thống Mỹ đời trước không ai dám làm – chứ chưa nói là làm được. Đúng vậy mà, tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua biên giới Nam Bắc Triều. Gặp mặt chủ tịch Triều Tiên không những một mà đến ba lần.

Ngoài ra, ông Donald Trump là người đầu tiên bị luận tội hai lần, cũng là vị tổng thống đầu tiên bị cấm vĩnh viễn trên các phương tiện truyền thông lớn như Twitter và Facebook. Quốc hội cũng đã “phản bội” và đóng khung ông ấy. Ông Donald Trump mang đầy tiếng xấu nhưng rốt cuộc lại là “con bồ câu” duy nhất trong “làng diều hâu”. Nhưng cũng vì vậy lần đầu tiên người ta thấy nước Mỹ chia rẽ như thế. Âu cũng là quy luật “nếu Mỹ không đem chiến tranh ra ngoài thì họ sẽ tự tạo ra hỗn loạn trên đất họ.” Lời này không mới, đó là nhận định từ lâu rồi, lâu đến nỗi quên mất người nói, chỉ thấy sự thực ứng nghiệm.

TH

Tags :
Đọc nhiều