8
category
373463

Smartphone 500.000 đồng đã sẵn sàng

16/03/2020 12:32

Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại, nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng khẳng định đã có thể tham gia ‘phổ cập smartphone 500.000 đồng tới 100% dân số’ theo định hướng của Bộ Thông tin và truyền thông.

Đại diện nhiều doanh nghiệp nêu quan điểm với Tuổi Trẻ sau thông điệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam sẽ có chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) tới 100% dân số, thể hiện qua việc sản xuất những chiếc smartphone thương hiệu Việt với giá chỉ 45-50 USD.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Những chiếc smartphone này khi đến tay người dùng chỉ có giá 500.000 đồng (khoảng 20 usd) thông qua việc bù giá của nhà mạng với 10 usd và các nhà phát triển ứng dụng (app) được cài sẵn trên máy sẽ hỗ trợ 1 usd/ứng dụng. Chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, tương đương với 10 usd.

Ông Trần Hữu Quyền, tổng giám đốc Công ty VNPT Technology (đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN – VNPT), cho biết trong danh mục sản phẩm điện thoại hiện nay của VNPT Technology đã có mẫu điện thoại giá khoảng 1 triệu đồng.

Công ty có hai nhà máy sản xuất smartphone tại Hoàng Quốc Việt (Q.Cầu Giấy) và Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), có khả năng sản xuất 2-3 triệu máy smartphone/năm, nên theo ông Quyền, với hạ tầng nhà máy hiện tại chỉ cần Nhà nước đặt hàng, “phát lệnh” là doanh nghiệp có thể làm được luôn.

Tương tự, Tập đoàn công nghệ Bkav với thương hiệu Bphone sau giai đoạn đầu sản xuất điện thoại với định vị thương hiệu cao cấp có giá thành tương đối cao, đến nay ông Vũ Thanh Thắng, phó chủ tịch Bkav, cho biết công ty đã làm chủ công nghệ lõi và có thể tối ưu giá được cho những sản phẩm có giá 40-50 usd. Nếu có lượng sản xuất lớn cùng sự trợ giá của nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng thì có thể thành công.

Nhiều chuyên gia cho rằng thành công của việc “phủ sóng smartphone 500.000 đồng tới 100% dân số” sẽ cần vị trí quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với vai trò là đơn vị trợ giá chính – một hình thức bán hàng đã rất phổ biến ở các nước phát triển và phương Tây.

Xã hội số hóa

Ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội (Viettel), cho rằng mức trợ giá 10 usd không phải là vấn đề gì lớn đối với nhà mạng nếu số lượng thuê bao/máy (trợ giá) chỉ một vài triệu.

Góc độ hiệu quả thì thấy rõ. Lợi ích của đất nước là mong muốn đẩy nhanh chương trình chiến lược chuyển dịch số, xã hội số… Khách hàng đang dùng feature phone (điện thoại cơ bản) khi chuyển sang smartphone cũng sẽ có lợi ích khi được tiếp cận nhiều dịch vụ số hơn, như dịch vụ nội dung số, thanh toán số, Chính phủ số…

Với nhà mạng, ông Thắng xác nhận cũng được lợi khi không phải mất chi phí vận hành công nghệ cũ (2G), hơn nữa lại có thêm khách hàng mới. “Do vậy, tinh thần của Viettel là thực hiện bất cứ lúc nào và luôn luôn sẵn sàng”, ông Thắng khẳng định.

Thúc đẩy để tạo lợi ích lâu dài

Đánh giá đây là chủ trương tốt, đáp ứng chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số của đất nước, tuy nhiên ông Nguyễn Trường Giang – phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone, cho biết nếu tham gia nhà mạng sẽ phải hi sinh một chút lợi ích kinh tế ban đầu.

Như VinaPhone có 2-3 triệu thuê bao cần chuyển đổi, tức cần trợ giá 2-3 triệu máy, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra hai ba chục triệu usd. Dù vậy, ông Giang cho rằng đã có nhiều hình thức sáng tạo khi hỗ trợ, trong đó hình thức phổ biến trên thế giới là bán trả chậm và việc trợ giá là tính vào gói cước.

“Coi như đây là khoản đầu tư ban đầu và sẽ thu lợi về sau, bởi càng nhiều người dùng máy smartphone thì nhu cầu dùng Internet càng lớn. Khi nhu cầu 4G càng nhiều thì khả năng thu hồi vốn đầu tư 4G càng tốt” – ông Giang nói.

Đảm bảo chất lượng tốt nhất trong mức giá

Về chất lượng sản phẩm điện thoại, ông Trần Hữu Quyền – tổng giám đốc Công ty VNPT Technology, cho rằng với giá 40-50 usd (giá từ nhà sản xuất) tất nhiên sẽ không thể đòi hỏi tốt tương đương với máy vài triệu đồng, dù nhà sản xuất sẽ tối ưu các tính năng, linh kiện sản phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất trong mức giá. “Sản xuất ở mức giá 40-50 USD sẽ không thể có lãi, nhưng về lâu dài mình sẽ lấy được thị trường và mở rộng thị phần”, ông Quyền nhìn nhận.

Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – VIA):

Chi phí giảm mạnh nếu vận động tốt

Phổ cập smartphone 500.000 đồng tới 100% dân số là chủ trương tốt và hợp lý vì đây là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển mục tiêu của quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số, Chính phủ điện tử. Khi sản phẩm (smartphone) đơn giản, rẻ thì càng có nhiều người dùng và khi mọi người đều dùng smartphone thì nhu cầu về Internet về các dịch vụ số càng lớn.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm (các app ứng dụng) cơ bản đều là các doanh nghiệp tư nhân nên khi vận động họ bỏ tiền tài trợ cho chương trình phải trên nguyên tắc tự nguyện. Nếu vận động tốt, chương trình tốt có khi không phải là 10 mà cả 100 đơn vị muốn tham gia, khi đó chi phí tài trợ sẽ giảm.

Thanh Hà, Đức Khiêm/TTO

Tags :
Đọc nhiều