28
category
322833

Sinh viên thất nghiệp, đi làm việc phổ thông: Lỗi tại ai?

30/08/2019 07:27

Để giải quyết thực trạng sinh viên phải “giấu” bằng đại học làm việc phổ thông cần có sự phân luồng nghề nghiệp từ sớm, nâng cao chất lượng dạy và học…

Sinh viên thất nghiệp, đi làm việc phổ thông: Lỗi tại ai?
Sinh viên thất nghiệp, đi làm việc phổ thông: Lỗi tại ai?

Tại diễn đàn “Đảng viên trẻ tích cực học tập, sáng tạo theo lời Bác dạy” vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều cán bộ đoàn, thanh niên đã bày tỏ sự trăn trở khi hiện nay, để xin được việc làm nuôi sống bản thân khi chưa tìm được công việc đúng chuyên môn, nhiều sinh viên, thanh niên tốt nghiệp đại học đành “giấu” đi tấm bằng đại học.

Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động phổ thông chỉ cần tốt nghiệp THPT và đã qua đào tạo nghề. Chính vì vậy, nhiều sinh viên cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học đến xin việc bị doanh nghiệp từ chối.

Vẫn nặng tư duy coi trọng bằng cấp

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thực trạng sinh viên tốt nghiệp nhiều năm không tìm được việc làm đúng chuyên ngành hay phải giấu đi bằng đại học để làm công việc phổ thông đã học đã được đặt ra từ lâu.

sinh vien that nghiep, di lam viec pho thong: loi tai ai? hinh 1
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Tuy nhiên, tâm lý của người dân Việt Nam nói chung và nhiều phụ huynh nói riêng vẫn rất coi trọng bằng cấp và mong muốn con được vào đại học. Điều này được thể hiện rất rõ khi có nhiều gia đình nghèo cố gắng vay mượn, có con trâu hay bò đều bán hết đi để dành dụm tiền cho con học hành chu đáo, vào được đại học. Họ không nghĩ đến năng lực, điều kiện kinh tế của gia đình mà cho con học nghề hay tìm kiếm một công việc phù hợp với sở thích của con họ.

Chính vì đó, đã đến lúc cần thay đổi một cách toàn diện về nhận thức của người dân trong xã hội về việc quá coi trọng bằng cấp mà coi nhẹ việc học nghề, thực hành. Theo đó, ngành Giáo dục và các ban ngành liên quan cần tuyên tuyền cho người dân hiểu công việc nào trong xã hội mà người dân đang làm, không vi phạm pháp luật đều rất được coi trọng. Người học cần ý thức được rằng, năng lực, trình độ của bản thân đến đâu thì có thể học tiếp lên bậc học cao hơn hay chuẩn bị hành trang vào đời cho mình bằng con đường khác.

Theo ông Thang Văn Phúc, nâng cao trình độ là quá trình học tập lâu dài, suốt đời, dưới nhiều hình thức như: vừa học vừa làm, học từ xa… Vì vậy, phụ huynh và học sinh phải biết được năng lực của con đến đâu để có con đường lựa chọn cho tương lai của các cháu một cách đúng đắn nhất.

Chưa có sự phân luồng rõ ràng, đào tạo ĐH còn kém chất lượng

Đứng ở góc độ khác, bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để có thể giúp học sinh, sinh viên tìm kiếm được việc làm đúng chuyên môn, sở thích sau khi tốt nghiệp THPT, đại học thì việc phân luồng nghề nghiệp rất quan trọng. Ví dụ như các trường đại học phải đặt ra tiêu chí cụ thể để những người thực sự có trình độ, năng lực, năng khiếu thực sự mới vào được, chứ không phải học sinh có trình độ trung bình, yếu kém cũng có thể đỗ vào ĐH.

sinh vien that nghiep, di lam viec pho thong: loi tai ai? hinh 2
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 

Theo bà Kim Tuyến, việc phân luồng nghề nghiệp nên được thực hiện từ cấp THCS, THPT chứ không nên để học sinh nào học hết THPT đều muốn thi vào đại học nhưng không thực sự biết rõ được năng lực, trình độ của mình đến đâu.

Bên cạnh việc phân luồng tốt thì các trường đại học cần siết chặt tuyển sinh “đầu vào” và chú trọng đến chất lượng “đầu ra”. Theo đó, nếu sinh viên nào không học tập nghiêm túc thì phải học lại, thi lại và có thể không thể học tiếp được nữa. Việc cấp văn bằng chỉ dành cho những sinh viên thực sự có tinh thần học tập nghiêm túc, chăm chỉ và hiệu quả.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quyết định đến việc sinh viên tốt nghiệp có xin được việc làm hay không là các trường ĐH cũng phải ưu tiên trên hết là giảng dạy chất lượng, đào tạo được sinh viên đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Trường ĐH đào tạo theo nhu cầu xã hội cần chứ không phải đào tạo tràn lan.

Nhiều sinh viên không biết học xong làm được những việc gì

Đề cập việc sinh viên thất nghiệp, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nêu quan điểm: Hệ thống giáo dục đại học, chuyên nghiệp của nước ta đang đào tạo sinh viên học thuộc bài, nói rất hay, thi đánh giá dựa trên lý thuyết nhưng thiếu việc dạy sinh viên cách thực hành.

sinh vien that nghiep, di lam viec pho thong: loi tai ai? hinh 3
 Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT).

Nhiều sinh viên bước vào đại học nhưng chưa định hướng được tương lai về ngành nghề của mình. Họ cần mảnh bằng hơn là năng lực thực tế. Cử nhân có tấm bằng nhưng thực chất chưa có trình độ đại học vì không có kiến thức, kỹ năng. Đó là chưa kể nhiều sinh viên mới bước chân từ trường phổ thông vào trường đại học sau những năm tháng căng mình ra để dùi mài kinh sử thì luôn có tâm lý “xả hơi”, cường độ học tập chùng xuống, lại không quen với cách dạy của giảng viên đại học, không ít bạn trẻ trở nên lơ là, thiếu động lực phấn đấu.

Nhiệm vụ chính của sinh viên trong trường đại học là học tập, cần đặt mục tiêu rèn luyện năng lực để ra trường kiếm được việc làm, tích cực thu thập, tiếp cận thông tin tri thức mới, nghiên cứu hay trải nghiệm thực tế ở các công ty có ngành nghề theo học. Quỹ thời gian học tập rất eo hẹp, nhưng nhiều sinh viên không thiết tha học tập, dành nhiều vào những hoạt động không gắn với việc học tập, rèn luyện như lướt mạng, chat, game, đánh bài…

Thậm chí sinh viên khóa trước ra trường, truyền kinh nghiệm cho khóa sau cách học đối phó, phao, chạy chọt thầy cô giáo để qua được môn. Ngoảnh đi ngoảnh lại sau 4 đến 5 năm, nhiều sinh viên không biết học xong mình làm được những việc gì một cách cụ thể với ngành tốt nghiệp. Do vậy, khi doanh nghiệp phỏng vấn không thể khoe ra năng lực của mình được và cơ hội việc làm sẽ mãi xa vời.

Để không còn tình trạng sinh viên thất nghiệp, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, cần thay đổi chương trình, thay đổi cả người dạy và người học.

(Theo Bích Lan/VOV)

Tags :
Đọc nhiều