Siêu sao bóng rổ Mỹ không biết thì dựa cột mà nghe tình hình nhân quyền Việt Nam
Vừa qua, một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp, Enes Kanter Freedom người Mỹ gốc Thổ, hiện đang thi đấu cho đội Boston Celtics tại Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA, đã đăng tải lên các trang cá nhân của mình nội dung tạm dịch như sau: “Hàng trăm người bảo vệ nhân quyền và nhà báo đang có nguy cơ, quấy rối, hay hành hạ ở Việt Nam, nơi này KHÔNG tự do thể hiện, KHÔNG tự do ngôn luận, KHÔNG có báo chí miễn phí, Ủng hộ Nhân Quyền tại Việt Nam”. Đi kèm là hình ảnh đôi sneaker với hình ảnh của một nữ sinh áo trắng bị lực lượng công an đang còng tay, bịt miệng. Hành động này ngay lập tức đã nhận lại được rất nhiều sự chỉ trích của người dân Việt Nam, đặc biệt là sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng mạng.
Nhìn nhận lại “lịch sử bản thân” của vận động viên Enes Kanter Freedom, có thể thấy anh ta là vận động viên tiêu biểu thích mang chính trị và thể hiện quan điểm chính trị vào thể thao, dĩ nhiên là quan điểm này được “hình thành” dưới sự tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của các nước phương Tây. Đã không ít lần, quan điểm đó được Enes Kanter thể hiện lên trên đôi giày mà anh ta thi đấu và đem lại sự ảnh hưởng tiêu cực đến các câu lạc bộ. Đơn cử như vào thời điểm tháng 10/2021, Trung Quốc từng dọa cắt bản quyền NBA, cấm bán đồ lưu niệm của câu lạc bộ Boston Celtics tại nước này vì Enes Kanter Freedom có những phát ngôn “gây sốc” tương tự như trên.
Trở lại câu chuyện của Enes Kanter nói về nhân quyền ở Việt Nam, có lẽ người Việt Nam đã dần quen với việc tình hình nhân quyền ở nước mình bị các nước phương Tây bóp méo, xuyên tạc. Có thể lấy dẫn chứng bằng việc Bộ Ngoại giao phải lên tiếng khẳng định báo cáo nhân quyền năm 2020 của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) vẫn còn một số nội dung chưa khách quan, dựa trên những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam. Bởi vậy, hành động của Enes Kanter Freedom rất có thể là hệ quả của việc truyền thông nước ngoài liên tục “bôi nhọ” tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Nếu nói về nhân quyền ở Việt Nam, đó là quyền “hiển nhiên” người dân Việt Nam chúng ta được hưởng thụ, được thể hiện ngay ở 6 chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” trong Quốc hiệu Việt Nam. Thực tế, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam và thực tế hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước. Nếu có thể, Enes Kanter cần phải đến Việt Nam để chứng kiến “nhân quyền” ở Việt Nam thực tế như thế nào hoặc sử dụng công cụ tìm kiếm Google tìm hiểu về Việt Nam; hoặc đơn giản là theo dõi cộng đồng mạng Việt Nam hàng ngày “chém gió” về các vấn đề trong nước và quốc tế như thế nào là đủ để tránh phát ngôn sai sự thật đáng tiếc như trên.
Nếu chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận bị hạn chế thì hãy nhìn sang các nước khác xem sao. Ví dụ như Trung Quốc, người dân ở đây không được tiếp cận với công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội FB mà thay vào đó là những ứng dụng tương tự do chính Trung Quốc tự phát triển như Weibo. Hoặc nhìn sang Úc với câu chuyện của bạn Lê Minh Trí, là du học sinh Việt Nam đã kể lại rằng khi di chuyển bằng xe bus, một người bản xứ đã nhất quyết mua vé bằng tiền mặt mà không sử dụng thẻ (một dạng vé tháng) mặc dù nó rẻ hơn rất nhiều. Bởi vì khi mà sử dụng thẻ đó phải đăng kí ID cá nhân, mỗi lần lên hoặc xuống xe bus đều phải quẹt thẻ, toàn bộ dữ liệu đó sẽ được ghi lại và đưa về cho công ty quản lý thuộc Chính phủ, thêm vào đó là hệ thống camera quan sát dày đặc, vậy nên hành trình của công dân đều được nắm rõ bởi một bên thứ 3.
Đứng ở một góc nhìn khác, chúng ta đặt dấu hỏi lớn khi một người có quốc tịch Mỹ, đang sinh sống ở nửa bên kia bán cầu và chưa một lần đặt chân đến Việt Nam lại có thể lên tiếng “chỉ trích” tình hình “nhân quyền” ở đây. Enes Kanter Freedom có quyền và tư cách gì để đánh giá về tình hình nội bộ của một quốc gia khác, chưa kể đến việc đánh giá đó sai sự thật. Không chỉ vậy, những hình ảnh trên đôi sneaker kia là những hình ảnh vu khống lực lượng Công an Việt Nam, nhục mạ lực lượng vũ trang của cả một quốc gia.
Thiết nghĩ, Enes Kanter Freedom là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp thì nên tập trung thi đấu cho tốt chứ đừng cố thể hiện những nhận thức lệch lạc về một đất nước, một dân tộc mà anh chưa biết, chưa đặt chân đến bao giờ. Cũng nói thẳng với tổ chức “Việt Tân” và các đối tượng chống phá chính quyền, đừng lợi dụng phát biểu sai lệch của một cầu thủ bóng rổ ngoại quốc để hả hê, soi mói, công kích đất nước.
Mai Anh