128027
category
484215

Sĩ quan Việt Nam được cử đi làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc

12/03/2021 11:21

Trung tá Trần Đức Hưởng nhận quyết định của Chủ tịch nước đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York), sáng 12/3.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, trao quyết định của Chủ tịch nước cho Trung tá Trần Đức Hưởng, nhiệm kỳ hai năm (2021-2023).

“Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhận quyết định này. Xin cảm ơn các Thủ trưởng luôn chỉ đạo sát sao, giúp đỡ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ”, Trung tá Hưởng nói và cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, sẵn sàng lên đường sang New York.

Các nhiệm vụ chính trung tá Hưởng đảm nhiệm khi làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quố là xây dựng và triển khai công tác kế hoạch quân sự cho các phái bộ gìn giữ hòa bình mới và phái bộ đang hoạt động; soạn thảo, điều chỉnh các nhận định, dự đoán mang tính chiến lược, chiến dịch, các kế hoạch hoạt động và quy ước giao tranh.

Anh cũng sẽ làm nhiệm vụ tham mưu chiến lược, chiến dịch về các vấn đề quân sự, đặc biệt về việc điều chỉnh tổ chức biên chế của phái bộ đang hoạt động, mở mới phái bộ hay đóng cửa; giám sát tổ chức biên chế, trang bị và năng lực cho lực lượng quân sự, các đơn vị quân đội; chuẩn bị và tham gia các chuyến thăm khảo sát, đánh giá, thăm tiền triển khai, nghiên cứu năng lực quân sự và các đoàn khảo sát kỹ thuật…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cho trung tá Trần Đức Hưởng, sáng 12/3. Ảnh: Hoàng Thùy
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cho trung tá Trần Đức Hưởng, sáng 12/3. Ảnh: Hoàng Thùy

Trung tá Trần Đức Hưởng trúng tuyển vị trí Sĩ quan tham mưu kế hoạch, Phòng Kế hoạch quân sự, Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở Liên Hợp Quốc tháng 10/2020, sau khi vượt qua 3 vòng sơ tuyển hồ sơ, thi viết, thi phỏng vấn, với khoảng 200 hồ sơ từ các nước thành viên. Đây là sĩ quan thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, sau trung tá Lương Trường Vinh.

“Trung tá Hưởng đã có hai nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đây là một trong những cán bộ tiêu biểu, đủ năng lực để giải quyết các vấn đề vì có kinh nghiệm thực tế, có kiến thức rộng”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, nói.

Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Mới đây, một sĩ quan được tiếp nhận làm giảng viên Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Bộ Quốc phòng Australia, nhiệm kỳ hai năm.

Năm 2020, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có ba sĩ quan vượt qua các bài kiểm tra để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở trụ sở New York; sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Trung Phi.

Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của Liên Hợp Quốc.

Từ năm 1948 đến tháng 7/2020, Liên Hợp Quốc đã triển khai tất cả 70 phái bộ được thành lập; có tới 125/193 nước thành viên Liên hợp quốc đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ.

Hoàng Thùy

Đọc nhiều