128036
category
434057

Shark Liên và những lùm xùm về nhà máy nước Sông Đuống

Thành Nhân 29/09/2020 11:15

Nhà máy Nước Sông Đuống do Tập đoàn AquaOne của bà Đỗ Thị Kim Liên hay còn gọi là Shark Liên làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đến nay dự án đã vướng phải không ít những lùm xùm khiến dư luận “dậy sóng”.

Shark Liên và những lùm xùm về nhà máy nước Sông Đuống - Ảnh 3.
Hình ảnh Shark Liên chơi golf từng khiến dư luận bức xúc.

Nhà máy Nước Sông Đuống do Shark Liên làm chủ đầu tư thuộc quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch cấp nước Thủ đô) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 499 ngày 21/3/2013.

Cụ thể, trên cơ sở mục tiêu khai thác tối ưu các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch với chất lượng bảo đảm, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô cũng như bảo đảm khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý và ưu tiên nước mặt, dần thay thế nguồn nước ngầm, Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Hà Nội sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Hồng và Nhà máy nước Sông Đuống.

Về phạm vi cấp nước sạch, Nhà máy nước Sông Đuống sẽ cũng cấp nước cho khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề.

Tương tự, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà và phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Hồng cũng được ấn định rất rõ trong quy hoạch và không hề chồng chéo hay trùng lắp với phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đuống.

Nhà máy nước Sông Đuống có tổng diện tích 65 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỉ đồng, có công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Theo kế hoạch, đến năm 2030, công suất nhà máy sẽ đạt 900.000 m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Kể từ khi Nhà máy nước Sông Đuống của Shark Liên hoàn thành giai đoạn 1 đã gây ra nhiều “ồn ào” khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của dự án do Shark Liên làm chủ.

Shark Liên và những lùm xùm về nhà máy nước Sông Đuống - Ảnh 2.
Toàn cảnh nhà máy nước Sông Đuống.

Một trong những “lùm xùm” lớn nhất là thông tin tổng mức đầu tư của Nhà máy Nước Sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỉ đồng. Đây cũng chính là thông tin mà ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội thông tin tới báo chí vào tháng 12/2019.

Khi đó, ông Hà cho biết, Nhà máy nước Sông Đuống của Shark Liên đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng/m3 nước. Giá nước sạch tạm tính tối đa của nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3. Từ những thông tin này, đã khiến người dân Hà Nội bức xúc cho rằng, tại sao lại bắt người dân trả lãi vay bằng cách áp vào giá nước.

Ngay sau đó, tại phiên chất vấn kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội, thời điểm ông Nguyễn Đức Chung còn là UBND TP Hà Nội đã yêu cầu ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm vì đã phát biểu sai về cơ cấu giá nước sạch sông Đuống khiến dư luận hiểu lầm.

Bên cạnh đó, ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3846 chấp thuận liên danh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước Sông Đuống) là nhà đầu tư dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm.

Đáng chú ý, Sóc Sơn là địa bàn huyện không được nhắc đến trong phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đuống trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký năm 2013. Chưa kể theo quy hoạch, một phần khu vực đô thị phía Bắc Hà Nội (Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn) lại thuộc phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Hồng.

Đặc biệt, quá trình triển khai lắp đặt đường ống dẫn nước của Nhà máy nước Sông Đuống cũng bị chậm tiến độ, đến đầu năm 2020, người dân Sóc Sơn chưa được sử dụng nước sạch.

Ngoài ra, bản thân Shark Liên cũng khiến cho báo chí tốn khá nhiều giấy mực về những hình ảnh Shark Liên đánh golf ở ngay bên cạnh hồ chứa nước của Nhà máy nước Sông Đuống. Những hình ảnh này được lan truyền trên các trang mạng xã hội về một sân tập golf được xây dựng ở ngay bên cạnh hồ chứa nước, những quả bóng golf sẽ được người chơi đánh trực tiếp từ trên bờ ra giữa hồ nước.

Tháng 11/2019, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ Xây Dựng cho biết, Bộ Xây dựng không cấp đất, phê duyệt đầu tư nên không biết được bên trong nhà máy nước mặt sông Đuống có sân golf.

Shark Liên và những lùm xùm về nhà máy nước Sông Đuống - Ảnh 1.
Nhà máy nước Sông Đuống.

Chưa nghiệm thu đã cấp nước cho dân

Một “lùm xùm” khác cũng khiến dư luận Hà Nội bức xúc là Nhà máy Nước Sông Đuống được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9-2019 nhưng đến tận thời điểm cuối tháng 10-2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu, trong khi nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.

Theo cơ quan chức năng, thời điểm cuối tháng 10-2019, theo quy định của Luật Xây dựng thì chủ đầu tư (Tập đoàn AquaOne) chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chỉ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Trước đó, Cục Giám định nhà nước đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và công tác nghiệm thu công trình Nhà máy Nước Sông Đuống giai đoạn I, đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường.

Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan việc bảo đảm an toàn đường ống cấp nước, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống. Vì vậy, Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu nhà máy của chủ đầu tư.

Cũng theo Cục Giám định, dự án Nhà máy Nước Sông Đuống sử dụng 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước, thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước nên Cục Giám định sẽ có ý kiến sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư.

Shark Liên và những lùm xùm về nhà máy nước Sông Đuống - Ảnh 4.
Văn bản của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

AquaOne được giao thêm dự án nước sạch ngàn tỉ

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty CP Nước AquaOne và Công ty CP Nước mặt Sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại Quyết định 3845 ngày 24-6-2017. Trong đó có nội dung xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng Hòa chưa có hệ thống cấp nước.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân huyện Ứng Hòa, TP đã giao Công ty AquaOne triển khai dự án Nhà máy Nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019. Nhà máy Nước Xuân Mai là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến 900.000 m3/ngày đêm; dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc đề nghị sở này cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (Nhà máy Nước Sông Đuống). Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc. Theo nguồn tin, các cơ quan chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra theo quy định, trước ngày 30-9.

Thành Nhân

Đọc nhiều